Please log in or register to do it.

Ngày 29/3/2014, CNN, The Atlantic, Washington Post, Independent, CNET và hàng loạt hãng thông tấn lớn của thế giới đăng tải thông tin Suvir Mirchandani, cậu học trò 14 tuổi đam mê khoa học tại Mỹ hiến kế cho chính phủ đổi font chữ để giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD in ấn mỗi năm.

Suvir Mirchandani lập luận rằng tính theo thể tích, mực in đắt gấp đôi nước hoa Pháp. Nên nếu sử dụng Garamond, loại font có nét mảnh mai hơn, cả nước Mỹ tiết kiệm được 24% lượng mực in hàng năm, tương đương với số tiền hàng trăm triệu Mỹ kim.

Trong thực tế, điều này hoàn toàn đúng. Vì mỗi ounce (30 ml) nước hoa Chanel No.5 có giá 38 USD, còn lượng mực in chạy cho máy Hewlett Packard cùng thể tích đó có thể lên tới 75 USD. Đó là lý do cậu bé bắt tay thực hiện một dự án vô cùng ấn tượng mà mới đầu, nó chỉ được đem đi thi triển lãm khoa học ở trường.

Tất nhiên, để triển khai nó vào thực tế, người ta còn phải tính đền nhiều yếu tố khác nữa, hơn là chỉ xét về kinh tế. Vậy nên, cuối cùng thì đề xuất của Mirchandani chỉ được coi là một sáng kiến đáng biểu dương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà thôi.

Nhưng câu chuyện đó khiến tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) một cách thận trọng hơn, khi ông cho rằng nên cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt như chuyển cách viết Luật giáo dục” đổi thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”…

Thoạt nhìn, kiểu chữ mới này đúng là… ngứa mắt! Và tất nhiên, đó là cũng ý kiến của đại đa số cư dân mạng. Nhưng tôi cho rằng điều đó chỉ đơn giản là việc nhìn cái mới thì chưa quen, nên các ý kiến này không cần bàn tới. Chúng ta nên đi sâu vào phân tích các khía cạnh khác trong đề xuất của giáo sư Hiền.

Thứ nhất, về góc độ kinh tế, cách viết mới chắc chắn tiết kiệm rất nhiều tiền in ấn cho xã hội. Việc sử dụng số ký tự ít hơn để biểu đạt nội dung nhiều hơn không chỉ tiết kiệm mực in, mà còn tiết kiệm thời gian viết, vẽ và soạn thảo.

Trong thực tế, bất cứ ai từng mài đũng quần trên ghế nhà trường đều quá hiểu một ngàn lẻ một phương pháp “tốc ký” mà bao thế hệ học sinh tự sáng tạo ra. Thí dụ tg tg là tưởng tượng, trg học là trường học, n` là nhiều, ng là người, n~ là những. Trong lĩnh vực khoa học máy tính, việc tự định nghĩa bảng chữ gõ tắt cũng trở thành yêu cầu cơ bản phải có với tất cả mọi bộ gõ như Vietkey, Unikey hay iBus… (trên iPhone/iPad cũng có tính năng này).

Thứ hai, về góc độ quảng bá tiếng Việt và hội nhập, đề xuất này cũng có lợi. Vì khi giản lược hoá cách viết, không bắt lỗi đồng âm (ch với tr, s với x, gi với z, r, d…) thì người nước ngoài sẽ học tiếng Việt, chữ Việt nhanh hơn. Câu chuyện này tương tự như cuộc cách mạng về giản lược hoá tiếng Trung Quốc từ phồn thể qua thành giản thể, mà ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn.

Trong khi chữ Phồn Thể là loại chữ truyền thống được sử dụng phổ biến ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao, thì chữ Giản Thể được sử dụng chính thức tại Trung Quốc đại lục, Singapore và là loại ký tự được dùng nhiều nhất trong các tài liệu giảng dạy tiếng Phổ thông Trung Quốc cho người nước ngoài. Vì nó ít nét và dễ nhớ, dễ viết hơn chữ Phồn Thể.

Thứ ba, về tư duy đổi mới và thay thế, tôi cho rằng những ý kiến lo ngại sách vở phải thay đổi, người thế hệ trước phải “học lại” để bắt kịp với thế hệ sau, với lớp trẻ là điều dễ hiểu và “thông cảm được”. Nhưng, việc này cũng không có gì để phải bàn nhiều. Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam coi Singapore như hình mẫu cần học hỏi, thì cứ mang Singapore ra mà tham khảo.

Đảo quốc này có bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Mã Lai, Quan thoại, và Tamil. Trong đó, Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến và là ngôn ngữ của kinh doanh, chính phủ. Tiếng Anh đồng thời là phương tiện giảng dạy trong trường học. Hiến pháp Singapore và toàn bộ các luật được viết bằng tiếng Anh. Dẫn ra như vậy để thấy rằng, nếu một thay đổi nào đó là có lợi, thì sẽ có cách để áp dụng nó vào cuộc sống và tư duy lười thay đổi là thứ phải… thay đổi đầu tiên.

Thứ tư, về thẩm mỹ, văn hoá, lịch sử và chính trị, đề xuất của giáo sư Hiền còn nhiều việc phải bàn.

Bỏ qua việc cách viết mới nhìn vào cảm giác hơi “ngứa mắt” đầy cảm tính, thì tôi không đủ trình độ để nhận xét nó dưới khía cạnh nghệ thuật hay hội hoạ. Mà thú thực, tôi cũng chưa bao giờ quan tâm đến yếu tố này trong cuộc sống hay công việc hàng ngày.

Viết “giáo dục” thành “záo zụk” có giữ được sự “trong sáng” của tiếng Việt hay không thì tôi cũng… tắc! Vì từ khi biết đọc biết viết đến giờ, khái niệm “trong sáng” là thứ mà tôi vẫn luôn nhắc bản thân mình phải giữ (do được tuyên truyền nhiều quá). Nhưng tôi thật chẳng hiểu cái trong sáng đấy nghĩa là gì, dù đôi lúc tôi vẫn cảm nhận người ta muốn nói đến sự “nguyên bản” và “nguyên gốc”, tức là tính chất lịch sử nhiều hơn.

Trong khu vực, Hàn Quốc là đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa Trung Hoa. Chữ Hán cũng từng một thời gian là chữ viết chính của đất nước này. Nhưng sau Thế chiến thứ Hai, người dân Hàn Quốc bắt đầu bài xích chữ Hán, vốn là loại chữ được sử dụng phổ biến và lâu đời ở bán đảo Triều Tiên. Vào những năm 1970, Tổng thống Hàn Quốc là ông Park Chung-Hee đã hạ lệnh tiến hành sử dụng chữ Hàn, hủy bỏ hoàn toàn chữ Hán trong giáo dục và bộ máy chính quyền. Và điều đó ngày nay gây ra nhiều bất tiện, đến mức một số cuộc biểu tình (như hình minh hoạ) đã diễn ra đòi phục hưng chữ Hán.

Kết quả một cuộc thăm dò vào năm 2014 cho thấy, dân số trong hơn 5 thành phố ở Hàn Quốc cho rằng không hiểu chữ Hán sẽ cảm thấy cuộc sống thật bất tiện. Ngoài ra còn có 67% người dân Hàn Quốc tán thành việc sử dụng chữ Hán (song ngữ Hán – Hàn) trong sách giáo khoa.

Ngay tại Trung Quốc đại lục, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chữ phồn thể là phương tiện truyền đạt của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều các chuyên gia, học giả chỉ ra rằng chữ phồn thể mới là cái gốc của người Trung Quốc.

Mặc dù giới trẻ và phần đông xã hội không phủ nhận sự tiện lợi của chữ giản thể, nhưng cũng có sự kêu gọi khôi phục lại chữ chính thể (phồn thể) để dòng chảy văn hoá không bị đứt gãy và có tính truyền thừa. Điều đó giúp chúng ta tự rút ra bài học rằng yếu tố văn hoá và lịch sử trong hệ thống chữ viết của một đất nước là rất quan trọng, chứ không chỉ đánh đổi lấy sự tiện dụng bằng mọi giá.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là thái độ của chúng ta khi tiếp nhận một đề xuất có tính khoa học của một nhà khoa học.

Rõ ràng, đề xuất của giáo sư Hiền là một công trình nghiên cứu có dụng công, và được dùng để đưa ra trong hội thảo dành cho những nhà khoa học. Việc báo chí trích xuất ra đại chúng như một trò cười, phục vụ việc mua vui và cộng đồng mạng xúm vào chỉ trích hời hợt, thậm chí xúc phạm cá nhân ông là điều thực sự rất phi khoa học và làm sai lệch bản chất vấn đề.

Cá nhân tôi trân trọng đề xuất này của giáo sư Hiền và rất hiểu tâm huyết của ông, còn việc ứng dụng nó vào cuộc sống thế nào thì tôi tự thấy mình chưa đủ kiến thức nên xin phép không bàn tới.

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ VietnamNet, GenK, CNN, TrithucVN và WikiPedia)


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Những cư dân có đầu cụk cặk
Học cách tạo lợi thế cạnh tranh từ Facebook

Your email address will not be published. Required fields are marked *