Tôi không biết bạn có cảm giác gì khi lần đầu đặt chân tới công viên làm-biếng-kể-tên này, nhưng với tôi, đó là một sự tò mò… vô lý.
Vì bởi tôi cứ trố mắt nhìn dòng người ken nhau ngoáy đít lắc mông hành quân hàng hàng lớp lớp vụt qua và tự hỏi, tại sao người ta không chạy, không đi theo chiều ngược lại?
Ở trên mạng, tôi đã phát ngán với kiểu hành xử theo-cảm-tính của đám đông. Giờ ở ngoài đời, tới cái việc đi thể dục người ta cũng chỉ đi theo một chiều duy nhất. Thế là tôi thấy một sự khó chịu giềnh lên trên cổ.
Tôi biết mình… lạ lắm! Vì chẳng ai chú ý đến việc đấy đâu. Còn tôi thì “có”. Cũng do ghét phải hoà mình vào đám đông, nên sáng nào tôi cũng chạy “ngược chiều”. Rồi tôi tự hãnh diện khi mình có vẻ đẹp của “kẻ đứng một mình”.
Thế mà cái niềm kiêu hãnh nhỏ nhoi ấy cũng chẳng toàn vẹn nữa, khi vào buổi chiều sũng nước của ngày hôm ấy, công viên bất ngờ xuất hiện một nhân vật thứ hai.
Bà cụ ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi không chỉ vì chuyện đi “ngược chiều”, mà còn vì cái dáng nhỏ xíu xìu xiu, bé như cục kẹo. Đầu đội nón vải, lưng khoác áo mưa, tay gồng xách bọc, bà quàng thêm cái vẻ khắc khổ bằng dáng đi tập tễnh (tức là bước một bước, nghỉ một bước) nhưng kiên trì như vận động viên trên đường tập.
Mắt tôi bám dính vào cái dáng đi đầy-đau-khổ của bà cụ còn trong lòng trào lên đủ thứ cảm xúc lẫn lộn không thể gọi tên. Cảm thương cũng có, khâm phục cũng có, bất ngờ cũng có, lo sợ càng có nhiều hơn nữa! Vì tôi vừa mới trú mưa xong, mà ngửa mặt lên thấy trời vẫn ầng ậc nước. Lỡ như một cơn mưa oan nghiệt tiếp theo ào xuống, thử hỏi bà cụ làm sao trốn kịp?
Sau vài chục giây bối rối chưa biết phải làm gì, tôi quyết định lặng lẽ đi theo… đề phòng bất trắc!
Bà cụ vẫn nhẫn nại tập tễnh đi từng bước, còn tôi quanh quẩn ở phía sau. Bà cụ lết đi bảy bước, tôi vòng tới vòng lui ba bận. Kể như trời mà mưa ào một cái, thì tôi có cớ đàng hoàng để chạy tới ôm, cõng bà đi tìm chỗ trú. Đằng này mấy đận trời cố rớt hai giọt nước xuống rồi im bặt.
Mây đen vần vũ trên đầu. Lòng tôi thì như có lửa.
Hai chục mét từ “vạch xuất phát” tới nơi có mái hiên gần nhất dài như thế kỷ. Ác cái là bà cụ không thèm dừng lại trú. Vì thực tế trời cũng chẳng có mưa! Tôi thì càng không thể chạy tới bảo “bà ơi nghỉ chân, thôi đừng đi nữa”.
Thế là một cháu, một bà lại lẽo đẽo lê lết theo nhau. Tới chừng tôi cảm giác mình sắp nản thì trời giăng xuống một cơn mưa nặng hạt.
Tôi bỗng thấy mình… ác quá khi cứ mong mưa. Rồi ngây người đứng nhìn bà cụ trốn trong manh áo mỏng nặng nề “đi vội” tới một hiên nhà. Gió lùa thông thốc, đưa mấy giọt nước mưa vào khoé miệng tôi mặn đắng.
Lấy hết can đảm, tôi lân la tới ngồi sụp xuống, mở đầu câu chuyện bằng cách hỏi bâng quơ: mưa vầy lạnh quá ha bà?
(Vì thú thực đến khi ấy tôi cũng không biết phải “định vị” bà thế nào cho đúng? Rằng bà là một bà cụ ăn xin, hay một bà cụ nhà nghèo mang nỗi buồn đi lang thang ở chốn này, hay còn một “kịch bản” nào khác nữa?…)
Bà chậm rãi cởi miếng ny lông mỏng dính rồi bảo mưa này bà đoán trước nên trú được, chứ cơn lúc nãy “nó làm lẹ quá”, bà ướt hết nửa người. Có cô đó thấy thương cho bà cái áo mưa này đó con.
“Quý lắm” là câu chốt hạ, trước khi bà ngẩng mặt nhìn ra phía bờ hồ, nơi những giọt mưa đang nhẩy múa và giúp tôi giải toả thắc mắc trong lòng bằng câu nói “ướt bà cũng sợ, nhưng lo nhất là mưa lớn quá thì bà không đi lụm được”.
Có thể đoán được tôi còn thắc mắc, hoặc cũng có thể chỉ vì cần một người nói chuyện, bà tự kể tiếp luôn:
“Mấy chú bảo vệ ở đây không có cho bà lụm, nên bà canh giấc này ít người bà đi lụm lén”.
“…”
“Mấy chú biết là la bà đó”.
“Tại sao mấy chú lại la bà?”.
“Thì lo bà té. Hôm bữa bà xuống đó lụm, trơn, bà té. Đổ máu luôn con, giờ một bên mặt vẫn tím bầm”.
“…”
“Mà coi vậy chứ bà có bảo hiểm đàng quàng. Nhờ mấy chú đó đưa bà vô viện, bác sĩ bảo may chỉ bị phần mềm… Nhưng từ bữa đó bảo vệ canh gắt lắm, thấy bà xớ rớ gần hồ là mấy chú la”.
“Người ta tốt, lo mình té. Đuổi bà đi như vậy chứ hồi khuya về cũng ghé cho bà tiền. Nhiều lắm. Cả chục ngàn cũng có”.
“…”
“Bà vẫn đi lụm lén. Thùng rác đầy nhóc vậy chứ lụm đâu nhiều như ở dưới hồ”.
Rồi như để chứng minh cho điều vừa nói, bà lụm khụm cởi mấy lớp nylon cho tôi coi đủ loại ống lon nước ngọt.
“Quý lắm”.
Tôi giấu đôi mắt đỏ hoe, quay mặt đi chỗ khác, và vì tôi cũng sợ khi phải nhìn vào một bên má sưng húp bầm tím của bà.
Cho đến khi cơn mưa dừng lại hẳn, thì đến lượt tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Cả đến đôi chân cũng tê dại mà bước đi không nổi. Không lỡ. Không đành.
Tôi xin phép “thôi bà đi ăn nhé con phải về đây”, rồi đến lượt tôi lê từng bước ra khỏi công viên.
Đã 48 giờ trôi qua từ buổi chiều tối sũng nước ngày hôm ấy, hình ảnh những lon nước ngọt được vô tư quăng ở mép hồ và cuộc mưu sinh “bầm tím” vì trượt té của một bà cụ nhỏ như cục kẹo vẫn ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ.
Có quá đáng không, khi tôi gọi việc làm vô ý thức đó của một số người là “tội, lỗi hồn nhiên”?
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/bdspVY