Cha ơi ! Bánh chưng khi mô chín.
Răng ta luộc lâu rứa, nhà khác họ có luộc lâu như ri mô.
Nó nóng lòng vì thèm bánh chưng, thèm mùi thơm của lá dong hòa quyện với mùi thơm của thịt, hạt tiêu, cái bùi bùi của nhân đậu xanh và vị béo ngây ngậy của nếp.
Quê nó nghèo, chỉ có tết đến trẻ con mới được ăn bánh chưng. Mà có phải bánh nấu xong là được ăn liền đâu. Vì phải chờ chiều 30 cúng tổ tiên, chờ cha nó cúng đêm giao thừa và để mừng tuổi ông bà. Rồi sang mồng 1, cha nó lại cúng đầu năm, lúc đấy mới đến lượt mấy chị em nhà nó bóc bánh ăn.
Mỗi chiếc bánh chưng được làm thường được làm một bát gạo bé. Khi mẹ nó hỏi cha năm nay mình gói bao nhiều bánh để mẹ lường gạo. Mẹ đã lường rất chuẩn, nhưng bao giờ cha nó cũng đùm cái cuối cùng lẻ. Ít gạo nhưng nhiều nhân đậu. Nó thừa biết cái đó là bánh chưng để thử. Cả buổi ngóng cha đùm chỉ chờ mỗi cái bánh chưng thử thôi. Vì bánh chưng thử không giống với những chiếc bánh kia, luộc chín được ăn mà không phải chờ cúng tổ tiên.
Đang còn lâu mới chín, sang mai tề – tiếng cha nó nói.
Nác đang to mà cha.
Đổ vô đi – Không túi(tối) hấn cạn nác đó. Tiếng cha nó nhè nhẹ.
Răng ta luộc lâu rứa cha. Nấu từ khi trưa tới giờ !
Khi mô đủ mười tám tiếng mới được. Giừ mới 6 tiếng mần chi hấn đã chín. Nấu càng lâu bánh hấn mới dẻo, mới lâu bị thiu.
Rứa thui con nhóm củi đây nha. Con đi nhởi(chơi) đã.
Bánh chưng chưa chín, bên ngoài chúng nó đuổi nhau đang vui, mình ra chơi đã, cha nói sáng mai bánh mới chín mà. hihi !
Chạy từ từ khỏi ngã đấy ! Cha nó nói vọng ra.
Đến giờ lớn rồi nó vẫn không hiểu vì sao bánh chưng quê nó ai cũng luộc lâu như vậy. Nhà nào cũng luộc 18 tiếng đồng hồ, ngày chưa đủ thời gian đêm lại luộc. Buổi ngày mấy chị nó tranh thủ trông lửa. Đêm đến mấy cha con chụm nhau bên bếp lửa vừa nghe đài vừa thì thầm to nhỏ. Năm nào ngày 29 tết trùng với thứ 7, buổi đêm nấu bánh chưng vui hơn vì đài có chương trình kể chuyện cảnh giác.
Nhà nó không có tivi, đài là bạn. Cha nó, chị nó và cả nó đều nghiện nghe đài, nghiện nghe kích truyền thanh, và tất cả chương trình của đài. Ngày xưa nó tự hào vì thuộc tất cả chương trình và giờ phát sóng của nhà đài, mặc dù chả bao giờ có ai hỏi.
Háo hức chờ bánh chưng chín nhưng chẳng bao giờ nó thức thâu đêm để nấu bánh chưng. Chỉ biết mỗi khi sáng ra, nó thường thấy cha nó trước khi vớt bánh ra chuẩn bị một chậu nước sạch.
Rồi vớt từng cặp bánh đang còn nóng ra cho vào chậu.
Cha bảo phải rửa sạch vỏ bánh vì những nước nếp lúc nấu lên nhuyễn nó tràn ra ngoài bánh hay bị thiu. Vừa rửa cha vừa nắn nắn lại cho hình thù chiếc bánh đẹp hơn.
Cái bánh thử có phải rửa không cha.
Có rửa rồi, cho nó nguội đã rồi bóc.
Kêu (gọi) chị vô ăn với..
Dạ, Hihi.
Cuối cùng cũng được ăn bánh chưng, mặt nó rạng ngời, cha nó nhìn cũng cười theo.
Bây giờ thấy bọn trẻ con trong làng vừa tập xe đạp vừa hát tết tết tết… đến rồi ! tết tết đến rồi… Nó nhớ bạn nó, nhớ chị nó, nhớ bài đồng giao khi xưa cả lũ kéo nhau hát mỗi dịp tết về.
Bánh chứng chấm mật
Trấy cật nấu cháo
Cái gáo để múc
Cái cúc để gài
Cái đài để nghe
Cái xe để cợi
O Hợi rèo trâu
O Nhung bít cỏ
O Thảo gánh nước
Bài hát đồng giao, bánh chưng thử, chiếc radio là một trong những kỷ niệm tết xưa của nhà nó. Gọi là tết xưa thì không đúng vì tết này quê nó vẫn vậy, nhà nhà vẫn gói bánh chưng, trẻ con trong làng cũng háo hức ngày nào. Cha nó vẫn dành riêng một chiếc bánh chưng thử, nhưng bây giờ có mỗi mình nó, chỉ là không còn cảm xúc như ngày xưa nữa.
===============
P/s: Bánh chưng chấm mật là vì quê em ngày xưa hay ăn vậy, trấy = trái = quả; Gáo = ca; múc em chả biết tiếng phổ thông như thế nào; cúc= khuy áo; o=cô; Hợi, Nhung, Thảo là nhân vật trong làng em xưa.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Ngược Đời)