Một cảm giác trống trải thật khó gọi tên.
Ám ảnh, ngột ngạt, thẫn thờ sau khi ra khỏi rạp. Càng không muốn nghĩ càng bị “những mảnh đời trôi sông lạc chợ” nhảy múa trong đầu.
Phim không nhiều cảnh khóc, có khóc cũng chẳng sướt mướt dầm dề. Và trong rạp, nghe ra cũng không mấy người sụt sịt. Nhưng tôi nghĩ, phim sẽ để lại nhiều lắm những tiếng thở dài.
Và những cảm xúc dài.
Nhưng chẳng biết, người ta có xếp hàng dài ra rạp?
Vì Lô Tô, theo cảm nhận của tôi, sẽ không phải là một phim ăn khách. Chưa kể, nó thiếu mất yếu tố để người ta truyền miệng, tức là một lý do hợp lý để lôi kéo người khác đi coi.
Nam Em rất đẹp và diễn dở. Huỳnh Lập gồng tấn khoa trương. Câu đề từ “những mảnh đời trôi sông lạc chợ” chẳng biết có phải là tâm huyết của ai đó hay không mà được nhắc đi nhắc lại mấy lần một cách gây khó chịu và không cần thiết.
Đó là vài điểm trừ nho nhỏ của phim. Còn lại, tất cả đều gần như hoàn hảo.
Điểm rất đáng khen của Lô Tô là một phim sạch sẽ. Sạch từ hình ảnh, lời thoại, cảnh sắc cho tới cái nhìn của đạo diễn về các cô “bóng lộ”.
Sạch tới mức, cả phân đoạn “Lệ Sa Lệ Liễu” gì ấy tuôn ra một tràng chửi đúng kiểu “pê-đê bóng gió” bậy bạ đanh đá chua ngoa mà nghe vẫn sạch, không hề gây khó chịu hay phản cảm. Cả cảnh làm tình, khoả thân trong phim cũng tiết chế, hợp lý và không dung tục.
Chỉ nhiêu đấy thôi, cũng đủ biết êkip đã phải dụng tâm, chau chuốt và đắn đo nhiều lắm.
Lô Tô đơn giản về kịch bản, nên cũng chẳng có gì phải giấu. Mà có giấu, thì mọi người ra rạp coi chút xíu cũng đoán được cái kết ngay thôi.
Thế nhưng chính những câu chuyện cuộc đời tưởng như “rất bình thường” của những người “không được bình thường” lại kéo người ta ngồi lặng đi để sống cùng nhân vật.
Trong suốt 90 phút của phim, bạn sẽ không thấy một “ngôi nhà” nào đúng nghĩa.
Đoạn đầu có hình ảnh chái nhà lá xập xệ trong một chiều gió chướng.
Đoạn cuối có hình ảnh căn chòi đứng lạc lõng bơ vơ giữa biển cả bao la.
Từ hai “ngôi nhà” không hồn không phách ấy, có hai đứa trẻ phải tháo chạy, nổi trôi, bầm dập giữa dòng đời.
Hai con người, hai số phận, hai hoàn cảnh va phải nhau, rồi mất nhau mãi mãi.
Một tan vào sóng nước mây trời, một tiếp tục lênh đênh trên chuyến xe dòng đời trôi nổi. Họ chẳng có công trạng gì to tát để khi sống khiến người ta phải nhớ, chết rồi cũng chẳng có một nấm mồ để ai đó không quên.
Dì Liễu yêu hai người đàn ông của đời mình theo cách rất riêng. Một người luôn nở nụ cười trong tấm hình cháy xém được dì vuốt ve và một người luôn quát nạt trong hũ tro tàn được dì ôm ấp.
Không có một phút yêu đương tình tứ nào khả dĩ để người xem thấy cuộc đời Dì bớt đi vài phần tủi nhục.
Người ta nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nên với những người phải sống cả hai vai như Dì Liễu, cực khổ gian nan cứ vô tư ập tới và dì mặc nhiên chấp nhận như một lẽ đương nhiên.
Khi phải sống trong nhân dạng một cậu con trai, Dì Liễu khóc. Khóc to thành tiếng, nước mắt nước mũi đua nhau trào cả ra ngoài. Nhưng suốt phần đời trôi sông lạc chợ mấy chục năm sau trong nhân dạng một người đàn bà tảo tần Dì không khóc.
Cả trong những trận đòn đau, khi bị người đời hành hạ về thể xác, tinh thần và chà đạp lên nhân phẩm, Dì vẫn can trường không khóc.
Chính điều đó lại làm người xem phải “khóc”. Và suy nghĩ, nhìn lại bản thân mình.
Lô Tô là một tác phẩm điện ảnh sẽ khiến người ta muốn thay đổi cái nhìn về “các cô pê-đê bóng gió”. Những mảng miếng cười không bị mang ra câu khách rẻ tiền và những nỗi đau không bị tận cùng bi kịch. Phim rất đời, rất thật, chẳng giáo điều hay gồng tấn như một tuyên ngôn.
Mọi thứ vừa phải, tựa một lời câu hỏi rất nhẹ nhàng. Rằng cuộc đời số phận chúng tôi là như vậy, các bạn có sẵn sàng mở lòng để đón nhận chúng tôi không?