Mấy nay rần rần cái vụ Bitcoin. Sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất trên thế giới đóng cửa, giới “đầu tư” có nguy cơ mất trắng triệu đô la, “đồng tiền” này rầm rộ… rớt giá! Ngân hàng nhà nước ra khuyến cáo người dân không “đầu tư” Bitcoin vì đó là tiền ảo, không được công nhận, không được bảo hộ, rất nhiều rủi ro.
Thực ra, thông tin này không mới. Bitcoint là “tiền ảo”, giống hệt các vật phẩm trong game online thôi.
Khi bạn bỏ 1 triệu tiền thẻ cào nạp kim-nguyên-bảo (tiền ảo trong game) nhằm mua đao, kiếm, cung, thương… trang bị cho nhân vật của mình trong game để nó thành “hàng khủng”, nhân vật của bạn có thể “tăng giá trị”. Các cây đao, kiếm, cung, thương đó cũng có thể được các gamer mua đi bán lại, nhưng pháp luật lại hoàn toàn không công nhận. Từ chuyên ngành gọi đó là “tài sản ảo”.
Tài sản ảo thì không được bảo hộ, và không thuộc sở hữu của bạn mà thuộc về Nhà phát hành game.
Tôi biết có những game online mà cây kiếm trong đó trị giá cả trăm triệu VNĐ. Kì thực, những thứ đó được sinh ra bởi một vài dòng code do Nhà phát hành tự đưa vào game. Họ thích đưa bao nhiêu cây như thế cũng được (bỏ qua vấn đề rối loạn cuộc sống xã hội trong game).
Nếu server của Nhà phát hành game bị mất điện, cháy ổ cứng, tê liệt cánh quạt v.v… và v.v… hàng tỉ lý do khác nữa khiến nó lăn quay ra chết (giả bộ không có sao chép dự phòng) thì tài sản ảo (đao, kiếm, cung, thương) của bạn bị lên đường. Nếu Nhà phát hành game làm ăn thua lỗ, họ đóng cửa game thì tài sản ảo của bạn cũng hóa thành mây khói. Bạn không kiện cáo gì được, vì tài sản đó đã “ảo” nên nó không là thật, và thực tế nó là sở hữu của Nhà phát hành chứ không phải của bạn.
Thế nhưng người ta vẫn bỏ công sức – thời gian (cũng là một dạng tiền) để cày game kiếm kim nguyên bảo mua đồ, hoặc giàu có hơn thì bỏ tiền thật ra mua đồ ảo trang bị cho nhân vật xong rồi lại mang con nhân vật đó ra để kinh doanh mua đi bán lại. Nhà phát hành càng có uy tín, cộng đồng gamer của game nào càng lớn thì tất nhiên tài sản ảo trong game đó càng có giá trị vì người ta cảm thấy “an tâm” hơn và khả năng trao đổi, mua bán của các loại tài sản ảo này càng dễ dàng hơn.
Bạn hãy hình dung, nếu như kim nguyên bảo trong game Thiên Long Bát Bộ mà “mang vào” thế giới game của Võ Lâm Truyền Kỳ, Cửu Âm Chân Kinh, Tây Du Ký, Liên Minh Huyền Thoại mua được vật phẩm thì khi đó giá trị của kim nguyên bảo sẽ tăng cao rất nhiều lần.
Sở dĩ “đồng tiền ảo” Bitcoin có giá trị, ngoài việc nó rất khó kiếm, thì còn bởi lý do nó được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trong “đời thật”. Tóm lại là nó là ảo nhưng có thể đổi lấy rất nhiều món hàng thật. Đổi được cả tiền.
Người ta ném đá Bitcoin nhưng về bản chất nó “không khác nhiều” tài sản ảo trong game, một cái nickname trên facebook hay VOZ, webtretho, tinhte hoặc một cái fanpage… Chẳng phải bạn bỏ thời gian công sức tiền bạc để xây một cái fanpage “thật là đông, thật là chất” để rồi bán quảng cáo đó hay sao (cũng là một dạng trao đổi lấy tiền thật); các nick uy tín trên VOZ, webtretho, tinhte cũng đều bán thành tiền thật được. Nhưng tất cả những thứ đó, tưởng là tài sản của bạn, hóa ra có phải của bạn đâu?
Nếu các trang forum như VOZ, webtretho, tinhte mà đóng cửa thì công sức cày nick của bạn cũng lên đường. Nếu bạn bị đánh mất mật khẩu fanpage cho đứa khác nó vào xóa sạch dữ liệu thì lấy cái gì ra mà bán quảng cáo? Hoặc nếu facebook đóng cửa thì bạn làm gì nó? Kiện à? Đố mà đi kiện được.
Thế nhưng bạn vẫn cày game, bạn vẫn chơi facebook, vẫn tạo dựng fanpage, vẫn cày nick trên các forum bởi vì bạn tin là nó tốt, nó lâu dài, nó không đóng cửa giữa chừng. Thế nên đã là tài sản ảo, thì cuối cùng quy về bài toán lòng tin. Tin vào cái gì thì “đầu tư” thời gian, công sức, tiền bạc vào cái đó.
Sở dĩ từ trên xuống dưới tôi vẫn cứ phải đưa chữ “đầu tư” vào ngoặc kép vì thực tế những dạng này nên hiểu theo nghĩa đầu cơ, lướt sóng. Ví dụ từ khi làn sóng Bitcoin bắt đầu âm ỉ cháy tại Việt Nam cho đến khi có những thông tin rất xấu về thị trường này là khoảng thời gian 5 tháng. Thì nếu ai mua đi bán lại Bitcoin trong 3-4 tháng của 5 tháng đó và rút chân ra kịp thì đã kiếm được “khẳm” tiền rồi. Còn bác nào nghe hơi nồi chõ, thấy báo chí làm rầm rộ cũng đầu tư máy móc để đào Bitcoin thì bây giờ ôm hận. Kiểu như thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào mà chẳng hiểu gì về bản chất.
Nói nhỏ nghe chơi, có khi các tin tốt về Bitcoin được làm rầm rộ trên báo chí lại do các ông trùm Bitcoin thổi lên để đẩy giá rồi bán tháo ra ngoài í chứ (chiêu này cũ mà xài hoài vẫn được nè).
Khi tôi đi học đầu tư vàng và chứng khoán, buổi đầu tiên vô lớp, cái ông Thầy là Phó chủ tịch một tập đoàn vàng bạc đá quý lớn tại Việt Nam, đứng giữa lớp oang oang “các em đi học chủ yếu để biết giới “cá mập” nó làm giá thế nào rồi rà soát xem trong quan hệ của mình có ai là “cá mập” không thì đầu cơ theo họ kiếm tiền, còn không thì tốt nhất là đừng có tính toán canh me gì hết”. Trời ơi, tôi nghe xong mà nản, nhưng ngẫm ra thì thấy cũng không phải là ông thầy chém gió cho vui.
Quay trở lại với đồng tiền ảo Bitcoin, tôi nghĩ người nào hiểu rõ về nó, có khả năng phát tán thông tin tốt xấu trên thị trường, và có gan chấp nhận mạo hiểm thì họ vẫn sẽ đầu cơ để rồi tự lướt sóng. Chỉ có mấy bạn trẻ trâu đọc vài ba bài viết tưởng ngon ăn mới chết sặc gạch thôi. CÁ NHÂN TÔI THÌ KHÔNG BAO GIỜ QUAN TÂM ĐẾN BITCOIN ĐÂU, CHỈ VÌ LÝ DO DUY NHẤT LÀ NÓ CÓ THỂ TRỞ THÀNH CÔNG CỤ ĐỂ RỬA NHỮNG ĐỒNG TIỀN PHI PHÁP. CHẤM HẾT. ĐƠN GIẢN VẬY THÔI.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – February 28, 2014 at 10:27AM)