Please log in or register to do it.

VÂNG, THÌ “CANH GÀ” ĐÍCH THỊ “CANH GÀ”!

Cả tuần nay mình ngồi im thin thít coi các bác mang chuyện canh gà ra cãi nhau ỏm tỏi. Từ chỗ cô giáo bị tố là dạy các em học sinh rằng canh gà Thọ Xương đích thị canh gà, các nhà văn nhà báo nhà giáo nhà nghiên cứu Hán Nôm rồi tới cả các Giáo sư Tiến sĩ cũng được lôi vào cuộc để mời phân xử, rằng thế rốt cuộc canh gà có phải… canh gà?

Có lẽ chuyện của cô giáo thì đã nên khép lại vì hết liên quan rồi. Mặc cho canh gà có phải canh gà hay tiếng gà gáy sang canh thì cô cũng tự nhận rằng cô sai về quy trình sư phạm, nên cô có lỗi. Một số thông tin thì cho rằng dưới áp lực của dư luận, cô giáo đã xì trét và nhập viện. Một số khác thì nói đó là thông tin chưa chính xác.

Nhưng chuyện của cô giáo cuối cùng chỉ là cái cớ để một số “nhà nghiên cứu” vào cuộc và bắt bẻ nhau câu chữ. Vì “bỗng dưng” có một bác nói rằng ngày xưa, cái người ghi chép lại câu “Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương” là đích xác nói về món canh gà ở Hồ Tây.

Mình xin miễn bàn vì chẳng biết đúng sai. Không dám nói càn.

Mình chỉ cho rằng văn học không phải như toán học để mà 1+1=2. Văn học có vẻ đẹp ở chỗ mỗi người tự cảm nhận theo một khía cạnh riêng mà chẳng chết ai.

Hồi học cấp III, mình may mắn được học một cô giáo dạy văn thực sự rất tuyệt vời. Khi làm bài kiểm tra 1 tiết để bình luận câu “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” mình cũng thuộc bài nêu ra đủ thứ trường hợp, rằng “Sau lưng thềm, nắng lá rơi đầy” thì sao; nếu “Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy” thì nên hiểu thế nào.

Sau khi phân tích bình luận búa lua xua xong, mình thừa giấy vẽ voi mới sáng tác thêm một khúc tái bút lâm li bi đát. Mình kể rằng hồi đầu năm, cô cho cả lớp thực tập làm thơ, mình làm một bài về mẹ có một đoạn thế này:

“…

Năm lên mười con thấy lại dáng bà
Khi mẹ đứng soi gương dưới ban thờ của bố
Nhà mình dột mưa len vào vài chỗ
Có giọt nước nào rơi xuống mắt của con

Mẹ có còn nhớ những đêm lạnh gió lùa
Hai mẹ con ta và mùa đông ôm nhau ngủ
Con đã lớn lên bằng tình máu mủ
Nên suốt đời chẳng quên kỷ niệm xưa”

Khi trả bài làm 1 tiết, cô giáo xúc động và tâm đắc với bài của mình lắm, cho 10 điểm luôn và mang cái đoạn này ra bình luận. Cô nói rằng khúc đầu là thể hiện sự mất mát của gia đình khi không có người cha làm điểm tựa, cô hình dung ra căn nhà của 2 mẹ con ọp ẹp và bị dột. Mỗi khi có cơn mưa lớn thì nước chảy tong tong. Mỗi khi có gió mùa về thì người mẹ phải ôm con để che chở cho con trong những đêm giá rét.

Cả nước cũng tâm đắc theo cô và vỗ tay rào rào. Sau đó cô còn mang bài thơ của mình đi truyền bá khắp nơi, khắp mọi lớp và mọi trường cô dạy.

“Nhưng cô ạ, thực ra thì em thấy rất xấu hổ khi cô đã hiểu sai về ý của em nhưng em không dám nói ra. Bài thơ này em viết về một người bạn gái học chung cấp 2. Bố bạn ấy mất sớm nhưng nhà bạn ấy rất giàu chứ không khó khăn gì cả.

Có lần bạn ấy kể lại với em rằng mỗi khi làm sai điều gì đó thì người trong họ hàng hoặc hàng xóm lại nói bạn ấy là “đúng cái thứ nhà dột từ nóc dột xuống” làm cho cả 2 mẹ con bạn ấy đều rất buồn và thấy tổn thương.

Có nhiều đêm đi ngủ bạn ấy nằm cạnh mẹ và tâm sự thì mẹ bạn cũng chỉ biết động viên an ủi bạn nhưng khi bạn “đã ngủ rồi” thì biết là mẹ khóc nên bạn buồn lắm, thấy như có vết dao cứa ở trong lòng. Em dùng hình ảnh “hai mẹ con ta và mùa đông ôm nhau ngủ” là để nói về cái lạnh và cái khoảng trống trong lòng không thể nào bù đắp nổi chứ không định nói về việc thiếu thốn của gia đình bạn”.

“Vì thế cho nên em thấy rất là bất mãn mỗi lần phân tích và cảm nhận bài thơ của Nguyễn Đình Thi lại phải hiểu nếu thế này thì sao nếu thế kia thì sao, vì em cho rằng nhà thơ Nguyễn Đình Thi có khi chẳng quan tâm và ẩn ý nhiều như chúng ta đang “phân tích” đâu. Cho nên em chỉ muốn được làm đúng như ý em cảm nhận thôi, cô cho em lạc đề hay bị điểm thấp cũng được”.

Lần ấy trả bài, cô cho mình 8 điểm kèm theo lời nhận xét “cô luôn tôn trọng và khuyến khích những suy nghĩ độc lập của em, nhưng khi đi thi thì nhớ đừng sáng tạo”. Sau đấy cô cũng gặp và nói chuyện riêng để lắng nghe mình chia sẻ xem thực sự mình cảm thấy thế nào về câu thơ “trái khoáy” của ông Nguyễn Đình Thi.

Hồi ấy mà mạng Internet phát triển như bây giờ khéo mình cũng được cho lên báo rồi ấy chứ!

Kể lại chuyện này vì mình muốn tóm lại rằng, thôi thì chuyện cô giáo làm sai cô đã nhận rồi, bây giờ vấn đề còn lại ai thích hiểu sao thì hiểu. Ai thấy “tiếng gà gáy sang canh” nó phù hợp, nó đẹp với bối cảnh của mịt mờ khói tỏa ngàn sương, nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ thì hiểu là “gà gáy sang canh”. Ai thấy trong khung cảnh lãng mạn đó phải có thêm tô canh gà ăn cho nó ấm bụng thì cứ hiểu là tô canh gà cho phồn thực.

Các bác nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ đi làm mỗi người một tô canh gà cho hạ hỏa rồi lo chuyện khác dùm đi ạ. Canh nguội hết cả rồi!

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Ghi chép vụn - October 18, 2012 at 05:35PM
Hot girl xuất thân là một nghệ nhân đan len ở đất cảng Hải Phòng.

Your email address will not be published. Required fields are marked *