NGƯỜI MÙ CẦM ĐÈN VÀ CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG TÙ NHÂN CÔNG NGHỆ
Một người mù đến chơi nhà bạn. Nửa đêm quay về, trời đã tối (cái thời chưa có đèn đường nhiều như bây giờ). Người bạn này đưa cho anh ta một cây đèn lồng, bảo cầm soi đường kẻo ngã.
Người mù cười:
– Tôi vốn không thấy ánh sáng. Có đèn hay không có đèn có khác chi nhau?
Người bạn nói rằng:
– Tuy anh không thấy đường, nhưng người khác thấy ánh đèn sẽ biết mà tránh anh ra, vậy anh sẽ tránh được va chạm.
Người mù nghe vậy, bèn cầm đèn đi. Đi được nửa đường, thì đâm sầm vào một người lạ mặt. Anh ta bèn nhăn mặt trách:
– Bộ anh mù hay sao mà không thấy ánh đèn của tôi sao ?
Người đi đường nói:
– Kìa anh bạn, đèn của anh đã tắt tự lâu rồi.
……….oOo………
Chắc hẳn trong số chúng ta, rất nhiều người đã đôi lần được nghe điển tích anh mù cầm đèn như vậy. Và cũng có nhiều cách phân tích để rút ra các bài học khác nhau về câu chuyện nhiều ý nghĩa này.
Nhưng mình thích điển tích anh mù cầm đèn dưới góc nhìn “dựa dẫm”.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên anh mù phải ra ngoài dưới điều kiện trời tối âm u như vậy. Và trong suốt cuộc đời, sẽ còn có rất nhiều lần anh mù phải làm việc đó. Vì bị mù nên thính giác của anh rất nhạy, cộng thêm sự trợ giúp của một cái cây dò đường, anh hoàn toàn có thể phát hiện người đi ngược chiều và la lên thông báo.
Đó là khả năng anh vốn có bấy lâu nay. Nhưng khi được người bạn đưa cho cây đèn, thì anh mù trở nên dựa dẫm hoàn toàn vào cây đèn, thay vì chỉ coi nó như một vật phụ trợ thêm, làm tốt hơn cái khả năng mà anh vốn có. Thế nên anh mới bị cây đèn “bán đứng” khi nó đột ngột tắt mất nửa chừng.
Trong số chúng ta, cũng có rất nhiều người giống như anh mù kia vậy. Suốt cả một thời thơ ấu, chúng ta có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống, ăn chơi ngủ nghỉ, tám chuyện với bạn bè, sinh hoạt đội nhóm, đi công viên với ba mẹ, xem truyện tranh và nghe nhạc, học bài và đọc sách… Thế rồi một ngày, những thiết bị công nghệ ra đời với sứ mạng hỗ trợ chúng ta làm tốt hơn mọi việc để chúng ta có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống. Những thiết bị đó ra đời là để làm tôi mọi phục vụ chúng ta, nhưng rất tiếc, nhiều người trong số chúng ta lại bị biến thành nô lệ của những thiết bị như vậy.
Mình đã không dưới một lần chứng kiến những bạn trẻ mặt mày mếu máo, bứt rứt đứng ngồi không yên khi sơ ý bỏ quên điện thoại ở nhà thay vì mang nó đến công ty. Các bạn ấy than thân trách phận, rên rỉ ỉ ôi như thể đó là một lỗi lầm cực kỳ khủng khiếp. Rồi cuối cùng thế nào cũng rơi vào tình cảnh “không chịu nổi” phải phi về nhà lấy điện thoại lên cho bằng được.
Có những bạn bị stress nặng nề, chìm nghỉm trong một đống công việc với hàng núi email. Khi được mình khuyên nếu thực sự bạn cảm thấy không có khách nào thoát ra khỏi đống email đó được thì hãy xóa nó đi. Vì nguyên lý 80/20 chứng minh rằng chỉ có 20% trong số đó là đáng phải trả lời và chỉ có 20% của 20% trong số đó là vô cùng quan trọng. Và nếu nó thực sự quan trọng như vậy, người ta sẽ gửi lại cho bạn khi không thấy phản hồi. Còn nếu họ bỏ qua luôn thì chứng tỏ những email đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình.
Cứ coi như đó là một tai nạn vô tình: bạn quên mật khẩu email; bạn bị hack hộp mail; server email của công ty bị cháy; v.v… và v.v… để giúp mình có thêm động lực xóa bỏ toàn bộ email.
Các bạn ấy đều công nhận rằng lý luận như vậy thì cực kỳ có lý. Nó đúng. Nhưng các bạn không làm được. Các bạn không những không đủ dũng cảm để xóa hết email đi mà còn tích cực mua sắm thêm điện thoại thông minh, máy tính bảng, hòa mạng 3G… với mục tiêu lớn nhất là đi đâu cũng kiểm tra email được!!!
Ngày trước bạn chỉ có cái máy tính để bàn và công việc vẫn giải quyết tốt. Sau đó bạn dành dụm tiền để mua thêm cái laptop để rồi từ đó bạn phát sinh thêm nghĩa vụ làm việc tại nhà. Rồi bạn mua iPhone / iPad để có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Theo đúng lý ra thì khi này bạn phải dư dả thời gian nhiều lắm chứ? Nhưng không, càng có nhiều thiết bị hỗ trợ làm việc di động hơn, bạn càng tốn thời gian hơn cho công việc. Đó rõ ràng là hậu quả của một sự dựa dẫm rất đáng thương.
Mình không lên án hay chỉ trích việc sử dụng hàng công nghệ. Nhưng các bạn của tôi ơi, hãy tỉnh táo lại đi trước khi quá muộn. Hãy chiêm nghiệm lại bản thân mình, xem các bạn đang sử dụng đồ công nghệ theo cách thế nào? Bắt nó phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình hay chính mình đang biến thành nô lệ của nó theo một cách mình không hề hay biết? Để rồi ngày một tàn lụi các kỹ năng vốn có; mất dần thời gian cho bản thân, gia đình và cuộc sống?
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – December 07, 2012 at 05:50PM)