Please log in or register to do it.

” … CÒN 1 VIÊN CUỐI CÙNG, THƯƠNG TÍNH DÀNH CHO MÌNH. TUY NHIÊN, SỰC NHỚ TRONG QUÂN ĐỘI CÓ ĐIỀU LỆNH “KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN TỰ SÁT”, THƯƠNG CHỜ TÊN LÍNH CUỐI CÙNG VÀO SÁT MÌNH. VIÊN CUỐI NÀY DÀNH CHO NÓ, RỒI NHẬN ĐỦ CẢ BĂNG ĐẠN CỦA NÓ VÀO MÌNH, THÌ COI NHƯ CẢ HAI CÙNG CHẾT … ”

~~~

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương (ảnh) là ca đặc biệt nhất trong đợt tặng chân, tay giả cho thương binh tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26-7. Đôi chân ông đã bị CIA của Mỹ cưa đến sáu lần trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chân trái cụt đến khớp háng, chân phải chỉ còn phần đùi. Chính vì thế, việc lắp chân giả khá khó khăn và gây đau đớn cho ông ở những phút đầu.

Tuy nhiên, bằng sự kiên cường sắt đá vốn có, ông đã tự nâng được hẳn người lên, rồi đi chậm rãi từng bước một với đôi chân mới.

Theo Tuổi Trẻ

Vài nét về hoàn cảnh lúc bị bắt của anh hùng Hai Thương :

Trận đánh không cân sức

… 3h15’ chiều ngày 11/2/1969, một ngày không thể quên trong cuộc đời Hai Thương. Chàng thanh niên đang băng vội qua cánh đồng ấp 9 Bình Phước, chỉ cần vài bước nữa vượt qua sông Thị Tính là có thể an toàn về tới căn cứ. Địch bố ráp khám xét, anh lẫn vào dân đi ruộng, như thường ngày.

Chợt một chiếc cá rô (loại máy bay trực thăng nhỏ trinh sát) từ phía sau lưng bay vòng lên, tiếng một thằng chiêu hồi quát át tiếng cánh quạt: “Tư Hiếu, anh dừng lại”. Đúng bí danh mình, Hai Thương chậm bước về hướng chiếc trực thăng đang sà xuống rất thấp để nhận mặt. Khoảnh khắc tính toán chỉ vẻn vẹn vài giây khi Thương nhận thấy thằng chiêu hồi có khuôn mặt quen quen.

Lập tức, khẩu K54 vốn đã được Hai Thương dũa thêm 1 rích tăng khả năng tác xạ vẩy luôn 2 phát, trong tầm bắn chỉ 15 thước, đang thả dây. Một phát vào thẳng tên chiêu hồi, phát thứ 2 vào tên Mỹ ngồi cạnh. Cả 2 đổ sập. Còn mấy phát đạn cuối cùng trong ổ, Thương ngắm luôn vào đường dây điện dẫn từ buồng máy ra đuôi, bóp cò liên hồi. Chiếc cá rô bay ngược lên, hướng về Lai Khê, khói bốc theo đuôi. Nhưng loạt đạn bắn trả từ phía địch cũng kịp ghim trúng bắp chân của Thương một phát.

Chỉ kịp ga rô cầm máu, Hai Thương chạy zích zắc theo chân ruộng. Theo quy ước, anh nhanh chóng giấu trọn tài liệu mang theo, cùng với chiếc ví có tiền và giấy tờ tuỳ thân, trước khi ẩn mình vào bờ đất làm công sự. Chỉ một phút sau, trực thăng bay hàng đàn đổ quân xuống cánh đồng ấp 9, quyết bắt bằng được kẻ vừa được nhận diện.

72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên trung đoàn 48 sư 5 lính VNCH đổ quân lúc nhúc vây kín cánh đồng bọc vòng ngoài, thêm lính Mỹ vòng trong. Trong người Hai Thương chỉ còn 1 băng đạn đủ và 15 viên đạn rời, chỉ kịp nạp đầy băng đạn rồi nằm im… chờ đợi.

Từng bước thận trọng, lính Mỹ bò sát vào nơi Thương nấp. Mỗi phát là một tên lính Mỹ đổ sập, tổng cộng Thương có 21 viên đạn. Lính Mỹ kêu la ầm trời, xối đạn AR15 cày tung nơi Thương nấp, kéo xác nhau ra ngoài. 19 viên đạn là 19 lính Mỹ. Đến viên thứ 20, Thương nhớ lời anh em bộ đội sau chiến dịch Đồng Xoài kể: “bắn Mỹ chết thì không sao, rồi nó dồn vào bao ni-lông là xong. Nhưng bắn nó bị thương thì nó ớn lắm”.

Viên thứ 20, Thương quyết định không bắn hạ ngay mà ngắm thẳng vào bụng tên lính to cao đang tới gần, bóp cò. Trúng đạn nhưng chỉ bị thương, tên lính Mỹ gào rú vang trời, khiến bước tiến của quân Mỹ chậm lại hẳn. Cả một toán lính vừa bắn yểm trợ, vừa thận trọng bò vào lôi tên bị thương ra.

Còn 1 viên cuối cùng, Thương tính dành cho mình. Tuy nhiên, sực nhớ trong quân đội có điều lệnh “không được quyền tự sát”, Thương chờ tên lính cuối cùng vào sát mình. Viên cuối này dành cho nó, rồi nhận đủ cả băng đạn của nó vào mình, thì coi như cả hai cùng chết.

“Thằng Mỹ cao trung bình trên 1,75m. Nó là lính chuyên nghiệp, nên tay luôn để sẵn trên cò. Chỉ cần vừa tầm súng nó hướng vào mình, mình bắn nó, kiểu gì mình cũng dính đạn”, Hai Thương kể lại.

Trong giây phút một mất một còn đó, Hai Thương vẫn bình tĩnh chờ. Còn 4 thước, tên lính tiếp theo tiến vào. Chưa đủ tầm. Chờ 3 thước, rồi thêm 2 bước nữa, Thương lách qua bên, nhắm thẳng tên Mỹ vẩy viên đạn cuối cùng. Loạt đạn từ khẩu AR15 bay vòng lên quá đầu Thương, do khoảng cách rất gần. Cái bóng khềnh khàng đổ sập, khẩu AR15 văng ra ngay gần mép công sự một sải tay. Nhân lúc Mỹ kéo xác ra, Thương với tay giật được.

Không có kinh nghiệm về súng Mỹ, chỉ sau 2 lần siết cò, cả băng đạn còn đầy trong khẩu súng vừa cướp được đã bay trọn. Thương nhìn đồng hồ, đã là 6 giờ kém 5. Hết đạn, Thương tháo rời khẩu K54, vứt mỗi nơi một bộ phận, rồi nằm chờ đợi những viên đạn thù hận. Một mình, suốt 170 phút, anh chống cự cả tiểu đoàn địch chỉ với 21 viên đạn, bắn rơi 1 máy bay, 21 tên địch chết và bị thương, nghĩa là vượt tiêu chuẩn “dũng sỹ diệt Mỹ” 7 lần.

“Tôi nhớ buổi chiều đó hoàng hôn đẹp lắm. Bóng chiều xuống đỏ rực cánh đồng ấp 9 Bình Phước. Tháng 2 ngày mùa, đất mới cày, còn thơm ngai ngái…”, Hai Thương hồi tưởng những giây phút cuối cùng trong trận chiến.

Vài phút yên ắng, tưởng Mỹ rút quân đúng giờ, Hai Thương nhô lên thì thấy địch lúi húi đeo mặt nạ. Sau đó, anh ngất đi vì bị đánh thuốc mê. Văng vẳng bên tai, anh còn nghe tiếng súng AK của du kích địa phương gần đó bắn chia lửa với mình.

Mãi về sau, lúc trở về đoàn tụ trong đoàn quân chiến thắng, Hai Thương mới biết: 2 bản tài liệu ngày đó anh bảo vệ chính là tài liệu của 2 người anh hùng tình báo Việt Nam: Ba Quốc (Thiếu tướng Đặng Trần Đức) và Hai Trung (Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn).

Bị bắt về Sài Gòn, ông được lính Mỹ dẫn về ngôi biệt thự rất sang trọng có tên Hoa Hồng. Tại phòng khách, một người lính Mỹ đeo quân hàm đại tá chỉ cho ông xấp tiền 100.000 USD, chiếc xe hơi, ngôi biệt thự và nói “tất cả những thứ này là của ông”.

“Tất nhiên, chúng yêu cầu tôi phải cung cấp tài liệu mật và cho chúng biết tôi có phải là thiếu tá tình báo giao liên Nguyễn Văn Thương không? Biết là kế sách của địch nên tôi khai tên là Nguyễn Trường Hân và không biết chữ”, ông nói.

Để mua chuộc, quân Mỹ còn dùng kế mỹ nhân. “Có một thứ mà người đàn ông nào cũng thích, chúng tôi tặng cho ông luôn”, đại tá Mỹ nói. Vừa nói xong, trong bức rèm, thiếu nữ xinh đẹp tên Thùy Dương bước ra chào ông e lệ. Nhiệm vụ của Thùy Dương là chăm sóc ông, làm đủ mọi cách để khiến người tình báo giao liên phải khai ra hết.

Nhiều lần, bằng cách ăn mặc khá khêu gợi cô vào phòng ngủ của ông để hy vọng Nguyễn Văn Thương có thể khai ra tên thật và tài liệu mật, nhưng đều không mua chuộc được ý chí của người tình báo. “Anh nghe em đi, nói ra hết chúng ta sẽ có 10.000 USD đi xứ anh đào. Nếu không nghe, Mỹ sẽ đập nát 2 bàn chân của anh bởi nó là bàn chân của giao liên tình báo”, Thùy Dương khuyên.

Sau 100 ngày ở trong ngôi biệt thự, biết dùng tiền, nhà cửa và gái đẹp không thể mua chuộc được ông, Mỹ đã đưa ông ra đập nát hai bàn chân với mục đích làm cho ông không thể hoạt động tình báo.

Lần thứ nhất, chúng cưa mắt cá bàn chân phải. Lần thứ hai, cưa bàn chân bên trái. Cứ thế, trong hơn 3 tháng, Mỹ lôi ông ra cưa chân tổng cộng 6 lần. Mỗi lần, Mỹ cưa mỗi đoạn và luôn lặp lại câu hỏi “Có phải Nguyễn Văn Thương không?” nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu.

“Tôi cắn răng khi chúng đưa cưa vào. Sau đó thì tôi ngất xỉu. Những lúc đối mặt với kẻ thù, đau đớn đến cỡ nào tôi cũng chịu đựng được vì trong lòng tôi có sức mạnh của Đảng và hình ảnh của ba mẹ, vợ con và đồng đội”, ông tâm sự. Cuối cùng, người đại tá Mỹ phải thốt ra câu: “Tao thua rồi, mày là sinh vật thép”.

Sau đợt tra tấn dã man đó, ông Nguyễn Văn Thương được đưa về nhà giam Hố Nai. Trong thời gian ở đây, mặc dù đã mất đôi bàn chân, vết thương rỉ máu, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, viết truyền đơn gửi cho anh em trong nhà tù. Mỹ biết được liền đưa ông vào phòng biệt giam, nhốt trong một chiếc thùng sắt 3 tháng trời.

Sau đó, Mỹ đày ông ra Phú Quốc. Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, ông mới được trở về đoàn tụ với gia đình.

Hơn 40 năm nay, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương vẫn đi lại trên chiếc xe lăn của mình. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn dành thời gian đi thăm đồng đội, bạn bè và kể cho thiếu nhi nghe về ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh ông luôn có người vợ tháp tùng. Bà cũng là một chiến sĩ cách mạng.

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Nỗi bức xúc của mấy ông bạn Khơ-Me
Bún ốc

Your email address will not be published. Required fields are marked *