Please log in or register to do it.

Mấy ngày hôm nay trong tâm trí tôi nhớ về Kailash như một điều thúc giúc, một sự nhắc nhở, và như một sự trở về. Đó là một sự kết nối đầy huyền diệu. Phải chăng tôi đang đón nhận một mặc khải nào đó.Và trong đầu tôi cứ văng vẳng câu nói “Ai đã đến Ngân Sơn, đã đi trọn một vòng Kora, người đó đã sống lại một cuộc đời mới và cùng trong một gia đình với tất cả những người đi trước và đi sau”. Govinda.

Tết xưa chưa mất

Tôi chợt nghĩ, nếu vào ngày Tết, bạn có thể đi từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông và đi hết hình chữ S thôi bạn cũng đã sống một cuộc đời mới, trân trọng những giá trị truyền thống, giá trị gia đình. Và điều bạn mong ước hơn bao giờ hết, khát khao hơn bao giờ hết đó chính là ” Tôi muốn trở về…”

” Thôn Duyên dậy ti, tới giờ hời” (Cháu Duyên dậy đi, đến giờ rồi). Tôi lùng bùng, vì trời còn tờ mờ bà tôi đã bắt tôi dậy. Tôi ể oải rời khỏi đống chăn và vào bếp. 20 mươi năm qua, lời gọi ấy đã in sâu trong lòng tôi, trong trái tim tôi mỗi khi tết về. Đó là ngày tạ mộ cho tổ tiên. Một truyền thống của dân tộc Mường được bà nội tôi gìn giữ, kết nối cho tới bây giờ. Bà tôi đã giữ gìn nét văn hóa của người Mường xưa cũ. Để nhắc nhở chúng tôi rằng truyền thống ấy là ngọn lửa giữ bếp, giữ nhà, giữ dòng họ. Tôi thấy mình hoan hỉ tới lạ.

Ngày tạ mộ của dân tộc Mường cũng không khác nhiều với người Việt. Tuy nhiên, nhà tôi thường tổ chức tạ mộ trước ngày 23/12 âm lịch. Tức là trước ngày ông Táo lên trời. Theo quan điểm của không chỉ người Mường, lúc đó thần linh thổ địa hay ông Táo vẫn còn ở trần gian cai quản. Đây là lúc thích hợp nhất để báo cáo những điều đã làm được trong năm qua và những điều chưa làm được. Dâng lên tổ tiên hương hoa, dọn dẹp ngôi nhà tổ tiên cho thật khang trang để cùng đón một năm mới đầy an vui và hạnh phúc với con cháu.

Khi tôi vào tới bếp, ai nấy đều tấp nập chuẩn bị, bà tôi vẫn là người vất vả nhất. Ba tôi và các chú đều bắt tay vào công việc của mình. Người ra đồi dọn dẹp, phát quang cây cối, người ở nhà chuẩn bị cỗ. Vì dòng họ tôi có thờ 12 ông vua trời theo quan điểm của người Mường. Tức là mỗi năm sẽ có một ông vua lên cai quản theo đúng 12 con giáp. Chính vì vậy, công việc chuẩn bị tạ mộ càng thêm phần bận rộn. Nếu ông nội tôi còn sống, chúng tôi sẽ được xem ông nội nhảy đồng. Thường sẽ nhảy đồng vào buổi tối, khi cả làng đã có thời gian nghỉ ngơi. Lúc đó, nhà sàn của ông bà nội tôi chất cứng. Chiêng, chống sẽ được gõ lên và đó là lúc kết nối với thần linh. Bà con ai cũng mong sẽ có một năm mới tràn đầy lộc xuân. Ai cũng có một ước uyện cho riêng mình. Vì thế, được tham gia một buổi lễ tâm linh, tâm hồn trở nên bình yên thấy lạ.

Trong ngọn lửa sáng, tiếng củi nổ tách tách, hương nếp thơm lừng đang bốc lên nghi nghút. Khói bếp lan tỏa trong một góc nhà sàn, tiếng cười nói vang lên. Bà tôi vừa làm vừa kể cho chúng tôi câu chuyện về gia đình trong một năm qua. Trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả, lâu lắm rồi trong 365 ngày mới có một ngày mà hầu như tất cả đều xum họp. Vì miếng cơm manh áo, vì công việc mà mỗi người một nơi. Và cuối năm, cùng nhau gác lại những bộn bề cùng nhau tụ họp chuẩn bị cho mâm cỗ cuối năm, sửa sang nhà cửa cho tổ tiên. Đó là những giây phút bạn có mua bằng vàng cũng chẳng thể được. Đó là giây phút bạn thật sự được trở về.

Xôi đã chín! Bà tôi lấy mâm được lót bằng lá chuối và đổ xôi ra mâm. Dùng đũa cả xới lên cho thật tơi, dùng quạt lá thổi xôi cho nguội. Rồi bắt đầu làm oản. Tôi và em gái thì thích ăn chè xôi hơn, nên chờ sau khi bà nấu xong nồi chè xôi là chị em tôi vét phần còn dính trong xoong. Lúc đó ăn thấy ngon tới lạ. Chè xôi nấu rất đơn giản, chỉ cần có mật và xôi trắng đã đồ chín. Sau đó cho lên bếp và đảo đều. Hương vị thơm ngậy hòa quyện vào nhau như sự hòa hợp của đất trời.

Mâm cỗ bắt đầu được bày biện, người Mường thường dùng mâm lá chứ không sử dụng nhiều bát đũa và đĩa. Cỗ được xếp thành hình vòng tròn, như thể hiện vũ trụ. Xôi thịt cũng được xếp gọn thể hiện cho một năm sung túc, sum vầy.
Còn ở ngoài mộ của tổ tiên, mọi người đã dựng những cây nứa vắt chéo, để phên đan lên trên tạo thành một cái bàn dài. Sau đó xếp thức ăn theo từng mô. Để tiện cho việc cúng tổ tiên và tiện cho việc tổ tiên mời những người bạn sang chơi. Vì người Mường tin rằng, khi thể xác không còn nhưng linh hồn vẫn còn. Vì thế, người Âm cũng có thể mời bạn bè bên thế giới âm qua chơi. Cùng dự một bữa cỗ với mình.

Khi mọi thứ đã tươm tất, ông Thầy cầm quạt và bắt đầu cúng bằng giọng của người Mường. Tất cả mọi người đều chú tâm. Vì là ngôn ngữ cổ và lại người Mường không có chữ viết nên tôi không thực sự hiểu lắm. Âm điệu lúc trầm, lúc bổng.
Những hình ảnh của ông nội tôi chợt ùa về, vẻ mặt ông hiền từ dẫn theo một cô nhóc 5 tuổi. Ông chăm cô bé từ giấc ngủ tới lúc ăn, vui đùa với ông thật thỏa thích. Bất chợt hai khóe mắt tôi trào dâng, có phải ông đang về với tôi. Từ ngày ông mất, tôi nhớ ông lắm. Lúc ông mất tôi mới 6,7 tuổi. Khi ấy ông bệnh nặng, ba mẹ tôi lên lo việc. Tôi phải ở nhà trông nhà. Tới khi ông trút hơi thở cuối cùng. Tôi không có cơ hội nhìn thấy ông lần cuối. Khi tôi được họ hàng đưa lên tới nơi. Ông tôi đã được mang đi. Mỗi khi gặp các Mế. Chị gái của ông nội tôi, đều nói ” Ho thương gia lắm” ( Tao thương mày lắm).

Tôi nín thở, đón nhận một làn gió mới, không khí trong lành và thầm nguyện rằng ” Ông à, con hứa với ông sẽ luôn sống thật tốt, sẽ luôn là người cháu hiếu thảo”.
Trong giây phút đó, trong tâm thức tôi vang lên ” Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở ” Khuyết danh.

Tôi đang thực sự trở về…!

 

(Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Nghiêm Hương Diệu)

TẾT XƯA - KÍ ỨC MỘT NGƯỜI XA QUÊ
TẾT XƯA MẤT RỒI...

Your email address will not be published. Required fields are marked *