Please log in or register to do it.

CHÍNH TRỊ, ÂM NHẠC VÀ CHÍNH TRỊ HÓA ÂM NHẠC

Những tưởng vụ việc của VNG (http://on.fb.me/OlCSak) đã phần nào ổn thỏa, nhưng mới đây cư dân mạng lại tiếp tục dậy sóng sau bài phân tích của ông Nhan Thế Luân – CEO NCT Corp, đơn vị chủ quản trang nhaccuatui.com đưa ra những số liệu trong BCTC của công ty tencent để “dự đoán” số lượng cổ phần VNG mà tencent đang nắm giữ. Theo đó thì công ty trung quốc này có thể giữ tới 30% cổ phần của VNG. Hoặc cao hơn nếu sử dụng “chiêu thức” này kia.

Bài viết này sau đó đã được nhiều diễn đàn và trang mạng lấy lại khiến làn sóng dư luận chưa “buông tha” cho VNG.

Chiều ngày hôm qua, 31/7, trên trang blog “Diễn Đàn Doanh Nhân” đăng tải tiếp một bài viết (http://bitly.com/OlCvfS) được cho là của “Doanh nhân, Nhà báo TRÚC GIANG” cáo buộc VNG phản quốc khi xóa chữ “Hoàng Sa”, “Trường Sa” khỏi nội dung hiển thị trên trang mp3.zing.vn. Theo đó, bài viết yêu cầu Ban Tư tưởng, Thành ủy TpHCM phải lên tiếng về sự việc này.

Đây rõ ràng là một bài viết có xu hướng chính trị hóa âm nhạc. Mặc dù cá nhân mình là người có quan điểm chính trị rất rõ ràng, và mình cũng cho rằng âm nhạc là một trong những công cụ tuyên truyền chính trị vô cùng mạnh mẽ, nhưng không nên chính trị hóa âm nhạc một cách mù quáng.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là một người đứng giữa 2 giới tuyến trong giai đoạn chiến tranh. Ông tâm sự chỉ đơn thuần viết nhạc để ca ngợi và kêu gọi hòa bình, không theo “phe này hay phe kia”. Nhưng rồi cuộc đời ông cũng nhiều phen lận đận khi các ca khúc ông sáng tác khi thì bị phe này nói phản động, khi thì bị phe kia kêu là phản quốc và có lúc thì bị lên án bởi cả 2 phe!

Bộ phim Áo Lụa Hà Đông đã từng một thời gây nên cuộc bút chiến trên khắp các mặt báo chỉ vì một chi tiết nhỏ như sợi tóc là quả bom rơi xuống sân trường, và lá cờ ba sọc của Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Người viết đặt ra câu hỏi, vậy phe nào đã thả bom với tựa bài báo “đầy day dứt”: “Ai giết Hội An?”.

Người Việt mình có thói quen tránh xa các chủ đề chính trị. Hầu như có tới 99,9% các diễn đàn trên mạng có phần quy định “mặc nhiên” rằng “không bàn luận các vấn đề liên quan đến chính trị và tôn giáo”. Quay ngược lại đặt ra câu hỏi: chính trị thì sao? Chính trị có gì xấu? Nó khiến mình liên tưởng đến việc Việt Nam của những năm 60 – 70 coi tình dục là một cái gì đó xấu xa và nguy hiểm. Rồi qua bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu lần tranh luận để người ta kết luận: thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là làm lơ cho hươu chạy… lung tung!

Cá nhân mình cho rằng zing mp3 cũng quá ngán chủ đề “chính trị” nên họ đã thực hiện cách thức “an toàn” là chặn các chủ đề liên quan đến hai chữ Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng rõ ràng, chặn bừa chặn bãi như thế thực ra chẳng an toàn chút nào, mà chỉ gây ra sự phẫn nộ không đáng có từ cư dân mạng và đó là trách nhiệm của VNG. Và thực ra, đến thời điểm hiện nay thì VNG đã “thả” các chữ đó và cho hiện đầy đủ trên trang web.

Nếu xét về khía cạnh tuyên truyền chính trị, thì thực ra việc “filter” các chữ Hoàng Sa và Trường Sa của VNG không thể coi là nặng tội bằng việc tuyên truyền các bài hát bị Nhà nước Việt Nam coi là “phản động”. Nhan nhản các ca khúc được liệt vào hàng “siêu phản động” vẫn xuất hiện đầy rẫy trên mp3 zing (VNG), nhaccuatui (NCT) và soha musik (VC) – là những công ty, tập đoàn rất lớn với hàng triệu người nghe.

Những bài hát như Liên khúc hành trình tự do của Asian, Khóc Mẹ Dân Oan, Tiếng Gọi Thanh Niên (quốc ca của VNCH), Chút Quà Cho Quê Hương, Bài Ca Tụng Hát Dân Mao Chủ Tịch (trong album Tổ Quốc Vạn Tuế của trung quốc) được đăng tải “bình thường” trên các trang nhạc “giải trí” này. Đây là một trong số rất ít các ca khúc mà Nguyễn Ngọc Long Blackmoon tìm thử, và chắc chắn chỉ cần một tờ báo nào “chọc ngoáy” lên Cơ quan quản lý thì cũng đủ để các công ty chủ quản phải đứng ngồi không yên rồi.

Thế nhưng trên các trang nhạc online này vẫn có đủ các bài hát ca ngợi Bác Hồ, ngợi ca Đảng Cộng Sản Việt Nam, những bài nhạc Đỏ, nhạc Cách Mạng… phản ánh một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Như vậy đâu thể kết tội họ là “phản quốc” hay “bán nước”? Có chăng là các công ty này cho rằng dù sao đây cũng chỉ là những trang giải trí nên chưa quá quan tâm đến các yếu tố chính trị “nguy hiểm” trong đó mà thôi.

Mình tự cho rằng mình là người yêu nước, nhưng trong danh sách nhạc yêu thích của mình không bao giờ thiếu những bài như “Khúc tâm ca cho ngư dân Việt Nam” hay “Sài Gòn niềm nhớ không tên”… chắc chắn cũng được liệt vào hàng “siêu phản động”. Đơn giản vì mình thích giai điệu, thích ca từ của nó. Chứ các ca khúc đó chẳng “tuyên truyền” hay “tiêm nhiễm” được cái gì trong đầu mình hết.

Hãy là một người Việt yêu nước không mù quáng. Cư dân mạng không nên chính trị hóa âm nhạc những sản phẩm và hoạt động âm nhạc thuần túy. Và các công ty có những kênh truyền thông lớn, tiếp cận được hàng triệu bạn trẻ mỗi ngày thì cũng cần có ý thức hơn, tránh việc mắc phải những “tội lỗi hồn nhiên” như vậy.

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Công an Phú Thọ bắt giám đốc muaban24
Cha... lên mạng

Your email address will not be published. Required fields are marked *