Đây là câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được. Một cách trực tiếp hay gián tiếp. Có người hỏi thẳng, có người hỏi lòng vòng, có người hỏi trước mặt, có người hỏi sau lưng.
Tôi thực sự không hiểu tôi là gay hay không phải gay thì có liên quan gì đến cuộc đời người khác ngoại trừ bản thân tôi và người yêu của tôi? Nếu thực sự việc tôi là gay sẽ khiến bạn hạnh phúc thì cứ cho rằng tôi là gay. Còn nếu điều đó làm bạn đau khổ thì hãy nghĩ về điều ngược lại.
Bạn Lê Tấn Đạt gửi tin nhắn riêng cho tôi nói “Anh là người gay đầu tiên mà em yêu quý và ngưỡng mộ”. Hôm trước ở lớp học ChallengeME Saigon, chị Nguyen T Thanh Nhan vừa khóc vừa nói “Long là người gay hiếm hoi mà chị kính trọng, vì việc làm của em đã cứu cả 40 người ở công ty của chị”.
Có nhiều người lại hỏi tôi tại sao ít khi lên tiếng đòi hỏi sự kính trọng của cộng đồng dành cho những người đồng tính?
Tôi tiếp tục bị bấn loạn tập 2, rằng tại sao tôi phải làm điều đó? Gay hay không gay đâu có gì liên quan đến việc yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ hay thù ghét và khinh bỉ? Mà quan trọng nhất, tại sao phải coi đó là một “vấn đề” cần chú ý?
Trong khi có một số người luôn băn khoăn về xu hướng tính dục của tôi, có thể vì họ hiếu kỳ, cũng có khi vì họ cho rằng đó là cách thể hiện sự yêu thương, thì có nhiều người khác lại chẳng bao giờ quan tâm đến mấy thứ linh tinh đấy. Trong khi có những bạn trai sẵn sàng ôm vai bá cổ, ôm ấp tôi để chụp hình và nói rằng “họ không sợ” (thực sự tôi cũng không hiểu tại sao phải sợ), thì có một số bạn trai khác nói rằng họ thật dũng cảm và tiến bộ.
Có thể một số tổ chức đấu tranh cho những người gay les này kia đã tiêm nhiễm vào đầu các bạn rằng chung sống hoà bình với những người gay thì là tiến bộ (nếu các bạn cho rằng tôi là gay). Ôm ấp chấp nhận họ và không ghê sợ họ thì là tiến bộ. Thật vô cùng nhảm nhí. Tôi thấy chả có gì tiến bộ và nhân văn ở việc làm đó cả.
Có nhiều người thắc mắc tại sao khi ra Hà Nội, tôi lại sống chung nhà với Đức Đạt và Tao Họ Trần. Lý do rất đơn giản vì họ chưa bao giờ nói rằng họ “chấp nhận” tôi, họ thấy tôi chả có gì phải chấp nhận hay không chấp nhận. Họ cũng chưa bao giờ tự cảm thấy “dũng cảm”, “nhân văn” khi mỗi ngày ngồi cùng một phòng, thở chung một bầu không khí, ăn chung một mâm cơm, tắm chung một phòng và ngủ chung một giường với tôi.
Mỗi khi đi xa, tôi đếm từng ngày để được quay lại căn phòng đó, nơi mà Tao Họ Trần có lần nói với tôi là “ngôi nhà nhỏ của anh em mình”. Ngoài gia đình ở Sài Gòn, phòng B604 là nơi tôi muốn quay về nhất bất kể đi đâu và làm gì. Vì ở nơi đó có những người không bận tâm đến việc tôi là gay hay les, mà chỉ đơn giản coi tôi là một người trong gia đình thực sự.
Tôi thấy rất hạnh phúc ở căn phòng đó. Hạnh phúc khi ăn, khi ngủ, khi rửa bát, quét nhà, đổ rác và cùng vui buồn sướng khổ với những người anh em thực sự của mình.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – June 28, 2014 at 12:31PM)