Trao đổi với TG&VN, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nêu quan điểm, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết, tạo ra sự bình đẳng cho số đông; chấm dứt sự lộn xộn, ‘bát nháo’…
Là chuyên gia truyền thông, anh nghĩ gì về hiện tượng “bóc phốt” trên mạng xã hội thời gian qua?
Hiện tượng này có mặt tích cực và tiêu cực. Nó tốt ở chỗ, khi trở thành phong trào, thì các cá nhân hay tập thể muốn làm bậy sẽ phải dè chừng vì sợ bị bêu tên cho số đông biết và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh.
Nhưng nó cũng có hại ở chỗ, nếu người “bóc phốt” khi quá say sưa với việc này nhiều khi dẫn tới đi quá đà, trở thành chỉ trích, moi móc, xúc phạm cá nhân, doanh nghiệp một cách vô căn cứ, vượt quá thực tế sự việc.
Theo anh, vì muốn nổi tiếng, vì muốn đánh dấu tên tuổi hay còn nguyên nhân gì dẫn đến việc người ta lựa chọn cách làm này?
Không kể tới những người cố tình bịa chuyện hại người, nếu ai đó cảm thấy bức xúc thật thì tôi cho rằng việc “bóc phốt” một phần đến vì hành động này đã trở thành trào lưu. Sau nữa, người “bóc phốt” cũng có kinh nghiệm rằng việc làm của họ thực sự tạo ra kết quả.
Nhất là việc này nhanh chóng hơn so với đối thoại trực tiếp với đối tượng bị “bóc phốt” hoặc nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Việc thể hiện tên tuổi hay câu like, câu view gì đó cũng có, nhưng tôi nghĩ không nhiều.
Việc tận dụng lợi thế của mạng ảo sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” thế nào?
Có “lằn ranh đỏ” giữa thông tin tố cáo cái xấu và quá say sưa “bóc phốt” mà vô tình hay cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hay quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng bị “bóc phốt”. Tóm lại, việc “bóc phốt” thì không sai, nhưng lại rất dễ dẫn đến một hành vi sai.
Thông thường, đối tượng bị “bóc phốt” mà sai thật thì họ sẽ chọn cách im lặng, xin lỗi hay dĩ hòa vi quý. Dưới áp lực của dư luận, họ sẽ nhận sai.
Nhưng phải hiểu, việc nhận sai này là sai ở việc làm nào, hành vi nào cụ thể, chứ không đồng nghĩa với người “bóc phốt” làm gì cũng đúng. Và đó chính là điều nguy hiểm.
Tôi cho rằng, trong rất nhiều vụ “bóc phốt”, cả hai bên đều có cái sai. Nhưng kết quả cuối cùng thì dư luận lại chỉ nhìn là một bên đúng hoàn toàn, một bên sai hoàn toàn.
Như vậy, đám đông không ý thức được rằng đâu đó trong lời nói, việc làm của hành vi “bóc phốt” cũng có cái sai và sẽ tới lúc họ phải trả giá vì điều ấy.
Có phải cái tôi cá nhân được “thượng tôn” đã góp phần tiếp tay cho những hành xử kém văn minh trên thế giới ảo hay không?
Lý do đó chỉ là một phần thôi. Tôi nghĩ, cái chính vẫn nằm ở chỗ họ không biết được chính xác thế nào là đúng, thế nào là sai. Nếu biết rõ rồi, thì không ai muốn cố tình phạm pháp để phải trả giá đâu.
Không ít người tận dụng lợi thế tạo dư luận của mạng xã hội để nổi tiếng bằng những chiêu trò “bóc phốt”, công kích cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư, thông tin cá nhân. Anh kỳ vọng gì về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
Tôi thấy mạng xã hội hiện nay có phần hơi “bát nháo”. Căn bản do chưa có một quy tắc chung cho tất cả mọi người.
Hiện nay có nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, mỗi nền tảng lại có những quy định riêng, có thể trùng khớp mà cũng có thể lệch pha nhau, gây khó cho người sử dụng.
Việt Nam có luật an ninh mạng, nhưng tôi nghĩ luật thì có tác dụng ở “thượng tầng” nhiều hơn. Dẫn tới việc sử dụng dưới “hạ tầng” phần lớn vẫn theo cảm tính.
Vậy nên, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết. Nó tạo ra sự bình đẳng cho số đông; chấm dứt sự lộn xộn, “bát nháo”.
Dù hơi muộn, nhưng nó sẽ là lời an ủi rất tốt cho những người từ trước đến giờ vốn đã sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh nhưng vô tình trở thành yếu thế trước những người không tuân thủ luật.
Vậy theo anh, làm sao để không gian mạng trở nên lành mạnh hơn, “sạch” hơn? Cần phải nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội ra sao?
Có 3 chủ thể cần chung tay để nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội, đó là nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội, hành lang pháp lý toàn diện mạnh mẽ có đủ tính răn đe và văn hóa, ý thức của người dùng mạng.
Tuy nhiên, cả 3 trụ cột này đều chỉ phát huy được sức mạnh nếu đối tượng chịu tác động trên mạng gắn với một con người thật ngoài đời. Hay nói cách khác, phải định danh chính xác được người dùng mạng.
Ở phía nền tảng mạng xã hội, động thái quyết liệt nhất họ có thể làm là xoá tài khoản và chặn IP truy cập. Nhưng hành động này vô nghĩa nếu đó là một tài khoản ảo.
Hành lang pháp lý, các quy chuẩn pháp luật chỉ áp dụng xử phạt và có tính răn đe với một người thật. Hoặc gắn được trách nhiệm của một người thật, vì chúng ta không thể xử phạt một nick ảo.
Tương tự, các chương trình truyền thông giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, văn hóa sử dụng mạng xã hội cũng không thể làm thay đổi nhận thức một tài khoản ảo, không có thật.
Do đó, truyền thông nên tuyên truyền nhiều hơn về những điều được làm và không được làm trên mạng xã hội một cách cụ thể, với những ví dụ đơn giản, gần gũi và dễ hiểu. Bởi nếu chỉ nói chung chung về khía cạnh pháp luật thì người ta sẽ không quan tâm, mà có quan tâm cũng không hiểu hết được vì đâu phải ai cũng là luật sư!
Nếu có ví dụ, làm thành chuyên đề càng tốt, rằng tình huống này thì trong phạm vi A là đúng, mà chệch ra đường biên B lại thành sai. Sử dụng câu này, chữ này thì được, mà câu kia, chữ kia lại thành phạm luật chẳng hạn. Thì khi ấy, số đông mới hiểu và làm theo một cách dễ dàng được.
Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Blogger Nguyễn Ngọc Long trả lời phỏng vấn báo Thế giới và Việt Nam