Mới sáng ra, đọc được topic khá thú vị của anh Phan Văn Tú về từ ngữ vùng miền – đặc biệt là miền nam miền bắc với việc trong nam kêu cái con ụt ịt là con heo, nhưng lại có món bánh kêu là “da lợn”.
(Về sau có người vô đoán mò là phải chăng cái ông/bà phát minh ra cái bánh đó là người miền bắc? Nghe cũng có lý quá chứ?)
Mình có chuyện thế này: ở ngoài miền bắc người ta gọi là lòng lợn, còn ở trong nam sẽ kêu là ruột heo. Thế nhưng đi ăn cháo thì chỗ nào cũng đề bảng “Cháo lòng” chứ không ghi “Cháo ruột”. Nhưng chưa hết, gọi là cháo lòng nhưng thực ra trong đó có đủ tim gan phèo phổi dạ dày bao tử mề cật lòng non lòng già…
Có một lần mình lên Phú Thọ chơi ở Đền Hùng, đi vô ăn sáng thấy trong menu có để món “Cháo Nội Tâm”. Mình gọi ra ăn thì hóa ra chính là cháo lòng làm mình lại phải vỗ đùi cái đét! Vì chữ “cháo nội tâm” nghe thật là hình tượng và bao quát hơn hẳn chữ “cháo lòng” hay “cháo ruột”. Hihi.
Việc ngôn ngữ vùng miền thì còn nhiều chuyện mắc cười thú vị lắm. Bạn nào biết thêm những kiểu như vậy thì bỏ vô comment nhé. Và xin nhớ kể những chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng, không kì thị, gây chia rẽ hay ném đá. Cảm ơn nhiều.