Please log in or register to do it.

Khi tôi đủ lớn để có thể tự ngồi sau xe đạp, tự biết trông đồ thì bắt đầu được mẹ cho đi chợ Tết. Nhưng đến nơi mẹ lại bảo tôi đứng ngoài cổng chợ trông xe, mẹ vào mua hàng xong rồi sẽ ra ngay. Tôi đứng buồn thiu một mình với cái xe ở trước cửa cái kho bỏ không, cách cổng chợ khoảng 50m, ngóng mẹ mỏi cả mắt. Cả buổi chợ mẹ tôi quay lại chỗ tôi đứng khoảng hai ba bận, mỗi lần ra là một lần cái làn của mẹ đầy lên: đầu tiên mẹ sẽ mua thịt, mua sườn, sau đó mẹ sẽ trở ra cho tất cả vào giỏ xe, rồi lại xách làn vào chợ. Lần này mẹ sẽ mua rau thơm, mua đồ khô. Mẹ mang ra ngoài để cho tôi trông, rồi lại trở vào mua thêm bánh kẹo.

Bây giờ đi chợ chắc mẹ tôi không còn phải tiếc tiền gửi xe như trước nữa, nhưng mẹ vẫn giữ thói quen một buổi chợ đi mua đồ mấy lượt như thế.

Năm đó chị gái tôi học cấp 3, tôi đã lên lớp 4, biết ngồi thức chờ đến giao thừa cùng chị. Chị tôi chộn rộn với gói quà nhỏ xíu mà một người bạn cùng lớp tặng trước kỳ nghỉ Tết, dặn là sang năm mới chị mới được mở ra xem. Tôi còn nhớ ánh mắt lấp lánh của chị khi hồi hộp mở lớp giấy gói. Đó là một cái kẹo me, kèm theo những dòng chúc Tết của người bạn kia. Tôi từ đó thích kẹo me, nó vừa ngọt, vừa chua, vừa thơm, vừa mang trong mình cả những bí mật mà hai chị em tôi phải chờ đến tận giao thừa mới được biết đến.

Năm đó tôi học lớp 5, chiều 30 Tết, bác tôi mang vào cho một tờ lịch treo tường. Đó là tờ lịch đầu tiên nhà tôi có. Tường nhà tôi đến năm đó vẫn còn chưa được trát vôi, vẫn đỏ thẫm màu gạch chỉ, các lớp vữa giữa những viên gạch cũng ngả màu hơi xám. Tờ lịch treo trên tường làm cả gian nhà tươi mới hẳn, có cảnh một con kênh nước xanh ngắt, cây cối hai bên um tùm. Sau này, sự yêu thích đặc biệt của tôi đối với sông nước và kênh rạch miền Tây cũng bắt nguồn từ bức tranh đầu tiên trên tường gạch chỉ của cái Tết ấy.

Năm đó tôi đã lên cấp 2, chị ba của tôi được bố cho phép về quê với mẹ từ 28 Tết. Đó là cái Tết hiếm hoi mà chị ba được về nhà sớm với mẹ, với chị cả, và tôi. Chị mang theo về một túi hạt dẻ lớn. 2 chị tôi rang hạt dẻ ở dưới bếp, tiếng đũa khua rộn ràng. Rồi cả bốn mẹ con tôi cùng ngồi ăn rất vui vẻ. Sau này tôi không ăn hạt dẻ nữa, phần vì vỏ của nó cứng quá, phần vì tôi không bao giờ thấy ngon được như cái rổ hạt dẻ năm đó chị tôi rang.

TẾT CỨ NHƯ XA DẦN

Năm đó tôi vẫn đang học cấp 2, tôi đi hội làng ngày mồng 10 Tết. Hội làng ở ngoài đình, rất đông vui nhộn nhịp. Ngày đó dân làng tôi hăng hái chơi kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người. Tôi thích nhất là những hàng quán bày bán trong sân đình suốt ba ngày hội, hàng nào cũng sặc sỡ giấy kẹo, hướng dương, bóng bay, bỏng ngô… Hội làng năm nào trời cũng se lạnh, áo mũ nhiều màu của đám trẻ chạy nhảy cứ rực rỡ trong sân đình, rực rỡ trong lòng tôi hình ảnh của quê tôi vào mùa hội. Tiếng trống của ông Phe ở góc sới vật cứ dồn dập từng hồi. Buổi tối ở sân đình có diễn chèo, tôi đứng nghển cổ nhìn các cô bác trên sân khấu hóa trang thành những nhân vật trong những tích truyện ngày xưa. Một anh lạ hoắc đứng cạnh nói đùa với tôi mấy câu và dúi vào tay tôi một quả táo nho nhỏ.

Sau này tôi không đi xem hội làng nữa. Tôi sợ không còn được nhìn thấy những áo mũ sặc sỡ của trẻ con, không thấy những quầy hàng bán trong sân đình, cũng không còn nghe thấy tiếng trống dồn dập ở sới vật. Tôi sợ tôi cô đơn lạc lõng giữa những người không quen.

Năm đó tôi đã học cấp 3, giao thừa tôi đưa mẹ ra chùa, sương đêm tê tái. Mẹ tôi thắp hương ở khắp các ban thờ Phật, thắp cả ở ngoài sân chùa. Bất ngờ một người quen nhận ra mẹ và hỏi lâu rồi có gặp lại bố tôi không. Mẹ tôi trân trối không nói gì, còn tôi sửng sốt. Tôi đưa mẹ về nhà. sương đêm tê tái.
Về sau tôi cũng không đưa mẹ ra chùa đêm giao thừa nữa.
Năm đó tôi đã vào đại học…
Năm đó tôi đã đi làm…
Năm đó tôi không ăn Tết ở Việt Nam…

Tôi thì cứ lớn lên, trưởng thành thêm lên. Mẹ tôi thì ngày một nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút đi nhiều. Các chị tôi đều đã có gia đình riêng. Năm nào mùa xuân cũng đến, mà Tết cứ như xa dần.

( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Oanh Ủng)

Ban giám khảo Cuộc thi TẾT Xưa chưa mất
TẾT XƯA CHƯA MẤT

Your email address will not be published. Required fields are marked *