Hôm nay trong offline, khi nói qua vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông, có bạn hỏi một câu rất hay: “Long đã học những gì, ở đâu để nâng cao các kỹ năng về truyền thông, xử lý khủng hoảng ngoài các kiến thức trong sách vở?”.
Mình trả lời là học qua kinh nghiệm thực tế. Khi làm ở FPT mình đã trực tiếp gây ra và phải “xử lý” 2 vụ khủng hoảng vô cùng lớn là “Gọi hồn Trịnh Công Sơn” và “Phố Đặc Nhiệm”.
Khi ấy mình hoàn toàn không có một chút khái niệm, kiến thức gì về khủng hoảng và kết quả là đã làm cho mọi thứ bung bét lên, gây thiệt hại cả trăm ngàn USD khi game bị ảnh hưởng nặng nề.
Qua những lần như vậy, mình tự rút ra được quá nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và bổ ích. Mình đã học như vậy đó.
Nhưng mình cũng phải nói thêm rằng mình học theo cách ấy là vì mình có cơ hội… gây khủng hoảng và có cơ hội được làm lại (để rồi gây khủng hoảng tiếp).
Được làm tức là mình được sếp tin tưởng và trao quyền. Nhưng khi xẩy ra sự cố mình lại được sếp đứng ra lãnh đạn dùm với các sếp bự hơn. Như vậy mình mới có cơ hội để đứng lên làm lại.
Chứ nếu sếp mình là người hèn nhát và chỉ mau mau tìm cách chối bỏ trách nhiệm thì chắc chắn mình là người lên đường đầu tiên và sự sợ hãi sẽ khiến mình không còn cơ hội nào để học thêm được nữa.
Con người chúng ta để lớn lên thì không ai là không vấp ngã. Nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng sẵn sàng nâng con cái dậy và cổ vũ thay vì mắng mỏ. Cha mẹ thì chúng ta không có quyền lựa chọn, nhưng lựa chọn sếp là điều có thể.
Nếu còn trẻ và xác định vừa làm để vừa học hỏi tích luỹ thêm kinh nghiệm thì mình nghĩ các bạn nên tìm những công ty có môi trường trong sáng và những người sếp “lớn” như vậy để đầu quân.
Cảm ơn sếp, cảm ơn anh Lương Công Hiếu.
Nguyễn Ngọc Long