Tham gia được 2/3 thời lượng về toạ đàm nhân quyền mình phát hiện ra một điều cực kỳ nguy hiểm là Chính phủ Việt Nam đang làm PR và truyền thông quá tệ đến mức báo động.
Câu chuyện thế này.
Nội dung các khuyến nghị dành cho Việt Nam tại kiểm điểm định kỳ toàn cầu – UPR – lần thứ nhất (năm 2009), thông qua tại phiên họp toàn thể ngày 24/9/2009 có tổng cộng 146 khuyến nghị về NHÂN QUYỀN. Trong đó, chính phủ ngay lập tức Chấp thuận 94 khuyến nghị, từ chối 46 khuyến nghị, không bày tỏ quan điểm rõ ràng với 5 khuyến nghị và treo lại 1 khuyến nghị.
Thế nhưng báo chí Quốc tế (đặc biệt như BBC, RFA, RFI…) lại rất hay đưa tin về việc các tổ chức “uy tín” nước ngoài ra phúc trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam phản bác nói rằng không đúng đắn. Báo chí trong nước cũng chạy theo và đăng tải các phản bác này.
Quá trình lặp đi lặp lại theo kiểu mày nói tao xấu, tao nói tao tốt. Việc này gây ra một tâm lý với người tiếp nhận thông tin rằng Chính phủ đang lấp liếm, vì xã hội đang đầy rẫy những cái chưa tốt, thế mà các bố cứ nói là các bố ok rồi, tốt rồi thì ai tin cho được? Trong khi nếu nói rõ ràng Chúng tôi ghi nhận x khía cạnh, bác bỏ y khía cạnh, cân nhắc z khía cạnh… thì sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.
Tiếp nữa, khi mình hỏi một chuyên gia về UPR rằng có phải những khuyến nghị về nhân quyền mà Chính phủ chấp thuận ngay là những cái rất chung chung vô thưởng vô phạt, trong khi những cái “đang cân nhắc” mới là những vấn đề thực sự quan trọng hay không thì người này nói “cũng nghĩ như vậy”.
Ở đây mình không nói chuyện chính trị, không bàn thảo đúng sai mà xét dưới khía cạnh truyền thông, Chính phủ chưa khéo léo giải thích cho dư luận biết theo hướng có lợi nhất có thể. Nếu đơn thuần thông báo như vậy, trách sao các “thế lực thù địch” không nhân cơ hội để tuyên truyền rằng “cộng sản nó khôn lắm, chỉ động tác giả bằng cách chấp thuận mấy cái vớ vẩn cho có vẻ công bằng”.
Trong khi, nếu cung cấp thêm các thông tin để người dân có cơ sở so sánh thì sẽ có lợi hơn rất nhiều. Ví dụ Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) có hiệu lực năm 1994, và đến nay, 154 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Nhưng Hoa Kỳ không tham gia vì nước này tuyên bố rằng UNCLOS không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ. Hay bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có lợi cho Việt Nam thì Việt Nam rất muốn tham gia đàm phán và hoàn thiện nhưng “bất lợi” cho Trung Quốc nên Trung Quốc sẽ không muốn tham gia.
Thế thì việc Chính phủ Việt Nam “câu giờ”, trì hoãn hay không tham gia một phần kiến nghị trong các Công ước Quốc Tế nếu thấy vi phạm vào lợi ích của Quốc gia là cũng bình thường. Ít nhất là làm cho người ta thấy dễ hiểu, trước khi đi sâu phân tích khía cạnh đúng sai.
Ở đây cần nói tới vai trò báo chí trong nước đang rất mờ nhạt và hờ hững trong việc đi sâu, tìm hiểu, phân tích và nói cho người dân hiểu rõ. Tại sao thế? Mình cho rằng lý do là họ không ưa chính phủ, không muốn nói tốt nữa (tao ghét mày rồi). Một số cơ quan tuyên truyền chính thống như Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới… này kia thì lại đưa tin rất chán, khô khan, khó hiểu và nhồi nhét những bài xã luận sặc mùi hồng vệ binh làm hại não, không ai muốn đọc.
Tiếp nữa Chính phủ đã quá mang tiếng rằng đang “định hướng báo chí” nên giờ báo chí có nói tử tế cho thì người dân cũng sẽ không tin, do phát sinh tâm lý đề phòng. Người dân khi đọc được một bài nói tốt sẽ lại cho rằng “chắc lại được chỉ đạo đăng lên”.
PR là công cụ của truyền thông. Phải chăng Chính phủ cho rằng mình to quá rồi, báo chí và người dân chỉ là muỗi nên không cần “pr” với các đối tượng này? Vậy thì lấy đâu ra công cụ để truyền thông cho hiệu quả? Truyền thông ra quốc tế thì chưa làm chuyên nghiệp, truyền thông trong quốc gia thì không có công cụ quan trọng và hiệu quả, vậy đừng thắc mắc khi Nhà nước và Nhân dân lúc nào cũng nhìn nhau như kẻ thù, mâu thuẫn về quyền lợi, không tìm được tiếng nói chung và luôn phòng thủ.
Mình thấy rất kỳ lạ khi mình thông báo đang viết bài nói tới những thông tin chính xác nhất về Hoàng Sa và Trường Sa thì một cơ số bạn lại nói với mình rằng “hy vọng anh vượt được khâu kiểm duyệt và được phép đăng lên”. Các bạn ạ, mình viết bài trên facebook không có ai kiểm duyệt và cũng không ai có quyền ngăn cấm mình đăng lên được cả! Xin lỗi, mình thích gì là đăng nấy, phạm luật thì đi tù. Đơn giản thế thôi! Ai có quyền ngăn cấm một khi mình quyết nói?
Tuy nhiên, mình đã “tự kiểm duyệt” bằng cách mang bài viết đi gửi cho rất nhiều bên liên quan mà mình tin tưởng nhờ góp ý vì tự bản thân mình thấy rằng bài viết có những thông tin có thể gây ảnh hưởng vượt ngoài tầm hiểu biết của mình. Sau đó có người phản hồi kêu mình xoá chi tiết A, B đi vì ảnh hưởng đến bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Mình suy nghĩ mãi về đề nghị đó và sau đó tìm được một tài liệu trên mạng có public thông tin chi tiết A rồi, mình gửi lại cho người mà mình nhờ góp ý và họ thấy hợp lý nên cũng đồng ý rằng chi tiết A có thể giữ lại. Còn riêng chi tiết B, mình tìm hoài chưa thấy tài liệu nào đề cập nên nghĩ là mình sẽ bỏ đi (nhưng vẫn đang tìm kiếm thêm thông tin về chi tiết B này).
Nói thế để hiểu rằng viết về những vấn đề nhạy cảm thực sự không đơn giản nhưng không phải là không làm được. Đừng lấy lý do rằng “bị ngăn cấm” để xí xoá và tung hê hết. Nếu thực sự muốn làm, chấp nhận lắng nghe và hợp tác với nhau trên tiêu chí đặt quyền được biết của đọc giả lên cao nhất thì sẽ có cách viết được thôi. Tối nay sau khi tham dự hội thảo về mình sẽ đăng bài viết về Trường Sa – Hoàng Sa như đã hứa từ tuần trước.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 20, 2013 at 11:52AM)