Vừa mới thấy hình một người nổi tiếng đi viếng mộ của một người nổi tiếng khác. Tấm hình rất “đẹp”, nhìn rõ mặt nhưng kỳ thực lại chẳng đẹp chút nào.
Làm ơn đi ạ, biết bao nhiêu ông sao bà sao đã chết lên chết xuống vì những tấm hình “rõ mặt” rồi mà sao các bạn vẫn chưa rút kinh nghiệm vậy?
Cần phân biệt một bức ảnh đặt trong album gia đình và một bức hình “treo” trên facebook, vốn là thứ để truyền tải thông tin nhiều hơn là khoe mặt.
Tham gia offline Xây dựng thương hiệu cá nhân (http://bitly.com/thuong-hieu-ca-nhan) bạn sẽ biết về lý thuyết “Người vô hình”.
Một bức hình chụp mâm cơm đạm bạc nhưng tươm tất, những chiếc bát sứ bình dân sạch sẽ đặt trên chiếc mâm đồng cũ kĩ lên màu bóng loáng và đôi tay đang cầm khăn lau khô đôi đũa sẽ là thể hiện đẹp của một hình ảnh người phụ nữ tảo tần “vô hình” đằng sau đó.
Hình ảnh ấy chân thực hơn, sống động hơn và đẹp hơn bức hình chân dung đã được mài rũa bằng photoshop.
Tương tự như thế, bức hình chụp phía sau lưng hoặc khoảnh khắc chắp tay trong nghi ngút khói hương thể hiện một người “vô hình” thành kính trước vong linh người quá cố. Hơn là một bức hình “nhìn rõ mặt” hay một gương-mặt-đẹp.
Làm ơn suy nghĩ kĩ trước khi nhìn-thẳng-vào-ống-kính. Đâu phải lúc nào cũng cần hữu hình như vậy?
> Photo: Lễ dâng hương trên Chùa Trường Sa Lớn
> Credit: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – September 23, 2013 at 01:08PM)