Nói về Tết của những ngày xưa ấy, với tôi, là Tết qua ánh mắt của một đứa trẻ mới lên năm, lên sáu. Tết là một thứ kì diệu dù ngắm nhìn nó ở cái góc nào đi chăng nữa.
Xuân mới sang trên những nụ hoa chúm chím, trên những chồi non của cây bàng khẳng khiu mới rét run qua cái lạnh mùa đông, trên cuốn lịch mới xé được hơn tuần tuổi thì lũ nhỏ đã rộn ràng hát ca “Sắp đến Tết rồi, đến trường rất vui, sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui…”. Đứa cao đứa thấp, đứa béo đứa gầy chẳng ai bảo ai mà cứ nhìn thấy nhau là cười, là rúc rích suốt thôi. Càng về những ngày giáp Tết, tụi nhỏ lại càng háo hức hơn bao giờ hết. Nhất là khi bố mẹ cho đi chợ mua sắm, ấy là lúc biết rằng cái áo, cái quần xanh xanh đỏ đỏ lén lút nhìn ngắm, thèm thuồng mấy tháng trời cuối cùng cũng được rinh về nhà.
Ngày ấy đến là lạ, cả năm mới được một bộ quần áo mới thôi mà thích lắm, thích hết cả năm luôn, đến ngày chia tay bộ của năm trước vẫn còn lưu luyến nâng niu mãi.Tết của ngày xưa gắn với mùi mới, quần áo mới này, giầy dép mới này, lọ hoa mới, khăn trải bàn mới, anh em nhà ấm chén bát đũa cùng nô nức chảy hội Xuân. Ngày 30 Tết, trong nhà còn ngập tràn mùi nước lá gội đầu mẹ đun,thơm dịu hương nhu,thoang thoảng bồ kết , ngai ngái vỏ bười,… cứ quyện tròn vào nhau rửa trôi bụi bẩn, xui xẻo của năm cũ vừa qua,tựa hồ tạo ra một con người mới để mừng vui đón Tết.
Trẻ con gọi Tết là kì diệu, bởi lẽ được lọt thỏm trong lòng mẹ hay bám chặt áo bố trên chiếc xe máy vi vu khắp mọi nẻo đường quê. Đôi chân bé nhỏ sẽ đung đưa theo điệu nhạc bất chợt nào đó, ánh mắt sẽ mở tròn nhìn ngắm những lộc non,những đóa hoa khoe sắc bên đường,…
Đến chúc tết ông bà, cô dì chú bác, mắt long lanh thích chí trước những khay bánh kẹo đủ sắc cầu vồng, mỗi vị một cái, ăn không hết liền đút túi mang về, đi một vòng là chiếc túi nhỏ căng phồng chiến lợi phẩm.Hẳn là thiếu sót lớn nếu không kể đến những phong bao lì xì đỏ tươi trong kí ức về Tết xưa. Thật không công bằng nếu so sánh giá trị của đồng tiền ngày ấy với cuộc sống hôm nay, khi con người ta lớn lên, đồng tiền cũng “lớn lên” theo cách của nó. Trong ngày đầu năm mới, bàn tay bé nhỏ xòe ra nhận lấy túi phong bao từ người lớn, cười híp mắt, nhảy chân sáo, nhìn ngắm, vuốt ve nó cả ngày không chán. Có phải trẻ con dễ hài lòng? dễ dụ? Hình như không phải, chỉ là, những tâm hồn ấy còn bé nhỏ và ngây thơ, có rất ít khoảng trống cần bù lấp,muộn phiền cần nghĩ suy, thế giới ngoài kia chỉ cần có kẹo thôi là đủ rực rỡ rồi, thế nên, vài đồng tiền lẻ mới cứng đã khiến “những chiếc răng thủng” tự tin khoe sắc.
Tết xưa, đâu cứ phải nghĩ về những gì đã xa của hàng chục, hàng trăm năm về trước, về những gì chỉ mới biết qua lời kể của ông bà cha mẹ, qua những tấm ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian, Tết xưa trong tôi, chính là cái ngăn kí ức về một cô bé mới lên sáu lên bảy, đầu lí lắc với tóc bím hai bên,miệng cười toe trong bộ quần áo mới …
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Nhật Huyền)