Cách đây một tuần, tờ Thanh Niên đưa tin Đàm Vĩnh Hưng bị “tẩy chay” khi qua Mĩ. Ngày hôm qua, tin từ hải ngoại báo về cho biết Đàm Vĩnh Hưng bị xịt hơi cay khi đang biểu diễn.
Báo chí Việt Nam nói Đàm Vĩnh Hưng bị “khán giả tấn công”, sau đó đã trấn tĩnh và biểu diễn bình thường, liên tục hát 15 bài trong sự reo hò cổ vũ của khán giả. Một số tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài loan tin ĐVH bị xịt hơi cay, và chương trình đại nhạc hội buộc phải giải tán ngay sau đó.
Người “đánh” Đàm Vĩnh Hưng được xác định là Lý Tống – một người “chống cộng” có tiếng ở hải ngoại. Tờ Dân Luận trích một “nguồn tin độc quyền từ người trong cuộc” nói Lý Tống đã được “luật sư Nguyễn Tâm và Michael Lưu” làm bail bảo lãnh ra về, không còn bị giữ ở đồn cảnh sát.
Chương trình ca nhạc mà ĐVH tham gia còn có sự xuất hiện của Mỹ Tâm, Dương Triệu Vũ và danh hoài Hoài Linh. Dương Triệu Vũ là ca sỹ được yêu thích của trung tâm Thuý Nga – đơn vị có nhiều sản phẩm băng đĩa bị buộc tội phản động và cấm lưu hành trong lãnh thổ Việt Nam. Cả Dương Triệu Vũ và Hoài Linh đều được đông đảo người dân hải ngoại yêu thích và mến mộ.
Thời gian gần đây, Dương Triệu Vũ tham gia thị trường ca nhạc trong nước với sự yểm trợ của Mr Đàm trong vai trò thầy giáo – bầu show. Dù vậy, Hoài Linh và Dương Triệu Vũ vẫn không giúp Mr Đàm tránh được những “tấn công quá khích”.
Theo nguồn tin riêng của Mèo Mun, trong khi ĐVH biểu diễn, ở phía ngoài toà nhà, việc biểu tình phản đối vẫn diễn ra với đầy đủ cờ phướn, băng rôn, loa phóng thanh và đây là biểu tình được chính quyền cấp phép. Dư luận hải ngoại nói hành động của Lý Tống thể hiện “bản lĩnh một anh hùng”. Số khác nói không khuyến khích các hành vi chống cộng “một cách quá khích và vô tình giúp cộng sản thêm có lợi vì làm xấu mặt bà con hải ngoại”.
Cuộc biểu tình mà Đàm Vĩnh Hưng đang “vấp” phải gây chú ý vì có sự xuất hiện của ông Cao Quang Ánh. Ông Ánh là dân biểu gốc Việt đầu tiên của Hạ viện Hoa Kỳ. Đầu năm 2010, ông Ánh đã có cuộc viếng thăm Việt Nam và được đón tiếp bởi thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Cuộc gặp không đạt được nhiều kỳ vọng về ngoại giao.
Ngày 3/5, văn phòng của dân biểu Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh) đã phát đi một thông cáo khước từ đề nghị đối thoại ‘cởi mở và thẳng thắn’ từ chính phủ Việt Nam. Ông Ánh cũng nêu ra một số yêu cầu và bước đi cụ thể để chính phủ Việt Nam “chứng tỏ thiện chí” trước khi đồng ý tiếp xúc.
Các cuộc biểu tình gần đây cũng được coi là hành động chống lại nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một nghị quyết quan trọng của chính phủ Việt Nam trong chính sách tuyên truyền với mục đích kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài đi du lịch Việt Nam, dưới hình thức thăm nhà, người thân, và qua đó thu hút ngoại tệ dưới hình thức phát triển các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học – công nghệ, đồng thời tăng cường giáo dục họ về quan điểm chính trị qua các hoạt động văn hóa – nghệ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài.
Trong cơ cấu của BCH Đoàn Thanh Niên, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng là một trong 69 người được chọn cử làm thành viên ủy ban hội nhiệm kỳ VI, có vai trò đại diện cho lực lượng văn nghệ sĩ trẻ. Sau quyết định này, các hoạt động văn nghệ thuần túy của anh dễ bị nhìn dưới màu sắc chính trị.
Các hoạt động chính trị trong nước luôn bị bà con hải ngoại biểu tình phản đối. Đại nhạc Hội 01.4.2010 ở Norway cũng vấp phải sự phản đối tương tự. 100% các chuyến công cán của giới chức Việt Nam đều có biểu tình.
Ngày 30/4/1975 trở thành cột mốc quan trọng của hàng triệu người dân Việt lưu vong. Ngày mà ông Kiệt nói “hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Hơn 30 năm nay, tiến trình hòa giải dân tộc vẫn là một bài toán khó với đảng cầm quyền. Đàm Vĩnh Hưng – một người hoạt động nghệ thuật, bị lôi vào một ván bài chính trị và “đánh đấm”. Thật tội nghiệp cho anh.