Please log in or register to do it.

XEM CATCHING FIRE VÀ SNOWPIEECER: TÌNH NGƯỜI VƯỢT TRÊN MỌI THẢM HỌA KINH HOÀNG NHẤT

(Chú ý, bài viết spoil một vài chi tiết trong phim)

Thật tình cờ khi đúng thời điểm Ngày nhân quyền Quốc Tế thì có ít nhất 2 bộ phim có chủ đề này ra rạp: The Hunger Game – Catching Fire (Bắt Lửa) và Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá).

Mình cho rằng đây là những bộ phim thuộc loại KHÔNG THỂ KHÔNG COI.

Cả 2 bộ phim đều khắc họa và truyền tải rất thành công thông điệp về bất công trong xã hội; sự chênh lệch giàu nghèo; cuộc đấu tranh dai dẳng, đẫm máu giữa giai cấp thống trị và bị trị. Dù mỗi bộ phim sử dụng một chất liệu khác nhau, bối cảnh khác nhau và câu chuyện khác nhau.

Điểm chung dễ thấy nhất ở cả 2 bộ phim là kỹ xảo được tận dụng tối đa để mang lại những cảnh quay hoành tráng và đẹp mắt.

Với Catching Fire, mình đặc biệt thích cách đạo diễn cho zoom-out khung cảnh chiến đấu khốc liệt, sinh tử của các nhân vật ở giai cấp bị trị trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn đầy hiểm nguy rình rập vào trong một chiếc màn hình bé xíu. Nơi mà đại diện của giai cấp thống trị ngồi xem một cách thờ ơ.

Đầy tàn nhẫn.

Đủ để khán giả nhận ra rằng những nỗ lực để bước qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết của người này, cũng chỉ đủ để mua vui trong một trò chơi lớn cho kẻ khác.

Mô-típ này được thể hiện y chang trong Snowpiecer nhưng được giấu kín đến tận cuối phim. Một cách tài tình.

Chính vì thế, Chuyến Tàu Băng Giá trở nên vô cùng hấp dẫn khi biến thành một tác phẩm điện ảnh được pha trộn giữa Hành động, Viễn tưởng, Tâm lý và có chút gì đó Hình sự. Một cách khéo léo và hoàn hảo.

Trong khi Catching Fire tận dụng những góc máy rộng để lột tả sự hùng vĩ của thiên nhiên cũng như câu chuyện, thì Snowpiercer lại có tới 99% là các cảnh quay hẹp với bối cảnh chính ở trong các toa tàu. Bức bối và nghẹt thở.

Thật kỳ lạ khi đây là một bộ phim Hàn Quốc.

Bởi vì ngay từ lúc xem trailer, cho đến khi coi kết thúc bộ phim hoàn chỉnh, mình vẫn cứ thấy phảng phất hình ảnh văn học của Những Người Khốn Khổ. Có chút gì đấy mang “hương vị” Pháp, pha với một chút Châu Mỹ như Túp Lều Bác Tôm của Brazil hay Đơn Giản Tôi Là Maria của Mexico gì đó.

Không biết đấy có phải chủ ý của đạo diễn hay không. Nhưng khi định nghĩa chuyến tàu cuối cùng và duy nhất trong kỷ băng hà mới của trái đất này là “Thế giới”, và những hành khách trên đó là “Nhân loại” (lời thoại trong phim), thì rõ ràng đạo diễn Bong Joon-ho đã rất thành công khi “toàn cầu hóa” được không khí của bộ phim này.

Hôm trước đọc một bài viết của anh Đức Sơn nói rằng người sáng tạo là người có khả năng nói ra những vấn đề phức tạp theo cách đơn giản (để ai cũng có thể hiểu được ngay). Chiếu theo quan điểm đó, những nhà làm phim Snowpiecer đã sáng tạo hơn êkip của Catching Fire vài bậc.

Bởi vì không dễ để những người xem “bình dân” phát hiện ra biểu tượng của phim là một hình ảnh vô cùng đắt giá.

Tính nhân văn của The Hunger Game sẽ rơi rớt đi gần hết nếu không có chi tiết những chiến binh xuất sắc nhất của mỗi quận, được đào tạo trong các lò luyện giết người, chiến đấu và kiên cường vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, hiểm nguy, cuối cùng gục ngã và đầu hàng những con chim nhại nhó bẻ và “vô hại”.

Chỉ vì nó bắt chước được tiếng kêu thảm thiết, đau đớn xé lòng của những người thân yêu ruột thịt xung quanh họ.

Trong khi đó, các thông điệp, hình ảnh ẩn dụng được truyền tải ở Snowpiercer lại dễ hiểu “một cách kỳ lạ”. Tuần tự, từng chi tiết được đạo diễn khắc họa qua mỗi toa tàu thông qua sự thay đổi cảnh vật, sự đối lập của ánh sáng và màu sắc.

Cả nhân loại được sắp xếp một cách logic và có trật tự. Mỗi người ở vào đúng vị trí của mình. Không đẹp nhưng hoàn hảo. Cho tới khi giai cấp bị trị ở phía đuôi tàu “bỗng dưng” nhận được những thông điệp kích động vùng lên tiến về phía trước để làm một cuộc Cách Mạng đòi bình đẳng…

Cũng như những chiến binh dũng cảm của Catching Fire, người anh hùng của Snowpiercer – kẻ dám cầm búa lên lãnh đạo hàng ngàn người nổi dậy; kẻ dám dí trán vào họng súng để bóp cò; kẻ dám gạt qua nỗi đau khi đánh đổi người anh em yêu quý của mình để tiến lên phía trước – cuối cùng đã gục ngã khi nhận ra lòng tin bị tổn thương và phản bội.

Đó là cú đánh chí tử, thức tỉnh lương tâm, đủ để phá tan tác phẩm nhà-tù-hoàn-mĩ nhất của loài người, giải phóng nhân loại và bắt đầu một tương lai mới.

((( Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Blogger Truyền thông Xã hội )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – December 11, 2013 at 11:56AM)

Cuộc tình nào đã qua đủ để anh khắc cốt ghi tâm?
Cái tội nghèo

Your email address will not be published. Required fields are marked *