Please log in or register to do it.

hái Lan từ lâu đã là điểm đến nổi tiếng và quen thuộc với du khách Việt Nam. Không phải là tất cả, nhưng phần lớn các công ty lữ hành thiết kế tour bằng đường hàng không với điểm bắt đầu hành trình là Bangkok.

Thông thường, hành trình này mang đến cho du khách 3 lựa chọn.

Một là các tour mua sắm vui chơi lòng vòng ở thủ đô Bangkok và khu vực lân cận như Pattaya. Hai là các tour lặn biển ở các đảo nổi tiếng như Koh Phiphi, Koh Samui, Koh Samet… nếu nối chuyến ra Phuket. Và ba là các tour văn hoá – tâm linh nếu bay tiếp đến Chiang Mai hoặc Chiang Rai.

Do hạn chế về mặt thời gian, phương tiện đi lại cũng như chi phí, du khách “phổ thông” khó có cơ hội khám phá các tỉnh cực đông của Thái Lan.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, với khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam và Thái Lan đã cùng chung sức phát triển Hành lang kinh tế phía nam dài 900 km (còn gọi là tuyến R10) kết nối miền nam Việt Nam với cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar và tạo thuận lợi phân phối hàng hóa giữa Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Tuyến đường này bắt đầu từ Cà Mau, Kiên Giang chạy qua Kep, Kampot, Sihanoku, Kohkong (của Campuchia) và kết nối với miền đông Thái Lan, mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển kinh tế và du lịch.

Vốn nằm trong khối ASEAN nên công dân của cả 3 quốc gia mà tuyến đường R10 đi qua có thể nhập cảnh và đi lại dễ dàng chỉ với hộ chiếu phổ thông (passport). Như vậy, việc thiết kế một sản phẩm du lịch bằng đường bộ theo kiểu “ngắm bình minh tại Việt Nam, ăn trưa ở Campuchia và đón hoàng hôn trên đất Thái” là hết sức khả thi.

Tuyến đường này kết nối Việt Nam đến những tỉnh thành của Thái Lan ở sát biên giới Campuchia nên sự phát triển không thể so bì được với thủ đô Bangkok. Những “đặc sản” tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt sông, các khu mua sắm hiện đại, ẩm thực đường phố, nhà hàng quán bar, hay các chợ đêm nhộn nhịp hầu như vắng bóng. Nhưng cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống rất to đẹp, được quy hoạch chỉn chu. Các nhà hàng địa phương vẫn phục vụ được du khách các món ăn nổi tiếng đặc trưng của Thái như Somtum, Tomyamkoong, xôi xoài, Padthai…

Các thương hiệu thức uống và đồ ăn nhanh nổi tiếng như Amazon Coffee, KFC, McDonarld, Starbuck… hiện diện khắp mọi nơi. Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7Eleven, FamilyMart, siêu thị BigC, Makro, Lotus có ở hầu hết các trạm dừng chân, thậm chí ngay cả trên các đảo. Điều này giúp du khách trải nghiệm phần nào nhịp sống hiện đại của Thái Lan mà không cần đến thủ đô Bangkok.

Nếu bố trí được những hướng dẫn viên tinh tế và giàu kinh nghiệm, chắc chắn các công ty lữ hành sẽ khiến khách mua tour thích thú khi giúp họ cảm nhận được đất nước, văn hoá và đặc trưng con người Thái Lan qua những chi tiết rất nhỏ nhưng hiện diện ở khắp nơi.

Từ kiến trúc khác biệt của nhà cửa, đền chùa, khu vực tâm linh, đài tưởng niệm, đến sự tôn trọng luật pháp của người tham gia giao thông. Sự hiện đại trong văn hoá xếp hàng, cảm ơn, xin lỗi… Cách thiết kế những xe bán hàng rong có động cơ, mái che, thùng rác rất khác Việt Nam, hay đơn giản là những nhà vệ sinh công cộng có hệ thống thu tiền tự động.

Cách giao tiếp nhẹ nhàng lịch thiệp, truyền thống quỳ rạp dưới chân của người có vai vế dưới mỗi khi thưa chuyện với cô dì chú bác bề trên hay nụ cười hiền lành, cách chắp tay cảm ơn với câu cửa miệng “Kha” và “Khap” đặc trưng không lẫn vào đâu được sẽ khiến du khách Việt thấy vui và thích thú.

Tất cả những đặc trưng văn hoá này, cùng với sản vật địa phương phong phú, cảnh đẹp của cung đường ven biển và chi phí đi lại ăn ở rất phải chăng, sản phẩm du lịch dựa trên tuyến đường R10 thực sự khả thi nếu nhắm vào nhóm khách hàng có thu nhập trung bình thấp hoặc ít bận tâm đến vấn đề mua sắm.

Không chỉ mở ra tiềm năng về du lịch, hành lang kinh tế ven biển này còn tạo cơ hội giao thương buôn bán rất lớn giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ba đất nước.

Thí dụ như các tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam có thể nghĩ tới việc mời gọi hợp tác đầu tư ngành thuỷ hải sản, hoặc xuất khẩu nhóm sản phẩm này qua Thái Lan trong khoảng thời gian nước bạn giảm nguồn cung vì kế hoạch “đánh bắt theo mùa” nhằm phục vụ công tác bảo tồn tài nguyên biển.

Ở chiều ngược lại, mỗi tỉnh của Thái Lan trên tuyến R10 đều có một số sản phẩm được chính phủ quy hoạch để hỗ trợ phát triển theo hình thức làng nghề gọi là OTOP. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam kết nối để nhập khẩu các mặt hàng này về và biến Tây Nam Bộ trở thành “vùng trũng” để từ đó phân phối toả rộng ra khắp các địa phương thì thương mại quốc tế trở nên nhộn nhịp, và kinh tế toàn vùng sẽ được kích cầu.
Bài toán phát triển đồng bộ văn hoá, du lịch và thương mại dựa trên hành lang kinh tế ven biển R10 đã vào giai đoạn “chín muồi”. Nhưng việc thúc đẩy chiến lược này diễn ra nhanh hay chậm thì cần sự chung tay một cách quyết liệt và đồng bộ hơn nữa giữa cả chính quyền và doanh nghiệp địa phương./.

♣ Bài đã đăng trên VOV.vn

Trường mầm non ở Sơn La buộc trẻ nghỉ học vì mẹ quay clip: Kinh nghiệm không thể bỏ qua!
Vẻ đẹp của thực tại

Your email address will not be published. Required fields are marked *