“Coca-Cola” và “Mở lon Việt Nam” nhanh chóng lọt vào những từ khóa thịnh hành nhất được tìm kiếm trên Google. Trên mạng xã hội Facebook từ khóa “Lon”, “Mo Lon” cũng được sử dụng phổ biến, từ này còn được cư dân mạng chế, lồng ghép với ngữ cảnh khác nhau đầy châm biếm.
Theo Coca – Cola Việt Nam thì chương trình khuyến mãi với thông điệp ban đầu được thiết kế chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp khoen sản phẩm Coca – Cola và đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ.
“Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú với nhiều hình thái ngữ nghĩa khác nhau, nên có thể Coca-Cola chưa lường hết khi sử dụng. Nếu có sự nhạy cảm trong cách dùng từ, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi”, đại diện Coca – Cola Việt Nam cho biết.
Theo Coca – Cola Việt Nam, hiện quy trình thay đổi nội dung quảng cáo đang diễn nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7/2019.
Trước lý giải của Coca-Cola Việt Nam, trả lời câu hỏi phóng viên về việc, có hay không Coca – Cola Việt Nam đang “chơi canh bạc” khi cố tình sử dụng hai từ “Việt Nam” – tên tổ quốc, một từ thiêng liêng với người dân Việt Nam?
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long – nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen cho rằng, Coca – Cola là một doanh nghiệp lớn, có các đối tác thực hiện chiến dịch truyền thông, quảng cáo rất mạnh, đã làm nhiều chiến dịch phải phù hợp với văn hóa và pháp luật địa phương. Vì thế lý giải của Coca-Cola Việt Nam rằng chưa lường hết hình thái ngữ nghĩa của tiếng Việt khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có vẻ như không thuyết phục.
Ông Nguyễn Ngọc Long phân tích, từ “Mo Lon” Coca – Cola Việt Nam chắc chắn đã lường trước sự tranh cãi, họ chấp nhận tranh cãi này. Câu chuyện này cũng giống như trước đây việc Coca – Cola chấp nhận những tranh cãi về việc “in tên lên lon” (viết không dấu “In ten len lon”). Tuy nhiên, việc sử dụng vế phía sau với hai từ “Việt Nam”, Coca – Cola nghĩ đến phản ứng tiêu cực hay không vẫn là 50/50.
Ờ chiều ngược lại Coca – Cola gây ra phản ứng dư luận, không được sự đồng thuận, bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhờ, đây bất lợi lớn cho doanh nghiệp.
Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở – Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca Cola.
Theo nội dung công văn nêu rõ: Hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Để kịp thời xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL, Sở VHTT: Kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.
Rõ ràng, việc Cục Văn hóa cơ sở tuýt còi quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của Coca Cola là có căn cứ. Bởi những thứ gắn với tên gọi của quốc gia, dân tộc thì phải rõ ràng về ngữ nghĩa, với ý nghĩa tốt đẹp nhất. Những từ đứng cạnh tên gọi quốc gia phải hết sức thận trọng, không nên và không được gây hiểu lầm sang nghĩa khác.
Nguồn: Báo Tin tức Việt Nam