Please log in or register to do it.

Trở về nhà sau một chuyến đi dài. Nhét chặt balo là những kỷ niệm yêu thương của các bạn Trăng Đen Hà Nội.

Tôi là một người sống bằng cảm xúc nên rất sợ sự chia ly.

Thế nên, tôi chính thức bị đơ khi Ken Stramus và Luân Sằng tặng cho một cái ôm thắm thiết lúc chia tay; bị mủi lòng khi em Nguyễn Tuấn Hải phi từ trên xe xuống nhanh như gió để “chen vào” lấy vali giúp; có một sự xúc động không hề nhẹ khi Tao Họ Trần “giằng lấy đồ” đòi mang ra tận cửa taxi; cảm kích nặng khi em Nhung Nguyễn tranh cãi miệt mài, đấu tranh kịch liệt cho việc thay đổi hành trình rồi cuối cùng ngồi với Thức Tê Tê và Hien Nguyen đến tận khi trời tối mịt ở sân bay để tiễn người nông dân quay trở lại Sài Gòn.

Được sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè khắp nơi thật là hạnh phúc. Nhưng cuối cùng thì gia đình vẫn là nơi chúng ta phải quay về, phải dành tình cảm yêu thương nhiều nhất, phải không?

Tôi thảnh thơi ngồi ăn cơm, xem bà đan áo và nghe chị kể đủ thứ chuyện trong một tháng tôi không có ở nhà.

Dạo này triều cường lớn lắm, đường đi nước ngập thường xuyên; khu vườn ở dưới Bình Chánh đã hoàn thành việc dọn cỏ, dắt đường ống nước, cắm cọc bêtông và chăng dây thép (vậy là người lông rân sắp được làm việc thực tế rồi); chiếc bàn đặc biệt Nguyễn Đình Tuyển gửi tặng đã được chuyển phát đến nơi từ 2 hôm trước nhưng ba mẹ lúng túng chẳng biết lắp thế nào; hũ chanh đào chị Nguyen T Thanh Nhan gửi tặng thì đã được dùng gần hết…

Rồi chị nói “Hoàng nó góp tiền chợ đưa cho tôi đấy”.

Tôi bất ngờ và vui sướng đến mức không thể ăn cơm tiếp được. Tôi lấy điện thoại và tìm số một ai đó đủ thân tình đến mức có thể chia sẻ “sự kiện trọng đại” này.

Tôi vẫn nhớ như in câu nói của bố nhiều năm về trước, từ khi tôi chỉ còn là một “đứa bé” 11 tuổi.

Bố tôi nói 3 chị em phải chịu thiệt thòi vì không có mẹ ở bên cạnh chăm sóc như “con nhà người ta”.

“Bố rất đau lòng khi thấy chị mày ngồi giặt quần áo bên cạnh cái thau nước to đùng. Người thì bé như cái kẹo, tay nhỏ như tay ếch, ngồi vò vò giũ giũ 30 phút mới xong một cái quần”.

“Nhưng thằng Hoàng là khổ nhất vì nó còn quá nhỏ. Nhỏ đến mức không biết là mình khổ. Giàu con út, khó cũng con út, cho nên sau này có điều kiện thì phải bù đắp cho nó khỏi thiệt thòi”.

Và trong suốt những năm tháng sau này, tôi đều ghi nhớ câu nói đó.

Tôi làm mọi việc để em trai tôi có thể ăn học đàng hoàng như “con nhà người ta”. Học hết đại học thì cho đi học trường Quốc Tế. Nó không chịu khi thấy số tiền quá lớn tôi lại thuyết phục rằng cứ coi như anh cho vay, mai mốt đi làm trả anh gấp 4-5 lần như vậy.

“Vì đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư sinh lời nhiều nhất”.

Tôi vào Sài Gòn đi xe buýt 4 năm trời, nhưng em trai tôi vào Sài Gòn thì phải có xe như chúng bạn. Tôi xài laptop 10 triệu nhưng em trai tôi phải có laptop 18 triệu. Có một lần nó bị mất xe, gọi điện cho tôi run rẩy nói “anh ơi em xin lỗi” mà tôi cầm lòng không nổi. Tôi chạy xe về đưa cho nó đi học và tôi cuốc bộ đi làm. Tôi ở thuê suốt 7 năm trước khi mua được căn nhà đầu tiên ở đất Sài Gòn, nhưng căn thứ hai là tôi mua cho nó. Rộng và đẹp gấp đôi căn nhà hiện tại.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi việc làm sao cho người trong gia đình đủ đầy và hạnh phúc. Tôi tự quàng lên người trách nhiệm lo lắng cho chị, cho em không chỉ vì muốn bù đắp những năm tháng thiếu thốn ngày xưa, mà còn vì muốn cha mẹ tôi không cảm thấy day dứt vì những sai lầm trong quá khứ. Mà lý do lớn nhất là vì tôi thấy thực sự hạnh phúc khi làm điều đó.

Tôi hạnh phúc khi em trai gọi điện thông báo tốt nghiệp Đại học.
Tôi hạnh phúc khi nó xin được việc làm.
Tôi hạnh phúc khi nó biết dành dụm tiền để phụ giúp chăm lo cho bố mẹ.

Vậy là em tôi đã trở thành một người đàn ông thực thụ. Đủ trưởng thành để kiếm tiền bằng chính sức lao động của bản thân. Đủ suy nghĩ để biết lo ngược lại cho anh cho chị, cho bố mẹ, ông bà.

Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa?

Benjamin Franklin có một câu nói rất hay. Rằng người phải nuôi một gia đình lớn, trong khi sống để dõi theo họ, chịu nhiều đau khổ hơn người khác, nhưng cũng nhận nhiều hạnh phúc hơn người khác.

Tôi có một gia đình lớn là các anh chị em Truyền thông Trăng Đen ở khắp mọi nơi.

Có những người tôi ra mặt tuyên bố coi họ như người thân ruột thịt của mình như Ja Long, Thành Hoàng Ceo, Đức Đạt, Vinh Thế, Quang Tung, Quangg Nguyễn, Ken Stramus vì những “lý do đặc biệt”. Có những người tôi chưa bao giờ lên tiếng nhận anh em gì hết như Mai Xuân Đạt Seongon, Bình Nguyễn, Hiền Sio, Trung Đức, Mèo Lười, Luân Sằng, Phuong Bella, Kinh Luân Kyokarmazen, Lê Nhung, Hoàng Leo, Nhật Linh Lê Nguyễn, Lương Khánh Toàn HuuIch, Lien Nguyen… nhưng hãy tin rằng tình cảm tôi dành cho các bạn thì đều ăm ắp yêu thương như nhau cả.

Tôi luôn dõi theo các bạn để cùng khóc cùng cười, cùng chia sẻ khó khăn và hạnh phúc khi thấy các bạn đạt được những thành tựu trong cuộc sống. Vì vậy, nếu yêu quý tôi không bao giờ cần phải tặng quà. Hãy giúp tôi hạnh phúc bằng chính sự thành công mỗi ngày từ các bạn. Như vậy là quá đủ.

((( Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Blogger Truyền thông Xã hội )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – December 16, 2013 at 07:47PM)

Vụ hôi bia: Nực cười với các "chuyên gia" chém gió rằng có sự dàn dựng truyền thông
Cuộc tình nào đã qua đủ để anh khắc cốt ghi tâm?

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Có một người con như bạn là phúc lớn của gia đình bạn, trong đó bạn vất vả nhất và hạnh phúc nhất.

  2. Cảm thấy anh tình cảm hơn nhiều so với bên ngoài thể hiện, có chút ghen tỵ nhẹ :D

  3. Giữa đêm vắng đọc lại bài viết của anh mà thấy thật xúc động. Lúc nào anh cũng lo lắng và quan tâm muốn giành những điều tốt nhất cho em của mình

  4. Chỉ biết rằng càng đọc, càng thêm Yêu Mến Anh.

  5. Em rất thích bài viết này của anh! Vì em thấy tình cảm gia đình là một điều thiêng liêng lắm! Điều mà nhiều gia đình đang đánh mất trong thời buổi hiện nay.