Please log in or register to do it.

Đây là hình ảnh trong một khu nhà cổ hàng trăm năm tuổi tại Chengdu. Thanh bình và yên tĩnh.
Hầu như chỗ nào cũng đẹp, góc nào cũng đẹp, cảnh nào cũng đẹp. Duy có chỗ tôi ngồi có thể coi là… ít đẹp nhất tại đây. Vậy nên Cheng thắc mắc, sao mày lại muốn chụp hình ở ngay tại chỗ này?

Tôi bảo vì nó đặc biệt.

Và tất nhiên để chiều tôi, Cheng vẫn “miễn cưỡng” chụp hình, nhưng cậu ấy chẳng cảm nhận được những gì tôi nói.

nguyen ngoc long

Tôi hỏi Cheng, mày có thấy “con sư tử” (tôi thật sự không biết con này là con gì) này quay mặt vào trong nhà không? Cậu ấy trả lời là có.

– Tại sao nó lại quay vào trong nhà?

– Tao không biết.

– Tại sao tất cả những con khác, ở những ngôi nhà khác thì quay ra ngoài, cùng hướng với cửa chính, chỉ có (hai) con này, tại ngôi nhà này, lại quay theo chiều ngược lại?

– …

– Ở Việt Nam, trước cửa một số đền chùa, hoặc toà nhà lớn cũng đặt những “con sư tử” kiểu này. Và tao thấy nó đều quay ra phía ngoài. Thế nên với tao, đây là điều đặc biệt.

– …

– Căn nhà này là của ai? Tồn tại được bao nhiêu năm? Con sư tử đá này có ở đây từ bao giờ? Đó là thời điểm đạo giáo, nho giáo hay phật giáo đang cực thịnh ở Chengdu?

– Tao không biết.

– Tất nhiên là mày không biết. Nhưng đó là những câu hỏi tao muốn mày giúp tao tìm hiểu thông tin.
Và đó cũng là cách tôi đi du lịch.

Cho nên khi cùng Cheng đến Công viên Ký Ức Viễn Đông, thay vì chạy từ góc này qua góc khác để tạo kiểu pose hình như nhiều người khác, tôi hỏi Công viên này đã được bao nhiêu năm tuổi?

– Sao mày toàn hỏi tao những câu linh tinh vậy?

– Không linh tinh. Vì tao biết một mô hình tương tự ở Đài Loan.

Đó là khu “Ten Drum Culture Village”, một địa điểm du lịch nghệ thuật cực kỳ ấn tượng ở Đài Nam, được thổi hồn trên xác một xí nghiệp sản xuất mía đường lớn nhất nước từ hàng trăm năm trước.

Công thức xí nghiệp cũ, cộng nghệ thuật, cộng dịch vụ, thành du lịch cũng là mô hình của Công viên Ký Ức Viễn Đông. Vậy liệu mô hình này là Trung Quốc sao chép của Đài Loan, hay Đài Loan sao chép từ Trung Quốc?

Muốn trả lời câu hỏi đấy, chỉ cần so sánh độ tuổi tồn tại của hai xí nghiệp là xong.

Tôi bảo với Cheng như vậy. Và đó là lý do tôi cho rằng câu hỏi của mình chẳng linh tinh một chút nào!

Tôi còn muốn biết trước khi trở thành một khu du lịch đặc chất nghệ thế này, thì Ký Ức Miễn Đông là nhà máy sản xuất cái gì? Và thông qua đó, tôi có hình dung được một giai đoạn lịch sử, kinh tế quan trọng của vùng đất này không?

Vì chẳng phải bỗng nhiên, trong hằng hà sa số các xí nghiệp cũ bỏ hoang, người ta lại quyết định đặt Ký Ức Viễn Đông ở ngay chính tại xí nghiệp này.

Tôi luôn muốn “nhìn thấy” những câu chuyện ở đằng sau những nhân vật, sự kiện, hình ảnh, vật dụng mà tôi đang… nhìn thấy! Thế nên, những gì có vẻ rất bình thường với mọi người, lại trở nên vô cùng đặc biệt và đầy ấn tượng với bản thân tôi.

Và tôi cho rằng cuộc sống này cũng đang tuân theo một công thức chung như vậy. Có những việc chúng ta nghĩ là nó trắng, hoá ra đằng sau nó lại đen. Có những gam màu chúng ta tưởng là đen, hoá ra bên trong lại trắng.

Thế nên nhiều lúc, chỉ nhìn vào những gì diễn ra trước mắt sẽ rất dễ bị mắc sai lầm.

Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/YNCBXu

Càng già càng sợ chết
Đến Tứ Xuyên ăn lẩu Tứ Xuyên với người Tứ Xuyên

Your email address will not be published. Required fields are marked *