Tôi đi coi Hai Phượng ngày 23/2, tức là chỉ sau thời điểm phim chính thức khởi chiếu đúng một ngày. CGV Vạn Hạnh không còn ghế trống, dù chọn suất chiếu khuya sau 10h đêm. Cuối cùng phải chuyển qua BHD coi đỡ.
Tuy nhiên, trước khi vào rạp háo hức bao nhiêu, thì xem xong phim thấy hụt hẫng bấy nhiêu. Nhưng cảm giác hụt hẫng không đồng nghĩa với việc bộ phim này quá tệ.
Nói một cách công bằng, chỉ cần coi khoảng 1/3 phim là tôi đã hiểu, mình không nên kỳ vọng gì ở bộ phim này hơn nữa. Và đúng là nó cứ nhạt dần đều.
Điểm trừ đầu tiên của Hai Phượng là kịch bản nhạt nhẽo, dễ đoán, lại lỏng lẻo, với hằng hà sa số chi tiết vô lý đến mức buồn cười. Còn một số đoạn cố tình gây cười thì lại rất kém duyên và không phù hợp.
Điểm trừ thứ hai là âm thanh (chứ không phải âm nhạc) và lời thoại phim quá tệ. Có rất nhiều đoạn không thể nghe được nhân vật trong phim nói gì, hoặc nghe mà không hiểu. Hoặc hiểu mà cảm giác bị đơ đơ.
Điểm trừ thứ ba là cảm xúc trong phim không được làm cho tới nên thành ra “sượng sượng”. Mặc dù vẫn biết ekip xác định đây là một bộ phim hành động, nhưng vì trong phim có cài cắm mấy cảnh khóc lóc nên tôi vẫn trừ điểm khúc này.
Điểm cộng đầu tiên là màu phim khá lạ. Dù có nhiều review chê cái màu này không ra chất Sài Gòn, không ra chất Vietnam, nhưng tôi thích. Mà thích thì tôi cộng điểm, he he.
Điểm cộng thứ hai là diễn xuất rất tự nhiên của em bé đóng vai con gái cô Hai Phượng. Kế đến là tạo hình và diễn xuất đậm chất đàn ông, menly của chị đại băng nhóm buôn người.
Điểm cộng cuối cùng, đương nhiên nằm ở các pha hành động. Nhìn chung là mãn nhãn. Cảm giác ekip film này bị mấy cái máy khâu bên phim Cô 3 Sài Gòn nhập vào hay sao ấy. Đánh đấm cứ gọi là loạn cào cào từ đầu đến cuối, đánh cả người già, múc luôn em nhỏ. Đánh từ trên bờ đánh xuống dưới sông, đánh từ trong nhà đánh ra ngoài phố. Và kết lại với màn giết trùm cuối ở tận trên tàu hỏa.
Với tâm thế của một khán giả “bình thường”, tôi nghĩ Hai Phượng có nhiều cái để khen chê. Nhưng nói là có đáng bỏ tiền ra rạp coi không thì xin thưa là có. Xem để giải trí đơn thuần, đừng kỳ vọng gì cao siêu thì sẽ thấy rất hay. Chưa kể, so với mặt bằng phim Việt nói chung thì đừng mang Hai Phượng ra so sánh. Vì nó được làm chỉn chu hơn hẳn.
Nhưng liên tục gào thét trên truyền thông rằng đây là một bộ phim đúng chuẩn Hollywood, có sứ mệnh mang phim Việt ra khắp năm châu thì giống phê thuốc quá.
Tôi đã xem phim với tâm thế đón nhận một tác phẩm “đúng chuẩn Hollywood” ở 1/3 khúc đầu phim và thất vọng tràn trề. Thế nên ở 2/3 còn lại, tôi cố đặt mình vào vai trò của nhà sản xuất để tìm ra những cái khó của họ, và mong hiểu họ.
Tôi tự hỏi, rốt cuộc bộ phim này có thực sự được làm ra để mang đi chinh chiến trên thế giới hay không? Nếu câu trả lời là có, tôi nghĩ bộ phim phải có 2 bản dựng.
Vì với thiên la địa võng những kìm kẹp của đủ thứ vòng kim cô, từ văn hóa, tới chính trị, rồi cái gọi là thuần phong mĩ tục… thì không thể nào, không có cách nào để một phim như Hai Phượng có thể vừa qua cửa kiểm duyệt của Việt Nam lại vừa làm hài lòng người xem quốc tế được đâu.
Thí dụ, nếu phim này được sản xuất ở một nước “tự do” như nước Mĩ, thể nào Hai Phượng chẳng quện với đồng chí công an và cống hiến cho khán giả vài cảnh làm tình long trời nở đất? Hai Phượng khi ấy sẽ phải ngầu hơn, bằng cách rít cần và “fuck you” điên loạn từ trong quán bar tới đồn cảnh sát. Và kết film, theo đúng diễn tiến thì toàn bộ ban chuyên án phải trở thành một lũ hề vô dụng, thay vì cái kết giống hệt phim truyền hình trên kênh ANTV như vậy!
Nói rõ ràng ra như thế, để khẳng định rằng bản thân tôi rất hiểu (một phần) cái khó của Ngô Thanh Vân và êkip. Nhưng bỏ qua điều đó, thì ngay cả ở những phân đoạn tôi cho rằng chẳng bị làm khó gì ở khâu kiểm duyệt thì Hai Phượng cũng chỉ mới làm được ở mức làng nhàng. Thí dụ như cảnh quay tàu chạy qua đèo Hải Vân hoàn toàn không gây cảm giác choáng ngợp và hùng vĩ. Cảnh đánh nhau trên nóc tàu cũng không tạo được hiệu ứng thị giác cần có về tốc độ.
Kết luận lại là, cả về phương diện chủ quan là chi phí đầu tư, kỹ thuật làm phim, và phương diện khách quan là thiên la địa võng kiểm duyệt của các bộ ban ngành, thì tuyên bố “sánh tầm Hollywood” chỉ là một chiêu PR cần thiết để kéo khán giả đến rạp mà thôi.
Chi tiết Hollywood nhất của phim là cảnh Hai Phượng táng sml một bà cụ run rẩy tay không tấc sắt. Nhưng nó cũng phơi bày luôn sự non kém về kịch bản vì chẳng có giang hồ nào – dù đã về vườn, lại có cách hành xử lốn nừng như vậy cả.
Với bất cứ bộ phim nào, 3 ngày đầu công chiếu cũng là khoảng thời gian sinh tử. Chiêu bài “sánh tầm Hollywood” đã tạo được hiệu ứng kín rạp cho Hai Phượng, đó là điều rất đáng chúc mừng. Nhưng nếu không thay đổi thông điệp kịp thời, e rằng chính ekip sẽ tự giăng ra cho mình cái bẫy truyền thông khi đẩy kỳ vọng của người xem vượt lên cao quá.
Hai Phượng đánh đấm vừa hay
Đừng tham nổ quá kẻo bay nóc nhà
(Thơ Thu Minh Juu– Biệt đội Trăng Đen)
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long – Click để đọc những câu chuyện bên lề được bổ sung dưới comment.