THẾ NÀO LÀ “MOBILE MARKETING” CHÂN CHÍNH?
Nhân việc thảo luận với bạn Lê Mỹ về việc Chính phủ vừa ban hành nghị định 77/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 90/2008 về chống thư rác với nhiều điểm mới trong việc siết chặt thư điện tử, tin nhắn quảng cáo vốn đang hoành hành người dùng Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực nội dung số, quy định mới đã quản lý chặt chẽ hơn tin nhắn quảng cáo với việc giới hạn mạnh mẽ số lượng tin nhắn, thời gian gửi cũng như tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm (TTO).
Mình có ý kiến rằng, nghị định này thực sự là quá chậm trễ (ở chỗ những người làm luật đang chạy theo xã hội chứ chưa thể hiện được tầm nhìn ngay từ đầu, hoặc ít nhất là học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước). Nhưng mình khẳng định rằng có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn nạn spam tin nhắn rác + lừa đảo dụ dỗ người dùng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng một cách không mong muốn. Tuy thế, mình lại chẳng đồng ý rằng nó sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Marketing (MM) đi vào chỗ chết, như cách nhận định của một bạn nhà báo ICT.
Lý do vì mình cho rằng bạn đã nhầm lẫn hoặc cố tình đánh tráo khái niệm MM với Spam SMS (hiểu theo nghĩa tích cực của chữ spam – nhắn tin hàng loạt).
Trong các tờ quảng cáo, gói dịch vụ tư vấn MM của hầu hết các đơn vị hiện nay vẫn quanh đi quẩn lại ở việc nhắn tin chào mời dịch vụ, chăm sóc khách hàng, giới thiệu các chương trình khuyến mãi… Tóm lại, các bạn đang sử dụng nền tảng của sms để làm dịch vụ. Điều đó khiến các chiến dịch trở nên đơn điệu và nhàm chán. Các đơn vị cung cấp (VHT, vietguys, fibo…) cũng như các công ty tập đoàn lớn (Unilever, thegioididong, Massan, Vinamilk, Tân Hiệp Phát…) là khách hàng của họ cùng đồng tính lấy sms làm cách thức chính để làm MM. Hậu quả tất yếu của cách làm này là kéo theo sự tham gia của các công ty nhỏ (nhưng đông đảo và nguy hiểm) mà điển hình là các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho mobile (nhắn tin đầu số) “học theo” một cách “đầy sáng tạo”. Đó là, thay vì dùng sms để cung cấp thông tin đến đúng đối tượng (người dùng opt-in), các bạn ấy lại nhắn một cách vô tội vạ đến mọi số thuê bao mà các bạn ấy thu thập / mua được. Thay vì cung cấp thông tin mà người dùng quan tâm, các bạn lại đưa tin quảng cáo và lừa đảo (dụ dỗ nhắn tin đầu số để thu lời bất chính).
Hệ quả tất yếu là người dùng căm phẫn và thù hằn, còn báo chí thì bị các bạn “huấn luyện” rằng MM là spam tin nhắn. Điều đó thực sự rất buồn cười và buồn khóc.
Gốc rẽ của vấn đề ở chỗ mọi người đã đánh đồng khái niệm “mobile” trong chữ MM với feature fone – điện thoại cổ điển với chức năng nghe gọi nhắn tin. Rõ ràng với một chiếc feature fone như vậy thì cũng chẳng làm gì được khác ngoài việc “làm marketing thông qua tin nhắn”. Thế nhưng, trong một năm trở lại đây, có một tín hiệu đáng mừng rằng smartphone đang phát triển như vũ bão tại Việt Nam.
Việc Google cổ xúy cho nền tảng Android là một cú huých rất lớn vào việc bùng nổ của smartphone trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam, mình nghĩ nên vinh danh ông Trương Gia Bình. Cách đây khoảng 3-4 năm, khi ông Trương Gia Bình loay hoay tìm một hướng đi mới cho tập đoàn FPT, ông đã đưa ra chiến lược tên là “Cái Ấy”. Chẳng ai hiểu cái ấy là cái gì, hoặc cố lắm thì tạm hiểu nó là một cái điện thoại – khác những điện thoại khác đang có trên thị trường ở chỗ do FPT tự sản xuất cả phần cứng và phần mềm.
Có lẽ đến giờ phút này, ông Trương Gia Bình có thể nói một cách rõ ràng cái ấy của ông chính là smartphone giá rẻ. Ông Bình thật giỏi khi dự cảm được sự đổ bộ của một cơn bão lớn và tìm cách cho FPT đi trước đón đầu. Dù việc ấy cuối cùng chưa thật thành công, nhưng ít nhất, ông đã hành động đúng với cái tầm của một người có trách nhiệm dẫn dắt (cả thị trường lẫn ngành công nghệ Việt Nam). Việc đồng loạt các thương hiệu điện thoại Việt ra đời như FPT, Q-Mobile, Viettel, Mobiistar… là tiền để cho những smartphone “thương hiệu Việt” (bỏ qua yếu tố Trung Quốc ở đây) ồ ạt chào sân trong thời điểm gần đây.
Dựa trên số liệu của anh Huân (founder thegioididong.com, TGĐ dienmmay.com) cung cấp, mình dự đoán đến cuối năm 2013, người dùng điện thoại Việt Nam sẽ được “phổ cập” smartphone ở mức 10 – 20%. Khi ấy, chữ mobile trong mobile marketing sẽ được hiểu là “smartphone marketing” thay vì “feature phone marketing” như hiện tại. Cùng với sự phổ cập của 3G như hiện tại, và xu thế tương lai, có xuất hiện một làn sóng mới của ngành Truyền thông Tiếp thị. Đó là lúc doanh nghiệp sẽ nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về cách thức họ thực hiện marketing trên nền tảng mobile – smartphone.
Công thức Smartphone giá rẻ + Notification + Social app + phổ cập 3G tạo ra một nền tảng marketing kiểu mới – smartphone marketing platform (SMP). Khi này, SMS sẽ dần (trong cộng đồng người dùng smartphone) bị thay thế. Cùng với những nghị định chặt chẽ từ chính phủ thì vấn nạn spam SMS sẽ từ từ biến mất.
SMP mở ra một kỷ nguyên mới cho những người / công ty dịch vụ làm truyền thông tiếp thị trên môi trường mobile. Vấn đề là, ai sẽ bắt được con sóng ấy và trở thành người chiến thắng?
Như ở bài viết trước đã đề cập, mình thấy những “mạng xã hội” trên mobile như Mimo, Zola, Line, Viber, Wechat và WALA đang (từng bước) làm rất tốt sứ mệnh xây dựng platform của họ. Vấn đề là ai nhanh tay nhảy vào khai thác và chiếm lĩnh để trở thành phú hộ trên các nền tảng màu mỡ đó.
Một khía cạnh khác mà mình có trao đổi cùng Lê Mỹ là chính trị. Rõ ràng khi SMP thay thế feature phone truyền thống thì việc “quản tin nhắn” của Chính Phủ trở nên vô tác dụng. Sẽ chẳng có ai cấm được ai gửi / nhận cái gì qua hệ thống nhắn tin nội bộ của những phần mềm có máy chủ xa xôi bên Mỹ (Viber), bên Hàn (LINE)… Nên nhớ, band nhạc Wondergirls bên Hàn Quốc có thể broadcast tin nhắn tới 2 triệu người hâm mộ của họ tại Việt Nam thông qua LINE mà chẳng cần nhà mạng hay nghị quyết nào của Chính Phủ cho phép họ.
Khi ấy Chính Phủ gần như bị đẩy ra khỏi cuộc chơi công nghệ vì chẳng có nghị định nghị quyết nào tác động được tới nền tảng ấy một cách rõ rệt. Tự các marketer và người dùng cuối làm việc vói nhau. Chính users sẽ quyết định họ nhận tin nhắn của ai và đưa ai vào blacklist. Cũng đâu ai cần hiểu thế nào là spam sms, thế nào là mobile marketing “chân chính”, mọi thứ đến rất tự nhiên. Và khi ấy, rất nhiều kịch bản có thể thông qua những SMP như vậy để chặt đứt toàn bộ mạng lưới thông tin quốc gia chỉ với vài thao tác (mà vì tính nhạy cảm của nó mình không tiện phân tích ở đây). Tất nhiên, biện pháp cuối cùng là “ngăn chặn không chính thức”. Như cách mà Facebook “tự nhiên” bị chập chờn ở nhiều thời điểm. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, khi Chính Phủ của họ quyết tâm chặn Twitter, Facebook, Google… như một giải pháp cuối cùng thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ xác nhận “rút khỏi cuộc chơi” mà chẳng cần ai “đẩy”.
Smartphone Mobile Marketing sẽ phát triển trong khoảng 4-5 năm, trước khi một làn sóng mới đổ về. Đó là sự chuyển dịch nền tảng qua một môi trường khác, qua một “màn hình” khác. Đó chính là làn sóng của smart TV, mà hiện nay Samsung và Zing đang là những đơn vị có “mầm mống” chiến thắng tại thị trường Việt Nam.