Ngày 13/7/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Bún bò Huế”. Và gần như ngay lập tức, theo thông lệ, quy chế này “được” cả truyền thông chính thống và mạng xã hội ào ào ném đá.
Nhà tôi vẫn bán “bún bò Huế” mấy chục năm nay, tại sao bây giờ lại phải đi xin phép? Phải chăng “các ông” muốn đẻ ra thêm một loại giấy phép con để ăn tiền cho dễ? Vân vân và mây mây.
Câu chuyện “cấp phép Bún bò Huế” nhanh chóng chìm xuồng. Nhưng gần đây bỗng “hồi sinh” dưới một hình hài khác, đó là “nước mắm” và “nước chấm”. Nội hàm cuộc tranh cãi gần như giống hệt nhau, chỉ khác ở việc phân vai và thái độ của công chúng thì đảo ngược 180 độ.
Thật khó lường.
Nếu ở câu chuyện Bún bò Huế, người ta phản đối việc cấp phép thì câu chuyện nước mắm hoàn toàn ngược lại. Dư luận cho rằng cần phân biệt “nước mắm công nghiệp” và “nước mắm truyền thống”; bắt các đơn vị “công nghiệp” phải gọi là “nước chấm”, thay vì “nước mắm”, với ngọn cờ bảo vệ các làng nghề.
Tôi đặt câu hỏi hơi trái khoáy, vậy tại sao không ủng hộ Quy chế của UBND Thừa Thiên Huế và yêu cầu tất cả các cửa hàng Bún bò Huế ở Hà Nội và Sài Gòn phải đổi tên thành “Bún bò hiện đại” hay “Bún bò Huế công nghiệp” cho phải phép?
Thực tế, những cửa hàng Bún bò Huế “giả mạo” này đã khiến nhiều người nhầm lẫn một tô bún đầy ắp thịt xương, giò, bò, với thứ nước màu ninh sả kèm khoanh chân giò to như cái mâm mới là “đúng vị và đúng chuẩn”. Thế rồi, liệu nó có làm mai một công thức gia truyền và giết chết Bún bò Huế “thật” hay không?
Hồi mới vào Sài Gòn sinh sống, tôi vật vã vì không được ăn bát “bánh đa cua” Hải Phòng và sung sướng biết bao khi tìm ra chỗ bán. Nhưng việc sung sướng ấy dần chuyển qua bực tức với cái thứ đồ ăn mà tôi gọi là “mạo danh” trong các hàng quán ở Sài Gòn.
Thậm chí, một nhà hàng rất lớn ở trung tâm Deagu (Hàn Quốc) còn giăng biển tiếng Việt tên Bùi Viện, đã bán cho tôi tô “Bún chả” với nguyên liệu chính là bún gạo (giống ở lẩu cá kèo), sườn cốt lết thái sợi và chan… giấm?!!
Tôi phẫn nộ kêu quản lý tới và yêu cầu bỏ món này khỏi menu, ngưng đầu độc những người Hàn yêu mến nhưng chưa được tới Việt Nam rằng thứ quái thai dị hợm này là “bún chả”. Đáp lại, họ lịch sự nói đây chính là… bún chả. Và họ cứ gọi nó là bún chả!
À, mà nói về Hàn Quốc thì mới nhớ có một loạt siêu thị đang bán “nước gạo rang” có xuất sứ từ Hàn Quốc, mà tôi tin chắc nó không phải là… nước gạo rang. Cũng giống như ông Vũ tin rằng Starbuck đang bán nước đường vị cà phê chứ không phải “cà phê thứ thiệt”.
Nói một cách thật lòng, tôi thấy cái vị của nước mắm truyền thống là hơi khó nuốt. Thế nhưng vì ghét masan chơi bẩn mà tôi đã vận động gia đình dòng họ mình từ bỏ masan, he he.
Nhưng còn đám đông đang muốn “bảo vệ các làng nghề”, có sẵn sàng từ bỏ Starbuck để về uống cà phê phin thứ thiệt, bỏ “bún bò Huế giả” ở Sài Gòn để tìm ăn tô bún thanh lịch của O Trúc, O Lan nào đó thực sự gia truyền? Bỏ lipton, nestea, C2, 0 độ… về làm ly “chè tầu” thứ thiệt ngoài hàng xén?
Nếu câu trả lời là “không”, thì đó chính là ví dụ sinh động của cái mà tôi gọi là tiêu chuẩn kép. À tất nhiên, tiêu chuẩn kép không đúng mà cũng chẳng sai, nó chỉ đơn giản là… tiêu chuẩn kép.
Cũng giống như tôi viết bài này để chỉ ra thực tế rằng cách làm hiện tại của những người yêu mến “nước mắm truyền thống” hình như đang đi ngược lại quy luật tiến hoá thị trường, quy luật cạnh tranh của thị trường và rất có lỗi với… UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng không có nghĩa là tôi ủng hộ masan. Thế mới hiểm cơ, ờ. Vì tôi vẫn tẩy chay masan dù thi thoảng “bị ăn” ở ngoài hàng quán vẫn thấy ngon mới chết.
Tóm lại, tôi cũng tự nhận mình cực kỳ tiêu chuẩn kép. Và đang rất… nhức đầu :-)))))))
Cá nhân mâu thuẫn… bình thường
Nhưng truyền thông phải tinh tường giúp dân
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long – đừng bỏ qua những câu chuyện bên lề được bổ sung dưới comment!