AI CŨNG CÓ MỘT GIA ĐÌNH
Lucas là một cậu bé 9 tuổi (*) gan dạ và dũng cảm. Trong mênh mông trời nước và những đổ nát hậu sóng thần, Lucas vẫn kiên trì đi lên phía trước để bảo vệ người mẹ mang đầy thương tích. Một tinh thần thép, một sự cứng rắn lạ thường hiếm có với một đứa trẻ như Lucas.
Thế nhưng Lucas đã khóc khi được những nhân viên cứu hộ dán lên người một tờ giấy ghi tên cậu. Vì đó là dấu hiệu bảo chứng cho một đứa trẻ thất lạc gia đình. Đó là một bằng chứng rất thực tế để nhắc cho Lucas nhớ rằng chỉ vừa mới 24 tiếng trước, cậu đang được tận hưởng một cuộc sống hơn cả thiên đường với bố, với mẹ và 2 em trai trong một resort cao cấp tràn ngập nắng vàng, cát trắng cùng những rặng san hô tuyệt đẹp ở Thailand.
Rồi cơn sóng thần ập tới…
Mỗi năm, Việt Nam đều có bão và lũ lụt. Nhưng những hình ảnh bốn bờ trắng xoá mênh mông biển nước trên VTV1 không gây shock như những dòng nước ở The Impossible. Báo chí chỉ có thể phản ánh một phần sự tàn phá của thiên tai thông qua việc khắc hoạ những nỗi đau phía sau lũ lụt. Còn ở Thảm Hoạ Sóng Thần, người xem bị túm đầu nhấc ra khỏi ghế ngồi và nhấn thẳng vào trong màn ảnh. Không thương tiếc.
Hiệu ứng âm thanh và hình ảnh chưa bao giờ thật hơn như vậy. Bạn sẽ có cảm giác hàng tấn nước, gỗ, sắt thép, bê tông, rác rến và thảm hoạ đổ ập lên đầu.
Ngột ngạt. Vùng vẫy. Ngụp lặn. Quay cuồng.
Hiếm có bộ phim nào mà vừa chiếu được chừng 15 phút mình đã có cảm giác phải đứng dậy đi về. Vì sự chân thật được đẩy lên cao độ. Tình cảnh tàn ốc được khắc hoạ gần như vượt quá giới hạn chịu đựng của một nỗi đau hay sự sợ hãi thông thường.
Khi người chồng “sống sót” sau thảm hoạ và may mắn tìm được 2 con trai út, đó thực sự là điều kì diệu. Thế nhưng điều kì diệu đó lại trở thành một cơn ác mộng khi người cha phải thêm một lần nữa tạm thời từ bỏ 2 con và nói với một đứa bé 7 tuổi rưỡi rằng hãy thay cha chăm sóc cho em con (5 tuổi) nhé, vì “cha phải ở lại tìm mẹ và Lucas”. Đó chắc hẳn là một lựa chọn hết sức khó khăn.
“Con chưa bao giờ phải trông coi ai cả. Con sợ lắm!”
Đó là sự yếu đuối dễ hiểu của một đứa bé chưa đầy 8 tuổi. Và bộ phim còn có cả sự yếu đuối đầy nhân văn của những người đàn ông trung niên ngồi xung quanh kể chuyện mất gia đình và ôm mặt khóc khi chia sẻ cùng nhau một chiếc điện thoại sắp hết pin.
Chắc cũng sẽ rất lâu nữa mới có chuyện cả rạp vỗ tay rào rào chỉ chi tiết cực “bình thường” là chiếc xe cứu hộ bỗng nhiên chết máy. Vì tất cả đều hiểu rằng chi tiết đó giúp họ dự cảm vào sự kì diệu của sợi dây kết nối gia đình cần thêm thời gian để kết nối những người lưu lạc lại với nhau.
Có những bạn nữ đã ôm mặt khóc ngon lành. Khóc nấc lên thành tiếng giữa rạp khi đứa bé 5 tuổi cất tiếng gọi “anh ơi”. Và khi ấy, một chuỗi những điều kì diệu mới chỉ bắt đầu.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – January 03, 2013 at 09:50PM)