THÊM MỘT PHẦN MỀM NƯỚC NGOÀI NGHE HIỂU TIẾNG VIỆT NAM (CÔNG NHẬN CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM LUÔN NHÉ J/K)
iPhone 4S ra mắt rầm rộ và được báo chí Việt Nam lăng-xê tính năng siri khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, cá nhân mình thì rất thờ ơ với siri vì nó… đã “nghe nói” được tiếng Việt đâu.
Nguyễn Ngọc Long Blackmoon có người bạn là Brandon Lee sống bên Mĩ – một tín đồ công nghệ, tín đồ Apple chính hiệu, cũng nói rằng siri chưa hấp dẫn anh ấy lắm vì phản ứng hơi chậm chạp.
Tuy nhiên, việc một số báo chí trong nước đưa tin (http://bitly.com/Q05B4k) về 2 sản phẩm mới là Dragon Dictation (http://bitly.com/Q05gyL) và Dragon Search (http://bitly.com/Q05pSy) được cung cấp miễn phí trên iPhone và iPad lại làm mình rất quan tâm vì thông tin các phần mềm này “có thể nghe hiểu tiếng Việt”.
Mô tả một cách đơn giản thì Dragon Dictation giống như một người phiên dịch. Bạn nói vào điện thoại, “nó” sẽ ghi lại bằng văn bản. Việc này giúp quá trình nhập liệu trở nên đơn giản và nhanh chóng. Tất nhiên độ chính xác chưa phải là tuyệt đối 100% nhưng khá cao.
Trong hình minh họa này, các dòng chữ đặt trong ngoặc và được gạch chân màu đỏ là nội dung gốc mà mình nói. Còn dòng chữ ở phía trên là những gì Dragon Dictation ghi lại.
Còn Dragon Search cho phép đọc thông tin cần tìm, máy sẽ đưa ra kết quả từ Google, Yahoo, Twitter, iTunes, Wikipedia và YouTube. Rất tiện lợi.
Với mức độ nhận dạng như hiện nay, Dragon Dictation có lẽ chưa thật sự được ứng dụng rộng rãi. Vì để có kết quả tốt, đòi hỏi chúng ta phải không được đọc nhanh, phải đọc rõ ràng, đọc to, đọc “khá chuẩn” và không dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ vùng miền. Tuy nhiên, phần mềm này đã có một nền tảng rất “căn cơ” để có thể phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Đặc biệt, nó sẽ là một phần mềm khá nhân văn nếu được phát triển theo hướng phục vụ cho những người khiếm thính, khiếm thị (mù và/hoặc điếc).
Theo suy nghĩ của Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, thì Dragon Dictation có thể ứng dụng và phát triển theo những hướng sau:
– Dùng cho nhà báo trong khi tốc ký (ghi chép nhanh nội dung phỏng vấn)
– Dùng cho học sinh sinh viên ghi chép bài giảng của thầy cô
– Gỡ băng (một công việc cực kỳ mệt mỏi của nhà báo sau khi phỏng vấn nhân vật đây)
– Phiên dịch (mình nói vào tiếng Việt, phần mềm ghi ra thành chữ, sau đó tự động tích hợp với Google Translate để dịch ra tiếng Anh chẳng hạn và ngược lại)
– Hỗ trợ người khiếm thính (tự động ghi lại những lời nói của người xung quanh ra thành văn bản cho những người có thính lực kém có thể “nghe” kịp)
– Hỗ trợ người khiếm thị (tự động đọc lại những chữ viết thành âm tiếng Việt – tức là hơi ngược một chút với quy trình hiện tại). Lúc trước, Vietnam có phần mềm Hoa Mai Browser được phát triển để làm việc này nhưng không hiểu vì sao đến nay đã biệt tăm!
Tất nhiên, những ứng dụng này chỉ có thể phát triển và nhân rộng khi hãng sản xuất mang công nghệ của họ ra khỏi nền tảng “nhà giàu” iOS để gắn vô laptop, desktop và/hoặc các thiết bị nhúng rẻ tiền hơn. Cá nhân Nguyễn Ngọc Long Blackmoon cho rằng việc này đơn giản. Vì cái lõi công nghệ thì họ đã có rồi, nên “port” qua chỗ khác là không khó.
Các sản phẩm này hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Các bạn lên Appstore search tên phần mềm là cài đặt được thôi.