Please log in or register to do it.
Mẹ tôi có một “tính xấu” là hay nhặt nhạnh. Khắp trong nhà, chỗ nào cũng có thể nhìn thấy “rác” là chiến lợi phẩm của bà.

Dăm cái muỗng cũ, đôi đũa cong queo, cái nồi gang sứt một quai đính thêm tờ giấy ghi chú “không có vung nào đậy vừa” hay cái chậu nhựa có vết nứt gần xuống đáy… Tất cả được thu gom lại một cách cần mẫn, ngày ngày tháng tháng.

Lâu dần, nhà ở biến thành ổ chuột. Thậm chí giữa 2 ông bà già đã nhiều lần xảy ra xung đột. Cãi vã chí choé, nảy lửa. Nhưng việc này đã ăn vào tính, không thay đổi được.

Mỗi lần về quê, tôi lóc cóc dọn dẹp, lén mang “rác” bỏ bớt đi cho “mọi người dễ thở”. Được dăm hôm về nhà, lại đã thấy đầy lên như cũ.

Có lần tôi năn nỉ, mẹ làm ơn đừng nhặt rác về nhà nữa và hãy giữ cho nhà cửa gọn gàng. Được đúng 24 tiếng sau, mặt trời vừa ló rạng, tôi xuống sau nhà tưới cây đã thấy mấy cái găng tay vải cũ sờn bẩn thỉu giăng đầy trên vòi nước.

Từ sân sau, đến nhà kho, chuồng gà, chuồng chó, vườn cây… không một cái vòi nào không bị “cắm cờ”. Tôi tuyệt vọng gào lên tại sao con vừa mới nói với mẹ hết nước hết cái hôm qua và mẹ đã hứa giữ nhà cửa sạch sẽ gọn gàng mà giờ đã lại thế này?

Mẹ tôi nhăn mày giải thích, đó không phải là rác bà mới nhặt về. Mà đống găng tay cũ mèm đó là “đồ của nhà mình” mới được lấy ở kho ra, sau đó treo lên các vòi nước để… che nắng cho núm vặn ngăn nắng chiếu vô, bạc màu, sợ cũ!

Đến mức đó, tôi chỉ biết ôm mặt kêu trời.

Nhưng ít ra tôi cũng được an ủi, rằng chúng tôi thực ra đều có chung một mục tiêu, là muốn chăm sóc nhà cửa đẹp đẽ gọn gàng. Chỉ có cách làm là rất khác nhau. Và khi hiểu điều đó, thì bắt đầu có sự cảm thông (dù cho cuối cùng, tôi không chắc đã thuận theo cách làm của mẹ).

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cơ hội để chúng ta thực sự hiểu nhau dần biến mất. Có nhiều nguyên nhân, thí dụ chúng ta chưa thực sự học cách lắng nghe. Thí dụ các bên giữ cái tôi kiêu hãnh quá lớn “không thèm” giải thích. Hoặc đôi khi có giải thích nhưng không rõ ràng thuyết phục thì người nghe cũng không hiểu được.

Khi không hiểu, thì sẽ không có sự cảm thông. Nếu không có sự cảm thông thì sẽ không bao giờ chia sẻ và đồng cảm. Nếu không chia sẻ và đồng cảm thì sẽ không bao giờ thay đổi được góc nhìn. Vậy nên, tôi đánh giá bài viết về nhạc sĩ Phó Đức Phương trên VietnamNet là một bài báo hay, xuất sắc.
 
Nguồn hình: Báo Vietnamnet

Vì bài báo này tuy viết về một nhân vật (vô cùng) cũ kỹ, nhưng trong đó lại đầy ắp thông tin mới mẻ và thú vị. Và nhiều thông tin trong đó khiến tôi đã phải thay đổi góc nhìn về một người mà tôi đã mất đi thiện cảm.

Trong suốt những năm hoạt động ở lĩnh vực bản quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những nhân vật mà tôi ghét nhất chỉ vì ông ấy là giám đốc VCPMC (trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Vietnam). Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao một nhạc sĩ tài hoa với biết bao nhiêu tác phẩm chứa đựng cả một trời ký ức dạt dào tình cảm quê hương lại quay ngoắt sang thành tay đồ tể đi thu tiền nhạc?

Trong mắt tôi, ông Phương từ “thiên thần” đã trở thành một con “ác quỷ”. Từ một người nhạc sĩ chất phác, đôn hậu, quê mùa trở thành một tay mafia chỉ biết đến tiền-tiền-tiền với vô thiên lủng những vụ kiện tụng, cãi vã, trấn áp liên miên các doanh nghiệp trong vấn đề bản quyền nhạc từ năm này qua năm khác.

Thế mà thật kỳ lạ, bài báo trên VietnamNet đã cho tôi một câu trả lời thoả đáng. Hoá ra “tên tài phiệt hám tiền” không giàu có và sống trên một đống vàng bạc châu báu kim cương như tôi tưởng tượng. Hoá ra lý do để ông ấy tạm gác lại những dòng cảm xúc dạt dào với sông quê, với bánh đúc bánh đa để làm giám đốc VCPMC không phải vì hám lợi, mà chỉ vì bản chất là một “gã gàn” và muốn tranh đấu cho những điều đúng đắn.

Giờ thì tôi đã hiểu. Hiểu rồi thấy cảm thông. Từ cảm thông, tôi thay đổi góc nhìn.

Tất nhiên, có thể ai đó sẽ “cảnh báo” rằng chưa chắc tất cả những thông tin được tiết lộ trong bài 100% là sự thật. Nhưng thực ra điều đó không quan trọng, vì cái chính là tôi có cơ hội để bỏ đi định kiến của mình. Định kiến là của tôi, tôi xoá được nó đi thì tôi là người hưởng lợi đầu tiên. Vì khi đó tôi sẽ mở rộng được lòng mình ra để tạo cơ hội cho mình đón nhận những thông tin đa chiều hơn về một người mà trước đây tôi không thiện cảm.

Tôi nợ ông Phó Đức Phương một lời xin lỗi. Và nợ ban biên tập VietnamNet, tác giả bài viết một lời cảm ơn khi xuất bản được một bài viết thật hay, và ý nghĩa.
 

Nỗ lực điều trị cho phi công người Anh (BN91) mắc Covid-19: Tính nhân văn không thể “cân - đo - đong - đếm”
Đừng nhìn việc tăng giảm giá thành "cuộc chiến" xăng dầu

Your email address will not be published. Required fields are marked *