Đã có hơn 150 bài báo đăng tin vụ Vietjetair tổ chức màn trình diễn bikini “phản cảm” và gây “sốc” trên tuyến bay mới mà hãng này vửa mở: HCM – Nha Trang. Trong đó có cả những báo lá cải của nước ngoài vào cuộc.
Sở dĩ mình phải “trích dẫn” chữ phản cảm và sốc vì đó là “cảm giác” của cánh báo chí chứ mình không cho rằng đó là cảm giác của số đông. Hay nói ngắn gọn là báo chí đang tự sướng. Rõ ràng đa số hành khách tham gia trực tiếp vào chuyến bay “tai tiếng” (và nổi tiếng) này của VJ đã được tường thuật là “dán mắt” vào cuộc trình diễn, họ cũng mang điện thoại ra tích cực quay film, chụp hình để phát tán lên các trang mạng xã hội.
Không ai đang “sốc” mà hành xử theo kiểu lạ kỳ như vậy cả.
Mình cũng chưa có cơ hội làm survey nên không dám nói mạnh miệng thay cho số đông nhưng cá nhân mình thấy mặc bikini thì không phản cảm. Cưỡng ép đàn ông ngắm đàn bà xấu thì hơi phản cảm chứ cưỡng ép họ ngắm đàn bà xinh, tươi mơn mởn (dù não hơi ngắn) thì thực ra là… rất nhân văn!
Và khi xảy ra một scandal về văn hoá, sẽ khó có chuẩn mực cho số đông. Tự mỗi người có góc nhìn khác nhau. Trong vụ án này, giới già sẽ phê phán VJ nhưng giới trẻ chắc chắn không. Mà đối tượng khách hàng mà VJ hướng tới đâu phải giới già? Họ đang xây dựng hình ảnh một hãng hàng không trẻ trung, thân thiện, năng động và giá rẻ.
Khủng hoảng truyền thông hết cửa… leo thang!
Sáng nay, GS Nguyễn Lân Dũng lên báo “góp ý” rằng VJ nên… “chiếu phim hài” thay vì trình diễn bikini. Còn ông giám đốc một phòng vé lớn thì gợi ý nên tổ chức ca múa nhạc giân dan! Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để người ta nhìn thấy sự lệch pha giữa “người già” và “người trẻ”. Cùng với các chỉ trích mang chiều hướng phê phán văn hoá từ đại diện VietnamAirlines và Jetstar, càng làm cho VJ trở nên nổi bật với hình ảnh trẻ trung và năng động.
Điều cốt lõi của một chuyến bay, trước hết là cảm giác an toàn. Sau nữa là giá vé (ít nhất với số đông người Việt Nam có thu nhập ở mức trung bình). Vấn đề lớn nhất mà VJ phải đối mặt là việc có hay không hành vi sử dụng dtdd khiến máy bay bị mất an toàn? Về khía cạnh luật và cơ quan quản lý thì câu trả lời là không. Về khía cạnh tâm lý khách hàng, thì người “hiểu biết vừa” vẫn canh me để bật điện thoại càng sớm càng tốt khi cất/hạ cánh, còn người “hiểu biết nhiều” thì vẫn ung dung nghe nhạc. Tức là khách hàng không tin rằng đó là một hành vi nguy hiểm.
Khi khách hàng không có cảm giác rằng VJ là một hãng hàng không “nguy hiểm” thì họ không quan tâm các vấn đề râu ria. Nhất là khi VJ vẫn định vị là một hãng hàng không giá rẻ.
Như vậy, khủng hoảng truyền thông của VJ gần như đã kín hết các cửa để có thể leo thang theo chiều hướng xấu. Nhiệm vụ còn lại của VJ là phải làm sao để… duy trì scandal này càng lâu càng tốt. Mà muốn thế phải tạo được sự kiện thêm, phải có gì đó để truyền thông tiếp tục khai thác thêm. Ví dụ như “kháng án” và kêu gào là phạt nặng, tranh cãi xin giảm án phạt (khi có quyết định chính thức) là một gợi ý Nguyễn Ngọc Long Blackmoon dành tặng VJ Air, he he he.
Như đã nói nhiều lần trước, khủng hoảng truyền thông không phải bao giờ cũng xấu. Nếu như làm khéo thì đó là cách truyền thông hiệu quả và ít tốn kém nhất. Vụ án của VJ là một case khá hay. Và mình vẫn đang quan tâm theo dõi sát vụ này cho đến hết tuần.
P/S: bài này Nguyễn Ngọc Long Blackmoon bày tỏ quan điểm và góc nhìn thuần tuý truyền thông, xin đừng tranh cãi về vấn đề đạo đức.