Please log in or register to do it.

Anh O la Vuon coi tấm hình nhóm bếp trong rừng Bắc Giang của mình (http://on.fb.me/12TSUPY) rồi bình luận “Hơi lạ nữa là Nguyễn Ngọc Long Blackmoon biết đun bếp này. Hải Phòng làm gì có củi mà đun nhỉ”. Thực ra, mình mới thấy lạ vì câu hỏi của anh í, tại vì bếp này thì có gì đâu mà không biết đun cơ chứ? Ai cũng đun theo “bản năng” được thôi. Vì bếp này đun không khó!

Em còn biết đun bếp mùn cưa anh Hoàng O la Vườn ạ!

Bếp mùn cưa được “chế tạo” từ một cái xô sắt, khoét ra một cái lỗ ở dưới cùng để làm thành cửa lò. Mỗi lần muốn đun nấu thì đặt cái chai thủy tinh vô trung tâm, thả mùn cưa vô khoảng trống giữa chai thủy tinh và vách xô. Sau đó dùng que gỗ nhồi mùn cưa thật chặt. Cuối cùng rút cái chai thủy tinh ra ngoài thì sẽ có “thành phẩm” là một cái xô nhét đầy mùn cưa với lỗ tròn ở giữa. Khi sử dụng chỉ cần mồi vài que củi nhỏ xíu cho vô cửa lò là được.

Loại bếp này đun nấu đồ ăn rất thơm ngon, nhiệt lượng cao, giữ ấm tốt và đặc biệt là không tốn củi. Mỗi bữa cơm chỉ cần 2-3 que củi nhỏ xíu là xong toàn bộ, vì đặc trưng của nó là sự “cộng hưởng” nhiệt từ củi và mùn cưa nên vô cùng tiết kiệm. Nếu ở quê thì có thể dùng trấu (vỏ gạo) để nhồi thay mùn cưa cũng được nhưng không thể đượm bằng.

Liên quan đến việc đun nấu này, cũng có một cơ số bạn hay hỏi mình “anh Long có biết nấu ăn không?”. Ờ thì… không biết! Ai biết nấu cho mình ăn đi, mình cảm ơn nhiều lắm. Tại mình lười mà. Chứ mình sành ăn thấy mẹ (nhưng không khảnh ăn đâu nhé, có sao ăn vậy). Mình hơi bị khó tính trong ăn uống vì… hồi trước mình có đi học nấu ăn. Nhưng chỉ học một vài món đặc sản gia truyền nhất định thôi, chứ không học “món Á, món Âu” như các bạn bây giờ đâu ạ.

Bởi vậy cho nên mình ăn một dĩa bánh cuốn, một tô phở, một bát bún, một nắm xôi… cũng sẽ biết ngay nó là “ngon” hay “dở”, có thật sự gia truyền hay chỉ quảng cáo cho vui.

Ví dụ như bánh cuốn bây giờ đa số tráng bằng bột năng pha bột gạo, hoặc bột gạo mua siêu thị thì không ngon được. Những kiểu pha bột như vậy giúp tráng bánh dễ hơn, dai, không bị rách nhưng lại dày cui, ăn rất chán, bánh lại khô không có độ mềm dẻo tự nhiên. Bánh cuốn muốn ngon phải dùng gạo ngâm ra rồi xay thành bột nước, lọc và nén lại rồi pha với nước ấm 7/3 (7 lạnh, 3 nóng) thì đúng chuẩn. Khi ấy bột nó mới “tươi”, còn nguyên “nhựa”, đủ để có độ dai nhất định (dù hoàn toàn dùng gạo tẻ) mà tráng mỏng vẫn không bao giờ rách! Bột này pha với nước ấm 7/3 sẽ làm cho không lắng cặn, miếng bánh tráng ra đều mặt không lổn nhổn.

Bếp dùng tráng bánh phải có nhiệt độ cao (khoảng gần 200 độ). Ngày trước mình tráng bánh nhất định dùng than bùn, không bao giờ dùng than tổ ong hay than củi. Bây giờ thì thấy các quán hay tráng bằng bếp gas. Hiệu quả thế nào thì mình cũng không biết, nhưng ăn chả thấy ngon (nhiều chỗ ăn như đấm vào mồm).

Hay như đồ xôi muốn ngon thì cách đơn giản nhất là ngồi lựa gạo. Vì chỉ cần 1 hạt gạo tẻ lẫn vô thì trong quá trình đồ xôi nó sẽ chín trước hạt gạo nếp và nát ra ở thời gian sau đó. Kết quả làm cho xôi bị ướt, nhão một phần, không bao giờ chín đều và “khô tơi” được cả.

Nấu nước dùng cho bún riêu thì phải dùng cá trộn với xương bò, xương lợn thì nước mới ngon và thanh ngọt. Nhưng dùng cá thì nước thành phẩm sẽ có vị tanh, đặc biệt khi dùng cá rô phi (rẻ, ngọt hơn cá khác) thì có cả vị hôi, hăng do đây là loại cá sống ở vùng nước lợ, chuyên ăn rong rêu nên có mùi khó chịu. Khi này phải tích cực “hớt bọt”. Cứ đun lửa thật to cho nước sôi sùng sục rồi ngồi hớt bọt. Hớt đến khi nào hết bọt là nước trong vắt, ngọt lừ, thơm phức…

Đấy là những cái gọi là “bí quyết gia truyền”, dù đôi khi chỉ là những chú ý tương đối nhỏ nhưng lại góp phần to lớn vào việc tạo ra những hương vị món ăn đặc trưng hút hồn thực khách, nuôi sống cả đại gia đình qua nhiều thế hệ. Chỉ tiếc rằng, bây giờ đi ăn uống ít kiếm được hàng quán nào như vậy. Nhiều lúc có cảm giác hụt hẫng vì ngay cả người Hà Nội cũng dần trở nên dễ tính trong ăn uống. Tức là bớt tinh tế đi rất rất nhiều lần.

***

Mình còn có nhiều năm đi câu cá chuyên nghiệp. Câu cá bán lấy tiền sinh sống, chứ không phải câu chơi. Cho nên mình có thể nói cho bạn biết loại cá nào sống ở ao hồ nước ngọt, loại nào sống được nước giáp 2 (nước lợ) và loại nào sống trong nước mặn (ngoài cửa biển). Loại cá nào thích đồ ăn nào, day cước ra sao, lôi mồi đi lên, chúi xuống hay lượn vòng quanh. Tại sao câu cá quả (cá chuối) lại không bao giờ cần dùng lưỡi… Những công việc nhà nông như lội bùn tát ao, cấy lúa, gieo mạ, hái chè, đào sắn mình cũng “thầu” luôn. Thôi thì đủ cả, nhạc nào cũng nhảy mà.

Những kiến thức xã hội thực tế và vô giá đó không chỉ biến cuộc sống của mình trở nên vô cùng thú vị, mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình tìm ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông.

Hôm rồi ra Hà Nội, mình được siêu mẫu Nguyen Xuan Lan giải ngu cho ít kiến thức về thời trang, được nhà thiết kế Caroll Trần và họa sĩ Hai Pham giải ngu cho ít kiến thức về hội họa… Mặc dù lĩnh hội chỉ được một phần, nhưng mình đã thấy thế giới quan của mình được mở rộng đến 100 lần và lại có thêm ồ ạt ý tưởng liên quan đến thời trang, nghệ thuật. Khi có thêm những kiến thức và kinh nghiệm mới, ta có thể mở ra nhiều cánh cửa thế giới mới để khám phá những kho tàng đẹp đẽ và lung linh kì lạ. Cuộc sống thực sự rất nhiệm màu!

Mình đã học rất nhiều và còn tiếp tục học nhiều hơn, đi nhiều, làm nhiều để trải nghiệm nhiều hơn thế nữa. Sự học không bao giờ là đủ, nhất là với người làm truyền thông. Cái gì cũng cần phải biết. Biết hết. Chỉ có 2 thứ mà chúng ta không nên biết, đó là “không biết điều” (vì phải luôn luôn nói sự thật) và “không biết nhục” (vì tránh trường hợp sợ sai).

Ai cũng không biết nhục, dám cầm “ảnh thờ” của bản thân giống mình thì share về tham khảo nhé. Chúc các bạn ngủ ngon ;-)

(© by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, Hiểu từ gốc rễ)

>>> ĐỌC THÊM:

+ CẦN CÓ TỐ CHẤT GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LÀM TRUYỀN THÔNG GIỎI? – http://on.fb.me/12U3jLu

+ HỌC ĂN HỌC NÓI, HỌC GÓI HỌC MỞ, LÀM TỪ THIỆN CÀNG PHẢI HỌC! – http://on.fb.me/12U3IO3

+ ĐỂ HỌC GIỎI PHẢI BIẾT… NHÉT SỎI VÀO ĐẦU! – http://bitly.com/12U3NkQ

+ “TÂM LÝ HỌC” ỨNG DỤNG TRONG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI – http://on.fb.me/12U3V3V

+ TRUYỀN THÔNG, HỌC Ở KHẮP MỌI NƠI – http://on.fb.me/12U40EA

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – August 31, 2013 at 12:39AM)

Lộ diện người tình đồng tính của Nguyễn Ngọc Long Blackmoon
Làm đi, đừng nghĩ nữa!

Your email address will not be published. Required fields are marked *