Please log in or register to do it.

Tìm hiểu khái niệm phương tiện truyền thông là gì dưới con mắt người có kinh nghiệm làm việc thực tế, học giả và tài liệu chuyên ngành sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng trong quá trình tìm tòi, học hỏi và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Bạn đã từng nghe đến câu “Content is King” chưa? Đó là câu nói thể hiện tầm quan trọng của “nội dung”. Và trong một chiến dịch truyền thông, các “content” mà chúng ta đang đề cập chính là phương tiện truyền thông đấy. Hay nói theo cách khác, “phương tiện truyền thông is King”.

Phương tiện truyền thông là gì?

Theo định nghĩa ở website Thư viện điện tử Khoa học Công nghệ Quảng Trị, thì “Phương tiện truyền thông là việc vận dụng các khả năng của cơ thể, sử dụng những phương tiện có sẵn trong thiên nhiên, những công cụ nhân tạo để diễn tả và chuyển tải những thông tin, thông điệp từ bản thân đến người khác hay từ nơi này sang nơi khác“.

Định nghĩa này cũng cho rằng “con người bằng khả năng sáng tạo của mình, đã nghĩ ra rất nhiều phương tiện để truyền thông, nhưng tựu trung có thể chia làm 3 loại phương tiện:

Một là, sử dụng các khả năng của con người: Ngôn ngữ có lời (tiếng la, khóc, cười, tiếng nói), ngôn ngữ không lời (cử chỉ, dấu hiệu, ánh sáng, vẻ mặt).

Hai là, sử dụng các phương tiện sẵn có trong thiên nhiên: Lửa, khói, ánh sáng, các con vật (chim đưa thư, ngựa, chó…).

Ba là, sử dụng các phương tiện kỹ thuật do con người chế tạo: Chiêng, trống, giấy báo, thư tín, điện tín, điện thoại, máy phát thanh, truyền hình, vi tính”.

Vì không phải là một học giả, giáo sư hay nhà giáo nên tôi sẽ không cố gắng để đưa ra định nghĩa. Thử tìm kiếm ở Google, tôi cũng không thấy nhiều trang web đưa ra định nghĩa này, thay vào đó, họ đang cố gắng “đồng nhất” khái niệm phương tiện truyền thông với POSM trong marketing, vốn là những “đạo cụ” để làm tiếp thị. Tức là theo “giáo sư Google”, phương tiện truyền thông chính là

Hình minh hoạ phương tiện truyền thông là gì
Standee, Backdrop, Tờ rơi, Phướn ngang, Phướn dọc, Tủ trưng bày, Quày, Kệ… đều là những phương tiện truyền thông

Định nghĩa như vậy cũng không sai, chỉ có điều nó hơi bó hẹp. Dưới con mắt của tôi, mọi thứ có thể “gói được” thông điệp bất kì đều có thể coi là phương tiện truyền thông.

Như vậy, không quan trọng chúng ta định nghĩa phương tiện truyền thông là gì, mà thay vào đó, bạn hãy tự hỏi đã sử dụng các vật phẩm thông dụng xung quanh bạn như một phương tiện truyền thông hay chưa thì chính xác hơn.

Biến mọi thứ thành phương tiện truyền thông

Ngày xưa, các cụ chỉ coi cái quần là… cái quần và cái áo là… cái áo. Tức là, trong con mắt người xưa, quần áo là những miếng vải dùng để mặc, che đi cái bộ phận nhạy cảm ở phía trên và phía dưới của con người, có thể giúp chúng ta chống nóng, chống nắng, chống lạnh và cả làm đẹp nữa.

Nhưng theo định nghĩa mà tôi đã chia sẻ với các bạn ở phía trên, thì cái quần cái áo cũng có thể sử dụng như một phương tiện truyền thông đấy. Vì nếu hiểu cái quần, cái áo một cách “đời thường”, chúng ta không cần phải đính logo lên chúng. Còn ngày nay, trong một xã hội “đầy quảng cáo”, sẽ chẳng còn tìm ở đâu được một cái quần cái áo “nguyên bản” như vậy nữa. Tất cả phải có logo, và khi ấy, quần áo đã trở thành một phương tiện truyền thông để bắt đầu hành trình kể những câu chuyệnngười làm truyền thông đang “cài cắm” vào trong đó.

Quần áo cũng là một vật phẩm truyền thông khi biết làm đúng cách
Quần áo cũng là một vật phẩm truyền thông khi biết làm đúng cách

Câu chuyện đơn giản và kém thú vị nhất chính là “hey, chào các bạn, chúng tôi là một sản phẩm của công ty ABC, XYZ nào đó nhé”. Nhưng nếu công ty ABC, XYZ nào đó không phải là một nhãn hiệu vô danh, mà là những thương hiệu lớn như Dolce Gabbana, Louis Vuitton, Dior (tôi không biết nhiều về hàng hiệu nên không kể tiếp được), thì cái chữ – cái logo được gắn lên trên đấy sẽ có thể “kể” một câu chuyện hấp dẫn hơn: hey, chào các thánh, thằng cha đang mặc bộ đồ này là một dân chơi thứ thiệt, đẳng cấp đó nhen!

Hay như cá nhân tôi, rất nhiều người đã gắn hình ảnh của tôi với “chiếc áo kẻ ca rô thần thánh” và đi đến đâu họ cũng hỏi tôi về điều đó. Tôi đã biến mọi chiếc áo kẻ trở thành một biểu tượng riêng cho cá nhân mình, và dùng nó như một phương tiện để truyền đi thông điệp về sự cá tính của bản thân. Và nếu bạn cho rằng một cái quần cái áo vẫn còn to tát quá, thì hãy xem cách mà một que tăm kể chuyện.

Tạm kết

Đọc đến đây, các bạn có một khái niệm căn bản phương tiện truyền thông là gì, cả dưới góc độ học thuật và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi. Bạn cũng biết một vài cách đơn giản để biến những vật dụng xung quanh bạn trở thành một phương tiện truyền thông để nói lên thông điệp cần truyền tải.

Nhưng, để chúng trở thành những vật phẩm truyền thông cuốn hút và hấp dẫn, bạn cần thêm một vài thủ thuật được tiết lộ trong bài viết tiếp theo: Bí quyết tạo ra những phương tiện truyền thông hữu hiệu.

Chúc các bạn thành công.

Làm chủ các phương tiện truyền thông đại chúng
Sư thầy đập hộp iPhone 6 ứng với concept truyền thông gì?

Your email address will not be published. Required fields are marked *