Please log in or register to do it.

Từ ồn ào nghi vấn cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia có ‘bàn tay’ người lớn đứng sau những đề tài ‘tầm cỡ’ của học sinh, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, câu chuyện ở đây không phải là ngăn cản việc chạy theo thành tích, quan trọng phải làm sao để các thành tích đó thực chất và xứng đáng.

Thực sự tôi thấy tội cho các em học sinh bởi nếu đúng là có “bàn tay” của người lớn, rõ ràng sân chơi của các em đã bị mất tính công bằng.

Đồng thời, nếu vì sự mất công bằng đó mà các em bị mất luôn sân chơi, sự trải nghiệm – thứ mà các em nên và xứng đáng được nhận còn đáng tiếc hơn gấp nhiều lần.

Dường như cả việc “thao túng” các cuộc thi (nếu có) và cả việc đề xuất huỷ bỏ các cuộc thi này đều chưa đứng ở góc nhìn của học sinh và suy nghĩ nhiều cho quyền lợi của các em.

Câu chuyện ở đây là mình phải tiếp cận từ hướng một cuộc thi không có tiêu cực thì có lợi cho các em hay không? Nếu như câu trả lời là có thì đương nhiên chúng ta sẽ không bỏ. Đồng thời, không thể vì nó tiêu cực mà mình bỏ qua những cái có lợi cho các em. Nếu có tiêu cực, chúng ta phải tìm cách làm cho nó trong sạch trở lại chứ không thể hy sinh quyền lợi của các em.

Bất kể vì lý do gì, việc huỷ bỏ cuộc thi mà không đề cập tới quyền lợi của học sinh, chỉ chăm chăm đi giải quyết vấn đề của “người lớn” là việc rất không nên. Người lớn gây ra chuyện thì cần đưa ra giải pháp để xử lý một cách vẹn toàn. Ngay cả bệnh thành tích cũng xuất phát từ người lớn chứ không phải là ý muốn của con trẻ.

Tôi thấy thành tích thực ra không có lỗi. Cụm từ bệnh thành tích thường được gắn cho ý nghĩa tiêu cực nhưng rõ ràng trong thi đấu, thành tích rất quan trọng. Cả việc tôn vinh hay trao đặc quyền đặc lợi cho những em học sinh đạt thành tích cao là việc hết sức bình thường.

Vậy tại sao chúng ta không đưa ra giải pháp để các cuộc thi đáp ứng chặt chẽ tiêu chí công bằng và minh bạch? Tôi cho rằng khi có đủ 2 tiêu chí ấy thì chất lượng cuộc thi sẽ được nâng cao và đảm bảo tính trung thực, khách quan, vì đó là những thứ “nâng đỡ” cho sự trung thực của tất cả các bên.

Người thắng thì xứng đáng được tôn vinh, người thua cũng tâm phục khẩu phục và nỗ lực hơn. Cho nên, câu chuyện ở đây không phải là ngăn cản việc chạy theo thành tích, quan trọng phải làm sao để các thành tích đó thực chất và xứng đáng.

Thực ra tôi nghĩ bất cứ cuộc thi nào cũng phải có những quy chế để giám sát sự minh bạch và dù quy chế nào cũng nên “mở” nó ra. Do đó, tôi đưa ra 2 gợi ý.

  1. Thứ nhất, tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ vào các cuộc thi, máy móc sẽ không biết “ăn gian”.
  2. Thứ hai, xã hội hoá các cuộc thi theo hướng để chất lượng cuộc thi gắn chặt với quyền lợi nhà tài trợ. Ví dụ, người thắng cuộc sẽ được nhận vào vị trí ABC với mức lương XYZ nào đó trong doanh nghiệp.
    Khi ấy, doanh nghiệp tài trợ sẽ dành toàn tâm toàn ý để giám sát và đảm bảo mọi thứ diễn ra công bằng, vì quyền lợi của chính bản thân họ. Thay vì họ chỉ xuất hiện mờ nhạt và đổi lại chút ít quyền lợi truyền thông như nhiều cuộc thi hiện nay.
Các sản phẩm trưng bày tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp TP Đà Nẵng năm học 2019-2020. (Nguồn: Infonet)

Có người hỏi tôi, việc chạy theo thành tích từ các cuộc thi nhằm đánh bóng hồ sơ của học sinh bằng những giải thưởng ảo sẽ để lại hệ lụy gì?

Theo tôi, hệ lụy ngay trước mắt, đó là có cơ số cuộc thi gian dối sẽ như “nấm mọc sau mưa”, thầy trò gian dối và khi các em lớn lên sẽ tạo thành một thế hệ gian dối, hay nói cách khác là thiếu hụt đức tính trung thực.

Tôi cũng thường đặt câu hỏi với các bạn trẻ, có biết trung thực với ai là quan trọng nhất và khó nhất hay không? Đó là trung thực với chính bản thân mình. Nếu cha mẹ, thầy cô không trao tặng cho con em bài học giá trị về lòng trung thực thì sau này, các em sẽ khó lòng thực hiện các cam kết, lời hứa do chính bản thân mình tự đặt ra.

Ví dụ, một người tự hứa sẽ ngủ sớm, chạy bộ, chăm chỉ học bài, ăn uống lành mạnh, đọc mỗi ngày 5 trang sách… Tất cả những điều đó sẽ không bao giờ thực hiện được nếu thiếu đi lòng trung thực với chính bản thân mình. Tức là, nền tảng căn bản nhất để thành công của các em đã bị lung lay, mục ruỗng.
Tóm lại, hệ lụy từ những cuộc thi gian dối sẽ tạo ra sự bất công cho các em, tước đi cơ hội của những em xứng đáng, trao cơ hội đó cho những em không xứng đáng.

Nhưng hệ lụy lớn nhất, với sự non nớt của các em, liệu cả những em chiến thắng lẫn thất bại vì sự không trong sáng, không trung thực ấy sẽ để lại ấn tượng gì, bài học tốt xấu như thế nào trong cả hiện tại và tương lai?

Chắc chắn rằng, thành tích ảo, thiếu trung thực trong các cuộc thi năng khiếu sẽ ảnh hưởng cả phần tâm lý và tác động đến phát triển nhân cách của các em chứ không chỉ dừng lại ở giải thưởng và quyền lợi.


Nguồn: Blogger Nguyễn Ngọc Long trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam

Khái niệm Truyền thông căn bản tham khảo
Khủng hoảng & Khủng hoảng truyền thông CleverFood: Chính CEO làm cho "chuyện bé xé ra to"

Your email address will not be published. Required fields are marked *