Đêm 12/4, tại quảng trường Ngọ Môn đã diễn ra lễ khai mạc Festival Huế 2014. Ấn tượng đầu tiên của mình khi đặt chân vào trong khán đài chỉ có thể tóm gọn trong 2 từ là Lộng lẫy và Hoành tráng. Thế nhưng những gì đọng lại sau đêm khai mạc lại hoàn toàn trái ngược. Cảm giác bức xúc vì công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp, dàn dựng chương trình quá tẻ nhạt, nghèo nàn ý tưởng; tổng thể chung là gây cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ.
Trái ngược với cảnh xếp hàng kiểm tra soi chiếu an ninh một cách rất “nguy hiểm” và chuyên nghiệp ở cổng vào, hơn 2 vạn khán giả được nhồi lên sân khấu và buộc phải trèo lên đầu nhau để xuống dưới tìm đường đi đái. Khổ nỗi, khi quay trở lại thì sẽ bị mấy bác an ninh chặn lại và hỏi đi đâu đấy? Sau đó khách sẽ phải cãi lộn là “đi đái quay trở lại” xong để các bác nhìn ngắm và đoán xem có đúng dân đi đái không hay dân nhập nha ở ngoài vô. Check an ninh rất vui và ức chế!
Ra tới chuồng đái thì vì chỉ có một chuồng nên bà con xếp hàng dài như đi hội. Thi thoảng có bác chen ngang rồi cãi nhau ỏm tỏi. Có bác thì xếp hàng chờ chừng 5 người nữa là tới lượt chẳng hiểu sao lại vạch chim ra đái thẳng xuống đường. Bạn tây đứng kế sợ quá nhăn mặt ôm cu đi mất. Mà mình thiệt không hiểu cái quảng trường rộng mênh mông như thế tiếc gì mà không bố trí thêm vài xe cho bà con đái?
Đi lúc 7h xí chỗ (theo lời xúi giục của chị Phượng ớt), đến 8h tối các bác bắt đầu réo tên đại biểu. Danh sách thì cực ít, chỉ phải đọc tên chừng… 30 vị kèm chức danh thôi nhé. Ban đầu khán giả vỗ tay cổ vũ nhiệt tình vì nghĩ đọc xong sẽ mở màn, ai dè hết ông này đọc tới ông khác lên đọc tiếp. Tới lần thứ 3 là khán giả ngồi chửi om xòm chứ đâu ai cổ vũ. Cả tây cả ta lắc đầu ngán ngẩm.
Tới chương trình chính thì ôi thôi quá tệ, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy bé chân dài cầm pháo hoa lên bắn. Bắn đủ kiểu bắn đủ trò. Cứ tiết mục nào có pháo hoa là bà con giơ điện thoại lên chụp ảnh, còn không là ngồi ngáp. Hết bắn pháo hoa gắn que lại qua pháo hoa gắn vào quả trám. Hết quả trám chữ thập lại tới quả trám kiểu đèn lồng. Không sai nếu nói đêm khai mạc này “sống bằng pháo hoa”.
Tới tiết mục cuối bắn pháo hoa lên thẳng đầu khán giả. Muội pháo, xác pháo cứ gọi là như mưa trút xuống. Mấy cụ ngồi nghe pháo nổ rền rĩ trên đầu xong đái hết mẹ ra quần, í ới bảo nhau đừng ngửa mặt lên trời sợ nó rơi mù mắt!
Chả biết các bạn í truyền hình lên TV sẽ thế nào chứ coi trực tiếp trên sân khấu thì nản không để đâu cho hết vì màn nào cũng có vài cây pháo hoa bị xịt. Có màn thì người mẫu bắn pháo hoa cháy tưng bừng trên sân khấu luôn xong bảo vệ phi thân ảnh lên giải cứu.
Sân khấu thì rõ là lộng lẫy mà người mẫu lên đó giễu hành nhỏ như con kiến có thấy mẹ gì đâu. Mọi thứ bị lẫn hết vào phông màn chính. Tự nhiên mình nghĩ tiếc công các bạn í makeup lựa đồ làm đẹp. Thích nhất tiết mục đờn ca tài tử thì dài mỏ ra chờ 15 phút cũng chẳng thấy ai ca???
Cuối cùng đi về thì ôi thôi là rác. Rác nhiều kinh khủng nhìn thấy thương luôn í. Liên tưởng tới phái đoàn của 36 nước trên thế giới xíu hành quân qua bãi rác khổng lồ mà mình thấy buồn không để đâu cho hết.
Túm cái áo dài Huế lại thì sau đêm khai mạc là muốn lên Face chửi. May sao mình nén lại và tự nhủ chờ xem ngày mai báo chí sẽ nói gì? Và thật bất ngờ sáng hôm sau lên báo thì 100% khen Chương trình hoành tráng, ấn tượng và lộng lẫy.
Đọc những gì các bạn phóng viên miêu tả lại và coi hình chụp thì mình thấy các bạn í viết không sai một chút nào. Và mình rất mau chóng nhận ra rằng có sự khác nhau ở góc nhìn và vai trò cảm nhận. Phóng viên không bị hạn chế đi lại, không bị xếp hàng đi đái, không bị check an ninh, không phải ngáp dài ngáp ngắn chờ nghe đọc tên đại biểu; họ lại có thể ngồi gần sân khấu và thu vào ống kính những hình cận cảnh rất rõ ràng và sắc nét. Như vậy, cảm nhận của họ (cũng như các khách mời) sẽ khác xa với cảm nhận của 2 vạn khách ở khán đài.
Và những cảm nhận tốt đẹp đó sẽ được truyền tải, phát tán ra ngoài qua những bài viết trên báo chí. Như vậy, đạo diễn đã tính toán kĩ (hy vọng thế) để có một đêm khai mạc ấn tượng lộng lẫy trong góc nhìn của giới truyền thông và khách mời. Còn 2 vạn khán giả ngồi ngáp lại góp phần tôn thêm cái sự hoành tráng chung từ góc nhìn đối lập.
Xét về mục tiêu truyền thông như vậy là quá ổn. Vì bản chất cái lễ khai mạc này chỉ đóng vai trò bàn đạp, mồi nhử câu kéo cho các sự kiện diễn ra sau đó. Sẽ chẳng ai định tới Huế tham dự festival để coi một đêm khai mạc.
Tóm lại là nếu mình nhanh nhảu chửi đạo diễn và Ban tổ chức ngay sau đêm hôm đó thì rất có thể bây giờ mình lại phải xin lỗi họ. Có “2 lễ khai mạc” Festival Huế 2014, và hiệu quả truyền thông rõ ràng là tích cực. Qua vụ án này mình đã rút ra được một bài học vô cùng giá trị :-)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – April 14, 2014 at 05:03PM)