(Vì tự thấy chưa đủ kinh nghiệm sống để dạy dỗ ai, nên chỉ dám viết cho những đứa em bé nhỏ của mình)
Gửi em [….]
Hôm nay là ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam, nhưng từ rất lâu, nó mặc nhiên được coi là ngày nhà báo. Ngày của những người cầm bút, với sứ mệnh truyền tải thông tin khách quan trung thực, đấu tranh chống lại cái xấu để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, dù dưới bất cứ hình thức nào chăng nữa.
Nhưng trước hết, nghề báo vẫn cứ là một nghề kiếm sống. Mà để sống được, chúng ta chắc chắn phải có tiền.
Tính đến ngày hôm nay, số lượng bài viết của anh trên các báo đã lên tới con số vài ngàn. Nhưng anh chưa bao giờ là một nhà báo theo đúng nghĩa đen của nó. Chưa bao giờ được nhận danh hiệu cao quý như em đang có. Đồng nghĩa với việc anh không phải chịu những áp lực nặng nề như em đang đối mặt mỗi ngày!
Nhưng dù với danh nghĩa khác nhau thế nào chăng nữa, chúng ta sẽ vẫn “giống nhau” ở nỗi lo cơm áo gạo tiền và nhiều lo toan khác trong cuộc sống. Những ước mơ của chúng ta dù cao đẹp đến đâu cũng không thể nào thực hiện khi cơm ăn ngày hai bữa chưa no, manh áo mặc chưa đủ ấm.
Tự trọng của chúng ta dù lớn đến đâu, cũng không nặng bằng ánh mắt buồn rười rượi của cha dưới mái nhà mục nát, tiếng thở dài của mẹ trong một đêm mưa gió bão bùng hay đôi giầy sờn cũ của em nhỏ ở quê nhà.
Em còn nhỏ, cuộc sống còn dài, rồi sẽ có lúc em phải mang lòng tự trọng ra thoả hiệp với đồng tiền (thật may mắn nếu em chưa bao giờ phải rơi vào hoàn cảnh ấy). Em sẽ phải bẻ cong ngòi bút để nói những điều không muốn nói, viết những thứ không nên viết và đưa ra những tuyên ngôn không đúng với suy nghĩ của bản thân.
Hoặc là người đời không biết để mà dèm pha, lên án. Hoặc giả người ta biết, rồi buông ra những lời cay nghiệt khó nghe (thì em phải chịu thôi vì sự thật là như thế). Nhưng có thế nào, anh cũng không trách nếu em làm như vậy. Vì anh hiểu, cuộc sống có những điều dù rất muốn vẫn chẳng thể “vuông tròn”.
Anh chỉ mong rằng, đó là những lúc em ở vào hoàn cảnh bắt buộc trong cuộc sống, không còn lựa chọn nào khác cả. Em làm sai nhưng phải biết mình sai. Em chấp nhận làm sai nhưng phải tự cảm thấy xấu hổ, day dứt và coi đó là một món nợ mà em phải trả. Người đời có thể không biết nhưng bản thân em phải biết mình có lỗi. Đừng bao giờ biến nó thành một thứ “mặc nhiên” và coi là điều “bình thường” trong cuộc sống (dù thực ra bây giờ nhiều người vốn đã coi nó là điều bình thường hơn cả chữ bình thường).
Anh không khuyên em hãy trong sạch như tờ giấy trắng. Anh không khuyên em hãy coi rẻ đồng tiền và giữ gìn phẩm hạnh của một người cầm bút. Vì anh biết đó là những lời sáo rỗng, giả tạo và biến em thành một kẻ dối trá thô thiển nếu em nói rằng em sẽ nghe theo lời khuyên ấy. NHƯNG EM BUỘC PHẢI COI ĐÓ LÀ MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU VÀ HÃY LÀM MỌI CÁCH ĐỂ TRỞ NÊN TRONG SẠCH NHẤT MÀ EM CÓ THỂ.
Em chưa cần nghĩ đến việc gìn giữ sự thanh cao của danh từ “nhà báo”. Em cũng chưa cần nghĩ đến những tác động xã hội cao siêu nào đó mà sự trung thực trong nghề nghiệp của em mang lại. Em chỉ cần làm sao để lương tâm mình không thấy xấu hổ hay hổ thẹn với những việc mình làm. Chỉ cần như vậy, là đã rất thành công.
Chúc em vui khoẻ và công tác tốt.
[Em nào thấy lời khuyên này hữu ích, hãy ghi tên xuống dưới comment, và có thể mention người khác vô để nhắn gửi thông điệp này, nếu thích]
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – June 21, 2014 at 10:28PM)