“Thắp ánh sáng giữa đêm giá lạnh. Hàng cây khô nơi đây chờ ai….”
Giai điệu bài hát này chắc hẳn đã hằn sâu trong ký ức của rất nhiều “bạn trẻ” thế hệ 8x và 9x đời đầu.
Video được tải lên từ năm 2011 bởi khán giả vô danh, đến nay đã đạt gần 7 triệu views. Có đoạn quay cận cảnh Lâm Chí Khanh mặc áo choàng, tóc bổ đôi rẽ ngôi giữa.
Anh hát ca khúc ngũ cung nhạc hoa lời Việt giữa ánh đèn màu xanh đỏ ở sân khấu Trống Đồng. Một tay anh đặt lên ngực trái, tay kia Lâm Chí Khanh làm động tác như “đánh chưởng” để thể thiện sự đau khổ của “nỗi sầu thiên thu ngưỡi hỡi”.
Có thể nhiều người khi ấy không tiêu hoá được những màn trình diễn kiểu này. Và có thể đến tận bây giờ vẫn thế. Nhưng tất cả những chi tiết đó góp phần đẩy tên tuổi Lâm Chí Khanh vào hàng ngũ ngôi sao ăn khách nhất trong suốt nhiều năm ở một thị trường vô cùng đặc biệt.
Lâm Chí Khanh tên thật là Huỳnh Phương Khanh, sinh năm 1977 tại TP HCM. Anh bắt đầu đi hát từ năm 19 tuổi. Thời chưa chuyển giới, Lâm Chí Khanh từng là một trong những nam ca sĩ được yêu thích nhất những năm cuối 1990, đầu 2000 ở khu vực miền tây nam bộ.
Ca sĩ gây chú ý qua các ca khúc như: “Sầu thiên thu”, “Chia xa”, “Kẻ cắp trái tim”, “Tình yêu sỏi đá”, “Mùa đông”, “Mênh mông tình buồn”…
Có thể bạn không biết, nhưng Lâm Chí Khanh đã trở thành một phần thanh xuân không thể chối bỏ của hàng vạn khán giả miền tây. Một khu vực mà nhiều diva, divo có tên tuổi khác của showbiz Việt dù “tài năng xuất chúng” đến đâu cũng không bao giờ với tới và chinh phục được.
Rất khó để giải thích “khẩu vị” âm nhạc của người miền tây. Nhưng tôi thấy báo chí có phần thất lễ khi cả một thời gian dài gán cho những ca sĩ “kiểu như” Lâm Chí Khanh là thị trường hay nhạc chợ.
Tôi vẫn nói vui rằng, nếu bạn yêu và thương lẩu mắm, bạn sẽ thích “ca sỹ miền tây”. Họ là tổng hoà của những ngây ngô, thật thà, chân thành, nồng nhiệt. Dù giàu có cỡ nào, sang chảnh cỡ nào thì vẫn “lấm phèn” theo một cách thực sự đáng yêu.
Gần hai mươi năm từ thời điểm “Sầu thiên thu” làm mưa làm gió, Lâm Chí Khanh trở lại với phim ca nhạc “Mẹ tôi là…” trong hình hài một người con gái với tên gọi Khánh chi. Và dù nếu chịu khó coi hết phim ca nhạc theo đúng nghĩa đen này, những người “không phải dân miền tây” sẽ rất khó hiểu vì sao nó lọt top Google chỉ sau chưa tới một tuần.
Nếu coi đây là một phim ca nhạc, hay là phim ngắn có vài đoạn hát hò, thì đều rất khó để “review” ngay cả khi bạn là một reviewer chuyên nghiệp. Vì chẳng cần khắt khe cũng dễ dàng nhận thấy bộ phim có quá nhiều hạt sạn.
Khánh Chi diễn như tập nói, mà nói thì lại đơ đơ. Lời thoại trong phim không cầu kỳ trau chuốt, âm nhạc cũng chẳng có gì xuất chúng trên nền một kịch bản bình thường dễ đoán, không cao trào, không điểm nhấn. Thậm chí cái sân khấu được dựng lên nhìn còn “giả” hơn cả mấy sân khấu lô tô sập xệ ngoài đời với những màn cắt ghép vụng về… không che đậy!
Nhưng đó là cảm nhận dưới con mắt “soi mói” của tôi, còn với hàng nghìn người khác họ chẳng ngại ngần để lại bình luận rằng “công chúa tuyệt vời”, chị Khánh Chi là số 1. Đại đa số bình luận nói rằng đây là một bộ phim hay xuất sắc, khiến họ không ít lần rơi lệ.
Hẳn nhiên hay dở là cảm nhận của mỗi người, nhưng nếu cứ mở lòng ra để coi phim, tôi tin chắc ai cũng thấy được cái tâm và cái tài của Khánh Chi trong đấy.
Tuy mời Cát Tuyền, Cindy Thái Tài,… góp mặt trong tác phẩm của mình, theo đúng nghĩa “tụ họp chị em” đồng cảnh ngộ, sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau; nhưng chắc Khánh Chi cũng chẳng ngờ Cindy lại duyên ngọt lừ, và mượt mà đến vậy. Chẳng thiếu comment nói rằng Cindy Thái Tài người sao tên vậy, vừa makeup giỏi, vừa có giọng hát truyền cảm mà giờ đóng phim cũng lại xuất thần.
Khánh Chi cũng chẳng ngại ngần mời một số đàn em ăn khách như Trần Bảo Bảo, Hải Triều… vào vai “bóng gió” mà diễn đoạn nào khán giả cũng sẽ phải ngả nghiêng cười đoạn đó vì họ quá duyên, vào vai quá ngọt khiến Khánh Chi tất yếu bị lu mờ.
Nhưng rồi có hề chi? Vì chắc chắn hơn ai hết, Khánh Chi hiểu rõ phân khúc khách hàng, tức người xem mà cô nhắm tới, là ai; và họ sẽ chấp nhận một sản phẩm thế nào.
Có thể với vai trò diễn viên, Khánh Chi bị đơ đơ. Có thể với vai trò ca sĩ, Khánh Chi hát còn quá ư “mộc mạc”. Nhưng ở vai trò marketing phân tích thị trường, đưa sản phẩm của mình đến với người xem thì Khánh Chi đâu cần ai dạy dỗ.
Cô thừa biết người miền tây “của cô” nhìn vậy chứ không phải vậy. Họ có thể xuề xoà dễ dãi nhưng không có nghĩa là họ “kém sang”.
Họ chấp nhận một tác phẩm chưa xuất sắc không phải vì trình độ của họ thua kém người dân ở miền nào. Chẳng qua là họ sẽ luôn rộng lượng, hào sảng xí xoá hết mọi lỗi lầm, không chấp nhất nhìn vào tiểu tiết, khi họ cảm nhận được tấm chân tình của một người nghệ sỹ “ngoan ngoãn, dễ thương” đúng kiểu miền tây.
Mà điều đó, thì Khánh Chi chưa bao giờ thiếu cả.
Chỉ những người chưa từng một lần uống gió Sông Tiền, tắm ở bãi bồi Sông Hậu; chưa từng một lần chống sào đẩy ghe men theo kênh rạch, hái cây so đũa, bẻ ngọn điên điển, thèo lèo, đậu rồng, đậu bắp thả vào lồi nẩu mắm thắm nghĩa đượm tình, thì mới thấy hoang mang khi tác phẩm của Khánh Chi thành công như vậy mà thôi.
Kiên trì định vị khách hàng
Nhạc Chi rộn rã xóm làng miền Tây
Hiểu người rõ, để đắp xây
Yêu thương như núi với mây vững bền
(Thơ Lyly Chan (Biệt Đội Trăng Đen))
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long Chú ý, đừng bỏ qua những câu chuyện bên lề được bổ sung dưới comment!