Nhớ 10 năm trước còn là học sinh cấp 2, tết đến với lũ học sinh lúc đó bắt đầu từ khoảng 24 đến 25 âm lịch, khi trường cho nghỉ học. Dẫu rằng gần 1 tuần trước khi nghỉ tết chúng nó đã chẳng màng học hành, thầy cô thì bận chấm bài, học sinh lóc ngóc thành từng nhóm chơi cờ caro, trêu đùa chọc ngoái nhau, tử tế hơn thì bàn tán về việc sắm tết của nhà đứa này đứa kia, rồi bàn xem sẽ đi chơi tết ra sao, tập trung ở nhà đứa nào, rồi đi thăm nhà thầy cô nào trước.
Nghỉ học, tết vẫn chưa thấy về đến nhà. Bởi vì vẫn còn phải ra đồng chổng mông cấy lúa, đi bứt rau lợn, đào củ kiệu, củ hành, củ khoai cùng với mẹ, cả nhà vừa cố “chạy” để cấy hái xong trước tết, vừa cố kiếm mấy đồng lẻ tiêu tết bằng việc bán rau củ trên ruộng và con cá dưới ao. Phải đến 28 thì mới cấy xong. Lúc đó dù lưng đau như muốn gãy nhưng cảm giác sung sướng lắm vì cuối cùng đã sắp được đón tết.
Cái lạnh những ngày giáp tết thật kinh khủng. Từ khoảng 20 âm lịch, mỗi sáng sớm khoảng 4, 5h đã bị bố hò dậy đi kéo cá cùng cả nhà, vụ kéo cá bán tết cho đến tận 30 âm mới xong. Rét lắm, răng đánh vào nhau cầm cập, mặc 5-6 cái áo mà vẫn lạnh, nhưng nhìn bố hì hục lội dưới ao còn rét gấp mấy mình đứng ở trên bờ. Thương bố mẹ nên chăng dám kêu ca nửa lời.
Sang ngày 29, tết đã về đến bếp nhà em. Mẹ đi xát gạo nếp và giã lá giềng lấy nước làm màu xanh cho gạo, anh trai trèo dừa lấy lá làm khuôn bánh, còn em vác cây sào dài đi giật lá chuối xanh về phơi cho dẻo để chuẩn bị làm bánh chưng, bánh lá, bánh ít (nhà em gói bánh trung bằng lá chuối khuôn dừa, nên bánh nhà em nó vuông vức lắm) J Khoái hơn cả là được đi “chợ con nít”. Ở quê, chợ ngày 29 được xem là chợ con nít, bán toàn bóng bay, các loại còi đủ màu sắc, có thêm mấy món đồ chơi nữa. Các bà các mẹ cũng đi chợ mua đồ về sắm tết, nên chợ ngày này là đông nhất, con nít ở khắp mọi nơi.hihi. Tâm trạng lúc này đã hưng phất lắm rồi. Đặc biệt, đêm 29 còn tuyệt vời hơn khi chị gái đi làm xa về với đầy thức quà miền nam, cả nhà quay quần bên bếp củi để trông nồi bánh chưng, tay hơ hơ gần lửa cho ấm. Ấm áp lắm thay!
30 âm, phiên chợ cuối cùng của năm. Vẫn tranh thủ đi bán cá với mẹ. Mẹ bán cá, con tính tiền, vừa bán cá vừa bán thêm một xe thồ chở đầy rau lợn (những ngày này người ta mua rau về dự trữ để nấu cám mấy ngày tết, đắt hàng lắm). 10h sáng, chợ đã vãn, em dắt cái xe thồ về nhà, chạy ngay vào bếp vào đánh chén bánh chưng nóng hổi bố vừa vớt ra. Kiểu gì cũng có 1,2 cái bánh chưng con con được buộc dây lạt rất dài bố làm riêng cho em. Cầm cái bánh đi khoe khắp nơi, xong rồi chén luôn 1 cái cho nóng, đây luôn là cái bánh chưng ngon nhất trong cả mùa tết. Xong xuôi nồi bánh chưng cả nhà mới bắt đầu công cuộc dọn nhà đón tết.
Đầu tiên là quét nhà trên dưới, chuồng lợn, bò, gà thật sạch sẽ. Bố sẽ bắt nước để rửa xe đạp và con xe 81 xịn, rửa sân, hai anh em sẽ hì hụi lấy chổi kè sau đó là chổi rơm để quét cho thật sạch. Cốc chén bát đĩa trong nhà, nồi niêu và tất tần tật những thứ cả năm không đụng đến đều được mang ra “tắm” hết, cuối năm mà. Dọn dẹp xong xuôi, đến lượt các thành viên trong nhà đi tắm. haha
Chiều 30, em vẫn lanh chanh đòi đi cùng bố ra nghĩa địa rước các cụ về, nhưng bố chỉ cho anh đi, em con gái phải ở nhà làm với mẹ. Hậm hực lắm í nhưng cũng nhanh quên và đi làm cơm tối với mẹ. Một bữa bữa cơm thật ấm ám và sang chảnh với bánh trưng, con gà luộc, có giò nạc, giò mỡ, có bát thịt gà nấu đông của bố, có cá chim trắng bố nướng rất ngon, có bánh lá (bánh răng bừa) đặc sản của mẹ, có đĩa củ kiệu muối và bát nước chấm, cả nhà 5 người quay quần bên nhau thật vui và hạnh phúc!
Tối 30, theo bọn trẻ trong xóm ra nhà văn hóa thôn xem anh chị thanh niên làm chương trình gì, sau đó về nhà xem táo quân, hết táo thì tự động xuống bếp rang hướng dương, làm bánh rán, làm bánh nhãn để cúng giao thừa. Mùi bếp củi khói mịt mù, lại chẳng có bóng đèn nên tối om hic hic. Hồi đó em ngoan đến mức chẳng bao giờ hòa vào cùng đám thanh niên đi từng nhà chúc tết sau khi đón giao thừa, đến giờ vẫn tiếc mãi.
Mùng 1 tết, hôm nay là ngày tuyệt vời nhất năm vì sẽ không phải quét sân quét nhà từ sáng sớm mà chỉ phụ mẹ làm cơm cúng gia tiên. Ăn sáng xong phải đợi 11h mới dám vào nhà ông bà nội, ngoại vì sợ đến sớm đập đất mà cả năm không may ông bà mắng chết . Mùng 2 đi thăm các bác anh em nội ngoại, mỗi nhà một tí, đến nhà nào cũng ăn uống tích cực để thể hiện sự “tôn trọng chủ nhà”. Ăn món mặn xong lại đến món ngọt. Bánh kẹo loại nào là lạ, ngon ngon cũng sẽ bị bọn “con nít” vét sạch cho vào túi áo vừa đi vừa nhắm dần (giờ bọn trẻ nó chán bánh kẹo, tết đến nhà mời nó chả thèm ăn cho, hic).
Tiền lì xì hồi đó mới đáng ngưỡng mộ làm sao. Bạn bè đứa nào cũng có cả trăm nghìn tiền lì xì, còn của em lúc nào cũng chỉ 30-40 nghìn. Vì sao thế? Dù rằng em cũng được nhiều người mừng tuổi, nhưng bác nào cũng 1 nghìn, 2 nghìn, hay 5 trăm đồng, có bác còn mừng 2 trăm đồng nữa, nên con lợn của em tưởng no nhưng kì thực là đói nhăn răng, dư chất xơ mà thiếu chất đạm trầm trọng Dù buồn rơi nước mắt nhưng cứ phải hớn hở nhận lì xì. haha
Tết của tuổi thơ em đấy, có cả sự vất vả, vội vàng, lẫn hạnh phúc, vui tươi.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Thanh Phương)