Please log in or register to do it.

Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên là khi tôi đi rút tiền ở cây ATM trên đường Trần Quang Khải. Lúc bước tới định rút tiền thì đụng bạn đi ra. Khi vào được bên trong thì thấy bạn vòng xe quay lại, mở cửa thò đầu vô nói: “cái máy đó hư rồi anh, bỏ thẻ vô coi chừng nó nuốt luôn á”. Xong việc bạn dắt xe xuống đường, ngần ngừ một chút lại chui vô “cảnh báo” tập 2: “còn cái máy kế bên hết tiền rồi á anh”.

Xong hẳn 2 lần nhắc nhở cho một người xa lạ, bạn mới yên tâm đi thẳng.

Nhờ “vụ án” ở cây ATM đó mà tôi không bất ngờ khi ra tới Vinpearl.

Vừa chân ướt chân ráo lên tới đảo, tôi hí hứng bay vô cái đu quay mạo hiểm. Do không biết lượng sức mình nên bay được khoảng 2/3 quãng đường là tim gan phèo phổi lộn tùng bậy xoắn xuýt vào với nhau một mớ.

Cố nhắm mắt đợi hết vòng, chạm chân xuống đất, tôi lảo đảo lết xác ra ngoài ghế đá rồi nằm vật xuống… tịnh tâm! Tầm 2 phút sau, khi khách đu quay ra ngoài hết, bạn nhân viên mới đến chỗ tôi nằm và hỏi “mệt lắm đúng không anh?”. Tôi gật đầu. Bạn “an ủi” tiếp: “nhiều người đi không quen cũng vậy đó anh à, cảm giác nôn nao như say xe vậy”.

Ngừng lại vài chục giây, bạn nhẹ nhàng: “anh à, nếu anh mệt quá hay là anh chịu khó xuống phòng Y Tế ở ngay dưới kia nằm nghỉ chút nhen anh. Chứ ghế đá này theo quy định bọn em không được để khách nằm ra như vầy anh ạ”.

Trời ơi, tôi biết người Nha Trang hiền lành lắm, nhưng dễ thương, thật thà tới mức như vầy thì thiệt tôi không ngờ tới!

Tôi biết mình đang sống trong một xã hội cạnh tranh nhau bằng dịch vụ. Muốn có dịch vụ tốt phải có quy trình chuẩn và những con người đầy kỷ luật. Nhưng tôi thề là không cảm thấy một chút “quy trình” nào trong sự cảm thông thực tâm của bạn đu quay, cũng như sự nhiệt tình quá mức cần thiết của bạn ATM kia cả.

Thế nên tôi cứ quơ đại cái ấn tượng tốt đẹp ấy cho tất thảy những người Nha Trang mà tôi biết.

Nhiều công ty du lịch tích cực dùng hình ảnh biển xanh, phượng đỏ, cát trắng, nắng vàng để mời gọi khách đến với Nha Trang. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, có khi nào tấm lòng hiền hậu và thân thiện của người dân nơi đây cũng là một chất gây nghiện để kéo khách quay trở lại?

Hay chỉ những kẻ dở hơi như tôi mới cảm thấy điều này?

Tới mức vừa đặt chân xuống sân bay, lên xe về thành phố, nhận phòng xong là tôi đi thẳng ra góc phố tấp nập người qua lại để tìm bà cụ bán ngô nướng mà mình “dạy” tiếng Anh trong lần ra Nha Trang đợt trước (http://bitly.com/1hXSlbU).

Tôi hỏi bắp này bà bán bao nhiêu? Bà cười tươi như gặp lại đứa con đứa cháu đi xa quay về lại. Một lúc sau bà mới nói được câu “bà bán 10 ngàn nhưng vẫn lấy con 8 ngàn một bắp”. Tôi tưởng như mình nghe lộn, nên hỏi lại “sao lại vẫn lấy 8 ngàn, con đã mua của bà bao giờ đâu ạ?”.

Bà bảo lần trước con mua bắp, dạy bà nói tiếng Anh rồi còn cho bà tiền bà vẫn nhớ.

Tôi thấy bà cụ già như chiếc lá, gầy heo hắt nép ở vệ đường nói nhận ra mình mà thảng thốt, nghe như gió biển ở tít ngoài xa thổi vào lồng lộng. Tôi ôm bà cụ một lúc lâu, mua thêm 2 cái bắp và đưa 100K bảo bà không cần thối lại.

Chỉ có thế thôi mà bà vẫn ngơ ngác hỏi lại “là sao hả con?” cho tới khi tôi nổ máy xe đi mất. Mà thực ra đâu chỉ bà thấy bất ngờ? Vì tôi cũng bất ngờ không kém khi sau bao nhiêu lâu như vậy bà vẫn nhận ra mình, nhưng chữ “ten pho” tôi dậy để bán cái ngô 14 ngàn cho khách tây thì bà… không chịu nhớ!

Tôi quay trở lại Sài Gòn nhưng vẫn lưu luyến Nha Trang với những con đường vắng lặng, thảnh thơi, nhàn nhã và hiền hoà như chính người dân ở Thành phố Biển. Dù không “cháy rực trời” một màu đỏ nhớ nhung da diết đến cồn cào gan ruột như ở Hải Phòng, nhưng không khó để bắt gặp những tán phượng đỏ tươi sáng bừng nơi góc phố. Nơi mà bước chân ba bước, tôi đã có thể tha hồ vùng vẫy dưới làn nước trong xanh như dải ngọc xanh với bờ cát trắng trải dài tít tắp.

Tôi đến với Nha Trang vì những cảnh đẹp đến nao lòng như vậy, nhưng tôi biết mình sẽ quay lại nơi này chỉ để thấy lại những câu chuyện nhỏ của những con người bình thường nhất ở mảnh đất nơi đây.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – May 19, 2014 at 11:55PM)

Quảng cáo thế này chỉ cần thay Copywriter là tốt nhất
Chuyện kể của những con cua

Your email address will not be published. Required fields are marked *