Người trong hình là bé Nam, chủ nhân tương lai của huyện đảo Cát Hải – nơi có đặc sản nước mắm nổi tiếng khắp Việt Nam.
Nơi đây, năm Mậu Thân 1968 đã xảy ra trận lụt lịch sử khủng khiếp, nhấn chìm toàn bộ huyện đảo trong biển nước trắng xoá.
Sau nửa thế kỷ yên bình, bây giờ lịch sử đang lặp lại.
Đây là đoạn kè bê-tông vừa mới được đắp lên cao 5m bằng nguồn ngân sách Trung Ương. Nhưng thời gian gần đây, người dân Cát Hải liên tục phải sơ tán đi tránh bão vì nước biển tràn bờ.
Cứ sau mỗi bản tin thông báo “bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới” ở TV, trong đất liền chỉ còn vài cơn gió nhẹ, thì hàng chục nghìn tấn bê-tông bờ kè huyện đảo này đã bị sóng “lôi” xuống biển.
Huyện đảo “trắng xoá” không còn là chuyện lạ. Sau lúc bão tan, người ta lại “cào” bê-tông lên vá. Sức người chiến đấu với sức thiên nhiên.
Bà nội của Nam nói, vì một “lý do gì đó” mà việc ngập lụt gần đây diễn ra liên tục. Cuộc sống của gần một vạn dân ở huyện đảo không yên bình như trước nữa.
Một số hộ gia đình có điều kiện đã “di tản” quay lại đất liền. Nơi có những người trẻ thuộc “thế hệ son môi”, giấu bộ mặt thật sau lớp kem dưỡng da dầy cộp, ngồi trong phòng lạnh và bày tỏ lòng thương xót quê hương bằng những “cú nhấn like thần thánh”.
Có thể họ đã cố tình không biết, chính ngành công nghiệp làm lạnh, hóa mỹ phẩm phát triển đang ngày đêm “đóng góp” chất CFCs bào mòn tầng ozone, tạo ra hiệu ứng nhà kính, băng tan nhanh ở hai cực, nước biển dâng cao, thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt.
15 năm nữa, Mậu Thân lặp lại, có thể hình ảnh yên bình thế này ở Cát Hải sẽ không còn nữa. Những hộp kem dưỡng da và những chiếc máy lạnh ở đất liền đã nhấn chìm huyện đảo xuống dưới mực nước biển mất rồi…
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – December 26, 2013 at 10:30AM)