Khởi nghiệp từ số vốn vay mượn, một chiếc xe mua hoá giá của bộ công an vừa chạy vừa châm nước cho máy bớt nóng, đến nay chị Thảo đã gây dựng được thương hiệu ốc ngon, rẻ, chất lượng trong một con hẻm nhỏ ở quận 4 trong lòng dân sành ăn Sài Gòn.
Ốc Thảo đi lên từ 1 ký nghêu
Đó luôn là câu mở đầu mỗi khi chị Thảo nhắc về những ngày đầu mở quán Ốc Thảo. Ngày tháng bươn chải, muốn ăn một tô bún bò 3.000 đồng chị cũng không dám, chỉ đi tới đi lui nghe mùi thơm rồi…thôi.
Xuất thân từ gia đình nghèo ở Cái Bè, Tiền Giang, lên Sài Gòn làm dâu, chị từng làm rất nhiều nghề. Ngẫm lại, chị Thảo nghĩ có lẽ lúc đó chưa tới “duyên” nên làm tới đâu đều ế ẩm rồi phải dẹp quán, chuyển nghề. Trong số đó, thời gian làm phụ bếp ở nhà hàng đã giúp chị có cơ hội quan sát, học hỏi cách chế biến nhiều món ngon. Tính chị hiền nhưng bù lại nhanh nhẹn, tinh ý nên bắt ngay cơ hội mở quán ốc khi thấy đây là loại hình buôn bán còn ít người làm, đỡ phải cạnh tranh, đụng chạm.
Thời gian đầu chị gặp khá nhiều khó khăn về tài chính, bắt tay vào buôn bán với số vốn vay mượn, mỗi sáng cưỡi trên chiếc xe máy “ì ạch”, chở lỉnh kỉnh mọi thứ từ chợ đầu mối Bình Điền về quận 4. Như nhiều người khởi nghiệp khác, quán ốc của chị cũng chỉ có vài người gần nhà ăn ủng hộ. Đến khi có lời một chút thì nhiều người ghen ghét, thậm chí viết đơn gửi lên địa phương tố hàng quán nấu nướng nặng mùi gây ảnh hưởng sinh hoạt. Lúc này quán vẫn còn mới, chưa thu lại được vốn nhưng chị cũng không đôi co, lật đật đi vay tiền, xây thêm ống dẫn thoát hơi cho khu bếp.
Tiếng lành đồn xa, may mắn đến với chị khi một phóng viên báo vô tình đến ăn rồi có bài viết phản hồi tốt về quán ốc ngon, bổ, rẻ. Thời điểm đó, quán ốc Thảo ngày càng đông khách, rồi dần hình thành lượng khách quen ở các quận lân cận. Tuy nhiên khách của quán lúc bấy giờ mới chỉ tập trung ở giới sinh viên và tầng lớp bình dân.
Người mẫu, diễn viên, ca sĩ cũng khoái ăn Ốc Thảo
Đến nay, tuy đã có tiếng ở Sài Gòn nhưng quán cũ vẫn nằm trong con hẻm nhỏ, ai một lần đến quán Ốc Thảo sẽ thấy không thiếu bất cứ thành phần nào, từ sinh viên đến người đi làm công sở, tài xế taxi…
Nhiều nghệ sĩ như Thuỳ Dung, Đoan Trung, Minh Cường, Ngọc Lan, Hùng Thuận,…cũng là khách quen của quán. Chị kể vui có lần một diễn viên nữ khá nổi tiếng đang ngồi ăn thì bị dân phòng “quét” vì lấn chiếm lòng đường, cô này phải vừa ôm dĩa ốc vừa…túm váy chạy. Chị phấn khởi không phải vì quán mình được xuất hiện, gắn liền với hình ảnh nghệ sĩ mà vì những ca sĩ, người mẫu, diễn viên đến quán chị không chỉ một, hai lần. Đó là minh chứng lớn về chất lượng và tay nghề của bà chủ quán ốc.
Quán Ốc Thảo ngày càng được ủng hộ không chỉ vì ốc tươi ngon, giá bình dân mà còn bởi tính xởi lởi, nhiệt tình và quan tâm khách hàng của chị chủ quán. Hiện nay đã có lượng khách đông đảo nhưng chị Thảo luôn giữ giá cả ổn định, quan tâm từng khách hàng “chỉ cần khách quen bước vô là chị biết thói quen ăn uống tại quán”. Thời gian và kinh nghiệm làm nghề cũng giúp chị nắm được nhiều bí quyết để phục vụ các “thượng đế”, từ cung cách phục vụ đến chất lượng món ăn đều vượt ngưỡng hai chữ “bình dân”.
Tấm lòng hướng Phật của chủ quán Ốc Thảo
Đến quán Ốc Thảo, khách hàng rất dễ thấy dòng thông báo đánh máy: Quán nghỉ bán vào mùng 1 và 15 (âm lịch). Quán ốc có thể bán xuyên suốt từ thứ hai đến chủ nhật, thậm chí không nghỉ Tết nhưng luôn nghỉ vào hai ngày cố định để chị đi chùa, cúng bái.
Chị tâm niệm làm nghiệt sẽ tạo nghiệp. Do đó, an toàn thực phẩm luôn được quán đặt lên hàng đầu. Cũng vì vậy mà quán ốc chỉ mở từ 10 giờ 30 sáng đến 10 giờ tối, thời gian vừa đủ để khách hàng ghé quán ăn no, tám chuyện rồi trở về nhà với gia đình thay vì ngồi trong quán lê la, nhậu nhẹt.
Chị Thảo cũng cho biết những món ốc xào của quán thường ngọt. Nếu tinh ý nếm sẽ thấy chị dùng đường thay cho bột ngọt hay món ốc len xào dừa luôn được chị dùng hoàn toàn nước cốt nguyên chất để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhiều khách hàng dù không thích ăn ngọt, chỉ có thể gọi các món như ốc hương, cà na xóc muối, cua xóc muối, bạch tuộc nướng muối ớt… nhưng vẫn luôn chọn quán là điểm đến đầu tiên.
Nhờ tính tình miền Tây chân chất sẵn có lại dễ gần nên khách hàng không chỉ ủng hộ mà cũng thường xuyên vui vẻ góp ý cho chị về khẩu vị món ăn, những ý tưởng buôn bán mới. Chị Thảo nhớ những năm đầu chỉ có một mình chị đứng bán, mọi công việc như pha nước chấm, lấy muỗng, nĩa… đều hoàn toàn do khách tự làm lấy. Chính nhờ những vị khách ấy mà chị có thêm động lực cải thiện cơ sở vật chất, tăng thêm số lượng nhân viên phục vụ. Phương châm của quán là lắng nghe, thay đổi và chất lượng, do đó dưới những bảng thông báo luôn ghi số điện thoại di động của chị để khách hàng có phản ánh, thắc mắc gì thì cứ gọi điện trực tiếp, chị sẽ…từ bếp chạy lên trả lời.
Chương trình tri ân khách hàng 10 năm tại Ốc Thảo
Sắp tới đây, khi mặt tiền quán ốc Thảo 2 ở đường Hoàng Diệu bị chủ nhà thu hồi, chị Thảo sẽ chỉ tập trung cho quán ốc duy nhất trong hẻm 237 Hoàng Diệu. Hiện chị chưa có ý định mở thêm chi nhánh ở khác vì cảm thấy khá thoải mái, được tập trung cho một quán duy nhất, có thêm thời gian tìm hiểu các món mới cũng như khẩu vị của các khách hàng trẻ.
Mười năm theo nghề, mười năm với nhiều lần lên ngọt xuống bùi nhưng nhiều khách hàng vẫn gắn bó với quán, trong số đó có người từng là sinh viên nay đã có gia đình vẫn hàng tuần đến ủng hộ. Với chị chục năm không phải là một con số quá lớn nhưng lại vừa tròn đẹp để quán thể hiện lòng biết ơn đến những khách hàng đã tin cậy và chọn Ốc Thảo để gửi gắm… bao tử.
Nhân dịp kỉ niệm 10 năm này, chị muốn tri ân khách hàng bằng những hoạt động thiết thực trong thời gian một tháng như với hoá đơn trên 300.000 sẽ tặng 1 tô nghêu, trên 500.000 tặng 1 đĩa ốc Hương, với tiệc sinh nhật, liên hoan trên 1 triệu tặng 1 đĩa cua giá 160.000 cùng nhiều khuyến mãi nhỏ như miễn tiền trà đá, tiền khăn. Chị hóm hỉnh kể, có khách biết chị chuẩn bị kế hoạch tri ân 10 năm thì góp ý vui: “Mua 1 tặng 1 đi chị”. Chị chỉ biết lắc đầu, giọng đùa: “Bán ốc mà tri ân liều là xuống… lỗ luôn!”.
Thông tin thêm về quán Ốc Thảo
- Mở cửa: 10g30 – 22g
- Địa chỉ: 237/8 Hoàng Diệu phường 8 quận 4
- Số điện thoại: 0122 466 1139 (chị Thảo)
Bài review của cộng tác viên Lương Đông Anh