CHIẾN LƯỢC CỦA QUALCOMM VÀ CHIÊU BÀI THÂU TÓM THỊ TRƯỜNG BẰNG CÁCH “KÍCH ĐỘNG” CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
CHÚ Ý:
1. Bài này đề cập khá sâu về mảng công nghệ nên ai KHÔNG THÍCH hay KHÔNG QUAN TÂM thì đừng đọc tốn thời gian lắm.
2. Mình dùng những từ ngữ bình dân, liên tưởng và giải thích sao cho dễ hiểu nhất với mong muốn những bạn nào không giỏi công nghệ vẫn có thể đọc và hiểu được, nên trong một số trường hợp nhất định, tính hợp lý của công nghệ là không hoàn toàn chính xác.
3. Bài này chỉ dựa vào phán đoán và phân tích cá nhân thôi. Ngôn ngữ giang hồ gọi là “chém gió”.
…
Lúc 1.30 chiều ngày 11/9/2012, khá đông nhân sự cấp cao của Qualcomm có cuộc gặp gỡ với báo giới và blogger tại khách sạn Park Hyatt để trao đổi thông tin. Đặc biệt hơn, đích thân ông John Stefanac (president, southeast asia & pacific) làm người diễn thuyết. Nội dung chính của cuộc gặp xoay quanh (dòng) chipset Snapdragon được quảng bá ở Việt Nam với cụm từ vô cùng hoa mĩ – Trái tim rồng. Tuy tài liệu kèm theo rất “xúc tích và ngắn gọn” nhưng nếu để ý, lại có khá nhiều việc để bàn.
Đầu tiên, Qualcomm đưa ra 2 con số rất ấn tượng: nền tảng công nghệ (và sản phẩm công nghệ) của họ được sử dụng trong hơn 6 tỷ thiết bị di động, trong đó có hơn 1.8 tỷ thiết bị có kết nối 3G. Tài liệu của Qualcomm dùng chữ “Mobile connections” chứ không phải “Mobile devices” vì công nghệ của Qualcomm được sử dụng trong rất nhiều thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, TV và cả máy tính thông thường. Đó là thành quả của việc hợp tác với hơn 70 nhà sản xuất hàng công nghệ lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, Qualcomm nói họ “tiếp tục hợp tác” với các “thương hiệu bản địa” (chứ không phải nhà sản xuất bản địa) bao gồm FPT, Mobistar và QMobile; và “tiếp tục làm việc” với các nhà mạng Viettel, Mobiphone và Vinaphone.
Mình có gửi email cho ông chủ tịch John Stefanac đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm “tiếp tục hợp tác” và “tiếp tục làm việc”. Bởi vì, theo suy luận của mình, thì Qualcomm đang muốn quảng bá dòng chipset Snapdragon của họ, để “vận động” các “local brands” đưa chipset này vào các mẫu điện thoại giá rẻ tương lai; bên cạnh đó họ cũng đưa ra các chương trình kích cầu việc sử dụng 3G để tăng thuê bao cho nhà mạng.
Còn nhớ cách đây khoảng 1 năm, Qualcomm làm mình bất ngờ và đưa ra khá nhiều đồn đoán khi “tự nhiên” tung ra chương trình “3G right here, right now” kết hợp với chuỗi siêu thị TGDĐ.com và Viễn Thông A để giới thiệu các lợi ích của 3G và kêu gọi mọi người sử dụng 3G thay vì kết nối internet truyền thống (dial-up, ADSL, wifi…).
Thời điểm ấy, mình cũng nêu thắc mắc “tại sao các ông làm phần cứng không đổ tiền quảng bá phần cứng của các ông lại đi tốn tiền cho mấy việc bao đồng của đám nhà mạng?”. Vì theo lẽ tự nhiên, việc lăng-xê lợi ích và kêu gọi mọi người sử dụng 3G phải là việc của Mobiphone, Vinaphone, Viettel, VietnamMobile và Beeline mới đúng? Chủ tịch Qualcomm Đông Dương lúc đó là ông Vũ Minh Trí đã trả lời ngắn gọn rằng “Do Qualcomm là nhà cung cấp công nghệ trong các thiết bị 3G, nên có nhiều người sử dụng 3G thì thị trường phát triển, số lượng các sản phẩm 3G được tiêu thụ sẽ tăng lên, tức là Qualcomm có lợi”.
Nghe nó cứ xa xôi diệu vợi và khó tin thế nào ấy nhỉ? Kiểu như, tôi có nhà ở miền nam, nhưng tôi bỏ tiền ra xây công viên ngoài Hà Nội để không khí ở đó tốt hơn, làm người dân dễ chịu hơn, họ yêu quý người miền nam hơn, 30 năm nữa con cháu tôi ở miền nam ra miền bắc sẽ được người ta yêu quý!
Ngôn ngữ bình dân gọi cái đó là “tầm nhìn xa” còn ngôn ngữ bác học thì kêu là chiến lược. Đó rõ ràng là chiến lược, một chiến lược rất khôn ngoan và thể hiện tầm nhìn quá tuyệt vời của Qualcomm.
Ngược dòng thời gian khoảng 4-5 năm về trước. Qualcomm đã ấp ủ “âm mưu” đánh chiếm thị trường Việt Nam – Đông Dương với việc hậu thuẫn cho S-fone khi hãng này sử dụng công nghệ CDMA, một công nghệ được đánh giá là hiện đại hơn hẳn GSM thời điểm ấy. Khi đó, Qualcomm đã manh nha nhắc tới chiến lược “hệ sinh thái Qualcomm” mà mình chẳng hiểu nó là cái chi chi. Qualcomm cũng hợp tác với một đầu báo trong nước để tổ chức cuộc thi viết ứng dụng nhằm kích thích người sử dụng chuyển từ GSM (mạng Mobiphone, Vinaphone) qua CDMA (mạng S-fone). Cuộc thi tên là viết ứng dụng mùa hè hay gì đó mình không sure lắm!
Chiến dịch này sau đó không được như kỳ vọng vì nhiều lý do. Mà một trong những lý do lớn nhất là người dùng Vietnam coi đầu số 090, 091 như thần thánh nên rất khó thuyết phục họ chuyển qua đầu số “nhà quê, nhà nghèo” 095. Số lượng thuê bao 095 – CDMA không lớn như kỳ vọng, thiết bị dùng mạng CDMA (điện thoại Sfone) không phát triển được thì content (nội dung), là phần mềm tiện ích, ứng dụng – trên đó sẽ trở nên thừa thãi một cách vô duyên.
Hãy hình dung, có 3 nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược “Hệ sinh thái Qualcomm” gồm có 1. Thiết bị; 2. Môi trường truyền dẫn và 3. Nội dung.
– Thiết bị ở đây chính là điện thoại, tablet, smart TV, USB 3G…
– Môi trường truyền dẫn chính là sóng điện thoại với kết nối 3G
– Nội dung chính là các ứng dụng và phần mềm mọi người thường sử dụng bấy lâu nay như các chương trình TV, giải trí, hài kịch, ca nhạc, phần mềm chat Yahoo, kiểm tra email, phần mềm chụp hình, phần mềm duyệt facebook v.v…
Nếu không có thiết bị và có sóng thì nội dung không sử dụng được. Nhưng nếu không có nội dung hấp dẫn thì các thiết bị lại chẳng có ai mua. Nếu có thiết bị và có nội dung nhưng sóng yếu quá thì nội dung chỉ có thể ở dạng nghèo nàn, không hấp dẫn. Ba nhân tố này tương quan với nhau theo lý thuyết con gà – quả trứng. Và bất kì một trong 3 đơn vị sản xuất thiết bị (FPT, Mobistar, QMobile…); nhà mạng (Viettel, Mobiphone, Vinaphone….) hay cung cấp nội dung (FPT Online, VTC Online, Zing, Vietnamnet Mobile, Gameloft…) muốn đổ tiền phát triển riêng lẻ đều sẽ khiến “Hệ sinh thái” này mất cân bằng ngay lập tức. Đơn vị này muốn phát triển phải nhìn đơn vị kia. Cả 3 nhân tố nhìn nhau và chờ đợi, tạo ra một thế “lùng nhùng” và dậm chân tại chỗ, hoặc phát triển theo quán tính tự nhiên chứ không đột phá. Nhưng đòi hỏi cả 3 nhân tố này phải phát triển đồng đều, nhịp nhàng thì yêu cầu một “kiến trúc sư trưởng” có tầm, có tiền, có tầm nhìn chiến lược thì có vẻ Vietnam chưa làm được.
Qualcomm là một tập đoàn công nghệ lớn của Mĩ, họ đang từng bước hiện thực hóa chiến lược đó một cách rất rõ ràng. Và hệ sinh thái “Qualcomm” đã manh nha hình thành như vậy.
Nhớ ngày xưa học lịch sử, cô giáo mình ví nước Mĩ như một bà đầm già quỷ quyệt kích động các nước gây chiến với nhau và họ hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho cả đôi bên. Thì ngày nay, ở thời buổi hiện đại, Qualcomm lại đổ tiền và công nghệ “kích động” các doanh nghiệp ở mỗi quốc gia phát triển và “liên kết” với nhau theo một cách mà có khi các doanh nghiệp không hề hay biết để tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó Qualcomm là người hưởng lợi cuối cùng và rất lớn từ mua bán bản quyền công nghệ.
Tất nhiên, đây là một cách làm giàu khôn ngoan và hòa bình, chẳng có gì để phải chê trách cả. Có chăng là buồn cho tình hình phát triển công nghệ của nước nhà thôi. Giống như kiểu, ai chẳng biết nước máy thì tốt hơn nước mưa, nước mưa thì tốt hơn nước giếng. Nhưng nhà nghèo chưa có tiền xài nước máy thì biết phải làm sao?
Mình nghĩ, cách duy nhất để cải thiện tình hình là Chính phủ phải nhận được những tham vấn kịp thời và căn cơ để có thể đi trước đón đầu về công nghệ. Chấp nhận chịu thiệt trước mắt và hy vọng 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí 20 năm nữa có thể cải thiện tình hình.