Please log in or register to do it.

Đây là một hình ảnh “làm nức lòng cư dân mạng” khi nó nhận được sự quan tâm thảo luận like/comment/share của gần 10.000 người trên trang fanpage “Bộ trưởng Bộ Y tế hãy từ chức”. Cũng đồng thời là minh chứng rõ ràng nhất của một thứ dịch cần dập tắt mà có lần tôi đã điểm mặt đặt tên cho nó là “bệnh hả hê” (http://goo.gl/uOUVbs).

Cùng với hàng loạt hình chế bôi nhọ bà bộ trưởng Tiến một cách rất mất dạy (http://goo.gl/eWM83x) được đăng tải liên tục trên trang mạng này.

Nếu là một ông bố bà mẹ đang có con nhỏ, ở vào độ tuổi nhạy cảm có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của sởi, chắc hẳn bạn cũng sẽ thấy hả hê kèm theo suy nghĩ “đáng đời, bà này rất nên từ chức”.

Tất nhiên bạn không có lỗi. Vì khi yêu, người ta thường hay mù quáng. Mà trong ti tỉ thứ tình yêu mù quáng ở trên đời, thì tình yêu của cha mẹ dành cho con là thứ tình yêu nên mù quáng và đáng cảm thông nhiều nhất.

Bạn có quyền hả hê với những tấm hình chế bôi nhọ bà Tiến. Và tất nhiên con bạn sẽ không vì thế mà được an toàn trước căn bệnh sởi.

Bạn cũng có quyền hả hê với lời phát biểu của ông nhạc sĩ Tuấn Khanh kêu gọi bà Tiến nên từ chức. Thậm chí bạn càng hả hê hơn nữa nếu bà Tiến “tự nhiên”… từ chức thật!

Nhưng sau đó, bạn còn hoang mang hơn gấp vạn lần nếu người kế nhiệm bà Tiến cũng không làm được gì thực sự tốt hơn.

Tôi có quyền nghi ngờ điều đó, vì trong mắt tôi, bà Tiến là một người có chuyên môn giỏi vào hàng hiếm có tại Việt Nam. Dù bà ấy chưa bao giờ là một chính khách biết cách xây dựng hình ảnh lung linh đẹp đẽ, bài bản và chuyên nghiệp như ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hay bà Tôn Nữ Thị Ninh. Nói thẳng ra (chẳng biết có mang tội phỉ báng hay không), thì bà Tiến là một Bộ trưởng tồi.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong số ít người phụ nữ Việt Nam làm tôi mến mộ và cảm kích (bên cạnh bà Phạm Chi Lan, bà Trần Ngọc Sương, cô nhà báo Tạ Bích Loan, cô nhà báo Thu Uyên và vài người khác…). Cái sự mến mộ và cảm kích ấy có từ rất rất rất lâu, trước thời điểm tôi được gặp và nói chuyện với bà trong một talkshow bên FBNC của BTV Quốc Khánh. Vì bởi, Bà Ninh có một hình ảnh, một thương hiệu cá nhân gây thiện cảm được tạo dựng tốt trên mặt trận truyền thông, báo chí.

Bà Ninh là 1 trong 4 người phụ nữ Việt Nam được nhận Bắc đẩu bội tinh – huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam gọi bà là “Người phụ nữ của ánh sáng”. Còn hàng triệu người Việt Nam nhớ đến bà không chỉ với hình ảnh một nhà ngoại giao, một nữ chính khách mà là còn là một người phụ nữ Việt truyền thống, mang đậm phong cách Huế. Chỉ cần gặp bà Ninh, chưa cần nói chuyện, bạn cũng ngay lập tức phải thốt lên rằng bà Ninh sinh ra là để làm chính khách, để đại diện cho hình ảnh của Việt Nam trên trường Quốc tế.

Còn với bà bộ trưởng Y Tế vô cùng đáng mến của chúng ta, nhiều người (bao gồm cả tôi), sẽ dễ liên tưởng hình ảnh của bà Tiến với một con-ác-quỷ. Con-ác-quỷ với bản mặt đặc trưng chỉ cần nhìn đã ghét và không thể nào thương nổi, mà chưa cần phải nghe kể thêm bất cứ “chiến công hiển hách” nào.

Dù rằng, cũng giống như bà Tôn Nữ Thị Ninh, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng là một người phụ nữ Việt đã nhận được Huân chương cao quý của Chính phủ Pháp, tôn vinh những đóng góp to lớn của bà trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt – Pháp.

“Suốt 20 năm làm việc tại Viện Paster TP Hồ Chí Minh, rồi lên nắm giữ cương vị Viện trưởng khi còn rất trẻ (bà Tiến là Viện trưởng trẻ nhất trong hệ thống Viện Paster trên toàn thế giới), bà Tiến đã có nhiều đóng góp cho sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của Pháp đến Việt Nam và ứng dụng vào thực tế.

Không chỉ tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học mang tính thực tiễn cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong công tác phòng chống dịch bệnh, phục vụ công tác điều trị ở Việt Nam như: Dự án bệnh tiêu chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con; bệnh sốt xuất huyết; chân tay miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như SARS, cúm A/H5N1, bà Tiến cũng tham gia giảng dạy, báo cáo khoa học trong hệ thống y học của các nước nói tiếng Pháp, làm đầu mối một số hoạt động hợp tác trao đổi về khoa học, chuyển giao công nghệ với không chỉ nước Pháp mà còn với nhiều quốc gia khác là Mỹ, Úc, làm cố vấn khoa học của một số dự án nghiên cứu khoa học lớn và chủ nhiệm đề tài của Pháp.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là cán bộ y tế Việt Nam đầu tiên nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh” (Trích tư liệu trên tờ Dân Trí).

Còn người tiền nhiệm của bà Tiến là PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, cựu Bộ trưởng Y Tế Việt Nam, khi tôi đặt câu hỏi với bà, tại sao bà Tiến được chọn làm người “kế vị”, bà Chiến đã nói rằng “Bởi vì Tiến giỏi, có chuyên môn vững và xứng đáng”.

Bà Chiến kể về những ngày tháng mà bản thân bà cùng với bà Tiến và nhiều người khác nữa “chung tay chống Sars”.

Lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới nói chung và y học Việt Nam nói riêng xuất hiện một loại bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng, diễn biến rất phức tạp, gây suy hô hấp cấp và dẫn tới tử vong. Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng tên khoa học là Severe Acute Respiratory Syndrome, hay dân gian thường biết đến với cái tên dân dã hơn là “Bệnh SARS”.

“Bệnh SARS” đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới du lịch, kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước. Kinh tế thế giới ước tính bị thiệt hại tới 150 tỷ USD, trong đó riêng các nước Đông á và Đông Nam á thiệt hại tới 28,4 tỷ USD. GDP thế giới giảm 0,5%. Có một điều đặc biệt là, khác với một số dịch bệnh truyền nhiễm trước đây, SARS không chỉ gây dịch ở cộng đồng mà còn gây dịch ngay trong bệnh viện cho cán bộ y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân. Thống kê cho thấy, có tới 1.076 nhân viên y tế trên thế giới mắc SARS và hàng trăm trong số đó tử vong (trong có 05 thầy thuốc chữa SARS của Bệnh viện Việt – Pháp, tại Hà Nội), trích nguồn của Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương.

Thế nên, bà Chiến nói, chiến đấu cùng bệnh Sars thực sự là một cuộc chiến rất cam go và sinh tử. Và điều kỳ diệu đã đến khi chỉ sau 45 ngày có dịch, tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khống chế được hoàn toàn dịch SARS. Các chuyên gia y tế thế giới đồng loạt lên tiếng nói rằng SARS đã làm thay đổi thế giới về ứng phó với dịch và thế giới biết ơn Việt Nam khi đã chiến thắng trong cuộc chiến này.

Kết thúc câu chuyện kể đầy say sưa về “những ngày hoa lửa” của bà Trần Thị Trung Chiến, tôi bảo tôi muốn viết bài để đăng lên facebook nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng bà không đồng ý. Bà bảo là “thôi kỳ lắm, ai lại tự đi khen mình như vậy, cái này là cô tâm sự cho con nghe để biết vậy thôi”.

Thế nên đừng lấy làm khó hiểu khi mặc cho các bà vẻ vang trên trường Quốc tế, chỉ có người dân Việt Nam là hiếm khi biết ơn những người tư lệnh ngành như Bà Chiến và Bà Tiến. Lỗi không phải ở chuyên môn y học, mà lỗi ở việc các bà không chịu làm truyền thông cho tốt (mở ngoặc nói thêm rằng người dân cũng chẳng có lỗi khi không biết đến những chiến công hiển hách của các bà khi chẳng ai – bao gồm chính bản thân các bà – chịu nói cho họ biết).

Và vì những điều được mắt thấy tai nghe như vậy, tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi, thế nếu ông Tuấn Khanh (đại diện cho rất nhiều người khác) muốn bà Tiến từ chức thì ông muốn ai sẽ lên thay? Ai sẽ là người có khả năng chuyên môn giỏi hơn bà Tiến trong trận đánh sinh tử lần này?

Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng trong mắt tôi bà Tiến là một người có chuyên môn giỏi nhưng là một Bộ trưởng tồi. Nhưng chúng ta đang thực sự cần cái gì và đòi hỏi cái gì ở người Bộ trưởng chăm lo sức khỏe cho toàn xã hội? Một người giỏi chuyên môn nhưng vụng ăn vụng nói vụng làm hình ảnh hay một người chuyên môn tàm tạm nhưng có khả năng xây dựng hình ảnh long lanh, một ngôi sao của giới truyền thông và công chúng?

Cá nhân tôi không thích bà Tiến một chút nào, nhưng tôi không đồng tính với việc kêu gọi tẩy chay và gây sức ép lên bà Tiến để bà từ chức. Vì bằng tất cả sự chân thành nhất và tình cảm trong sâu thẳm trái tim của một con người trước nỗi đau đồng loại, tôi cho rằng việc bà Tiến không được chủ động nắm quyền để ra quyết định sẽ gián tiếp đẩy nhiều em bé hơn nữa vào con đường chết. Tôi không muốn điều đó xảy ra.

Tôi đồng cảm với nỗi đau của hàng trăm gia đình đang bị mất con nhưng cũng tuyệt đối tin tưởng vào chuyên môn của bà Tiến. Trong trận đánh này, tôi ủng hộ bà. Vì đó là điều tốt đẹp nhất tôi có thể làm cho những gia đình đang có con nhỏ ở quanh tôi.

((( Copyright by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Founder Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – April 22, 2014 at 08:42AM)

"Xã hội đã quá nhiều điều giả dối, chúng ta đâu cần thêm một ngày nữa để không thành thật với nhau..."
Sự "giàu có" của Bí thư Hội An

Your email address will not be published. Required fields are marked *