Please log in or register to do it.

Theo chuyên gia truyền thông MXH Nguyễn Ngọc Long, chúng ta chỉ nên livestream khi ít nhất, có hiểu biết về hậu quả mà nó có thể gây ra. Đồng thời, người phát video dạng live cũng nên suy nghĩ kĩ về điều mình muốn nói và “hãy tạo cho mình một kịch bản trước khi livestream”.

Ngoài tính tích cực, livestream – ứng dụng “hot” nhất của MXH cũng đang bị lạm dụng, trở thành công cụ thực hiện nhiều việc gây sốc, vô bổ và thành nơi để người ta đấu tố, hạ bệ, phanh phui lẫn nhau. Vô vàn rắc rối liên tục được “tung hê” cho hàng trăm, hàng ngàn người cùng theo dõi. Việc này đã và đang gây ra những cuộc “khủng hoảng truyền thông” như thế nào cho những người trong cuộc.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia, blogger truyền thông xã hội nổi tiếng – anh Nguyễn Ngọc Long.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Xin chào anh Long. Hẳn anh cũng biết, ngay từ khi mới ra đời, ứng dụng livestream đã được rất nhiều người yêu thích. Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, anh đánh giá thế nào về công cụ này?

Cho đến hiện tại, không một ứng dụng hay hình thức chia sẻ thông tin nào tạo ra tính trực tiếp, tức thời và liên tục như livestream. Nó làm cho cả hai bên phát – nhận đều cảm thấy thú vị hơn. Ví dụ, nếu chỉ dùng text thì đương nhiên, người đọc sẽ phải tưởng tượng lại hoạt cảnh, nếu xem ảnh thì đó lại là ảnh tĩnh và video thì đã qua xử lý và có thể đã bị cắt ghép, chỉnh sửa. Chỉ có hình thức livestream mới tạo cho người xem cảm giác được chứng kiến tường tận, được hòa nhập phần nào vào những gì đang diễn ra ở một nơi mà vốn, họ không hề có mặt.

Tính năng livestream cũng tạo ra cơ hội trò chuyện trực tiếp với nhiều người cùng lúc và gần như, đã khắc phục toàn bộ thiếu sót của các hình thức thông tin khác. Vì vậy, chuyện nó được nhiều người yêu thích, sử dụng cũng là điều dễ hiểu.

Đó mới là đặc tính của loại ứng dụng này, còn dưới góc độ truyền thông, anh nghĩ livestream đem lại hiệu quả như thế nào?

Livestream là một hình thức PR rất hiệu quả. Bởi thế, các bạn sẽ thấy có rất nhiều đơn vị thức thời thường sử dụng livestream như một hình thức để quảng cáo sản phẩm. Khi có một sự kiện “hot”, họ cũng thường “đính kèm” thông báo sẽ livestream trực tiếp trên MXH cho “dân tình” tiện bề theo dõi.

Chúng ta hay livestream vui bằng điện thoại, ipad nhưng đó vẫn là cấp độ bình thường. Nhiều công ty, tổ chức thường xây dựng, thuê đội ngũ livestream chuyên nghiệp để thực hiện những video phát live chất lượng cao.

Tuy nhiên, dù livestream là công cụ hiệu quả, có khả năng tiếp cận nhiều người, khiến người xem có hứng thú hơn các hình thức truyền tải thông tin khác thì điều đó cũng không có nghĩa, cách làm này sẽ luôn “bách chiến, bách thắng” trong tất cả chiến dịch PR. Hiệu quả livestream còn phụ thuộc rất nhiều vào nội dung live, kế hoạch, ý tưởng của chiến dịch truyền thông.

 Cũng chính vì livestream hiệu quả như vậy nên ngoài mặt tốt, nó còn bị lạm dụng, trở thành công cụ để nói xấu người khác, tung hê chuyện riêng tư cho nhiều người biết. Anh có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Chúng ta phải hiểu rằng, bản chất vấn đề nằm ở chỗ, có livestream hay không, người ta vẫn nói xấu, đấu tố nhau hoặc “vạch áo cho người xem lưng” trên MXH. Tuy nhiên, khi có hình thức thể hiện cảm xúc, diễn biến câu chuyện tốt, trực tiếp, tức thời như livestream thì họ chuyển sang sử dụng hình thức này.

Chuyện nói xấu, chia sẻ bí mật cá nhân, mâu thuẫn gia đình… vốn không phải là điều tốt đẹp. Vì thế, khi có những hành động này thì dù có dùng công cụ gì, livestream hay không, người thực hực hiện cũng sẽ phải gánh chịu những hệ lụy.

Tuy nhiên, livestream nguy hiểm hơn ở chỗ một khi đã nói thì không thể cãi được, có hình ảnh trực triếp rõ ràng. Nó giống như cha ông ta vẫn hay nói “bút sa gà chết”, đã phát live lên rồi, người ta đã xem rồi thì dù có xóa đi cũng không tránh nổi hậu quả tai hại.

Khi đang live stream quảng cáo cho spa, nữ người mẫu này đã vô tình lộ phần nhạy cảm trên cơ thể.

Gần đây có người liên tục dùng live stream để “đấu tố” tổ chức hay cá nhân nào đó khiến dư luận nhiều lần xôn xao. Theo anh, nếu thông tin người livestream đưa ra là sai sự thật thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Tôi nghĩ rằng, chúng ta có quyền tự do ngôn luận và quyền đó được pháp luật, nhà nước bảo vệ. Nếu thông tin đấu tố là đúng, điều đó là bình thường vì con người ai cũng có nhu cầu được chia sẻ. Tuy nhiên, nếu những điều bạn nói là bịa đặt, sai sự thật tức là bạn đã vi phạm pháp luật và sẽ chịu sự xử lý của các cơ quan chức năng.

Có những người hiểu hệ lụy của livestream nhưng họ vẫn làm vì được tung hô ầm ĩ trên mạng, được nổi tiếng, bất chấp hành động đó gây ra nhiều hệ lụy. Anh nghĩ sao về điều này?

Khi biết rõ hệ lụy mà họ vẫn làm, thì có lẽ phải hỏi người ta. Xét ở góc độ hơi võ đoán của tôi, việc mong muốn “câu like, câu view” là có nhưng tôi không cho rằng, mục đích này đủ sức hấp dẫn họ, khiến người ta bất chấp vi phạm pháp luật để đấu tố người này, người kia.

Trong trường hợp này, có thể do hiểu biết, nhận thức giới hạn hoặc giận quá mất khôn. Chưa kể, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ việc họ cho rằng, đối tượng bị nói xấu, đấu tố sẽ làm không gì được họ. Hơn nữa, những câu chuyện mọi người livestream tố nhau có rắc rối về mặt luật pháp vẫn chưa được nhắc đến nhiều nên họ chưa được cảnh tỉnh.

Như anh vừa mới nói, hậu quả livestream “không đúng lúc, đúng chỗ” là rất lớn nhưng nếu câu chuyện liên quan đến người nổi tiếng thì dường như, nó còn gây ra cuộc “khủng hoảng truyền thông”. Chẳng hạn như câu chuyện chị Hồng Nhung (vợ diễn viên Xuân Bắc) livestream gây ồn ào gần 1 tháng nay đã trở thành vòng luẩn quẩn mà tất cả đều bị ảnh hưởng. Từ NSND Anh Tú đến diễn viên Kim Oanh. Theo anh, trường hợp này muốn xử lý khủng hoảng truyền thông thì nên làm như thế nào?

Một cuộc khủng hoảng truyền thông muốn xử lý cần phải đứng xem góc độ từ ai. Từ góc độ của chị Hồng Nhung sẽ xử lý kiểu khác, từ góc độ Xuân Bắc sẽ xử lý kiểu khác hay từ trường Cao đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Hà Nội sẽ xử lý theo cách khác. Mỗi người sẽ xử lý theo một cách khác nhau.

Từ một câu chuyện liên quan đến nhiều người, mình cần xem là đang xử lý cho ai, ai là người đặt vấn đề ở đây. Có người (tôi xin phép được giấu tên) ở bên trường VH Nghệ thuật liên lạc trực tiếp với tôi để tham vấn ý kiến của tôi trong việc xử lý khủng hoảng.

Tôi xin phép không nói chi tiết mà chỉ có thể nói, những tư vấn tôi đưa ra có thể tiến tới giảm nhẹ những vấn đề liên quan đến trường và những người liên quan họ cũng muốn điều đó, thông qua những dữ liệu có thật từ phía nhà trường.

Cuộc livestream của chị Hồng Nhung gây ồn ào thời gian qua.

Ví dụ đứng từ phía chị Hồng Nhung hay anh Xuân Bắc, việc đầu tiên là phải thu thập thông tin. Mới đây, chị Hồng Nhung đăng lên trang cá nhân chửi diễn viên Kim Oanh. Sau đó, chị lại xóa đi và nói rằng mình bị hack nick. Khi đó, nhiều người sẽ tự hỏi rằng bị hack nick thật hay không? Tức là, thông tin rất mập mờ, khi đó chúng ta không thể đưa ra những giải pháp xử lý khủng hoàng truyền thông toàn vẹn được.

Ngoài việc thu thập thông tin, suy xét vấn đề thì chúng ta cần khoanh vùng khủng hoảng. Ví dụ câu chuyện của chị Hồng Nhung, ban đầu, xuất phát từ chị Hồng Nhung với trường, sau đó đến NS Anh Tú, rồi đến diễn viên Kim Oanh và đỉnh điểm là việc tin đồn NS Xuân Bắc đánh vợ. Rõ ràng là từ chuyện của 2 bên đã “lây lan” ra nhiều bên khác nữa. Vì thế muốn khoanh vùng được thì phải tránh nảy sinh các tình tiết mới. Cuối cùng mới đưa ra giải pháp xử lý khủng hoảng.

Theo chúng ta nên sử dụng công cụ livestream như thế nào?

Livestream chỉ là một công cụ. Chúng ta hãy nhìn vào mặt có lợi, khai thác tối đa hiệu quả mà nó mang lại. Cũng giống như chơi dao sẽ đứt tay, nhưng không thể nói rằng đừng dùng dao nữa.

Muốn sử dụng livestream hiệu quả, ít nhất, hãy nhận biết được mặt tiêu cực của nó. Cho nên, hãy suy nghĩ kĩ về điều mình muốn nói. Hãy tự cho bản thân mình một kịch bản trước khi livestream.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Ngọc Long (nickname Long Blackmoon, SN 1983) là một blogger nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Anh đã từng tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi về kỹ năng mềm, các vấn đề được các bạn trẻ quan tâm và là một chuyên gia truyền thông được săn đón.

Năm 2014, anh xuất bản cuốn sách “Tử tế là”.


Nguồn: Saostar

Thành viên Biệt đội Trăng Đen nói gì về Bizweb?
Giải cứu người giải cứu vỉa hè

Your email address will not be published. Required fields are marked *