Thi thoảng ngồi ăn cơm chung với mấy đứa em, tôi hay được nghe những câu “cảm thán” kiểu kiểu thế này:
“Ơ, hình như bị thiếu một đôi đũa”
“Nước mắm ít thế này chắc là không đủ rồi”
“Chết rồi chưa có muỗng múc cơm”
Đó là ăn ở nhà. Còn ra ngoài quán thì tình hình cũng không có gì thay đổi:
“Không biết quán này có chanh không nhỉ”
“Phục vụ quên mang nước cho bàn mình rồi”
“Nóng thế nhỉ, mà sao người ta không quay cái quạt về chỗ mình”
Mỗi lần như vậy, tôi thường trân trối nhìn thẳng vào người phát ra câu nói đó và “mách nước”:
“Chỉ cần hô lên thôi, đũa sẽ tự bay về.
Chỉ cần hô lên thôi, nước mắm sẽ tự đầy lên.
Chỉ cần hô lên thôi, muỗng múc cơm sẽ tự xuất hiện.
Chỉ cần hô lên thôi, chanh sẽ tự có.
Chỉ cần hô lên thôi, nước sẽ tự bay ra.
Chỉ cần hô lên thôi, cái quạt sẽ tự thổi về đây cho mát”.
Tôi không thể hiểu nổi sao giới trẻ bây giờ lại có một cách hành xử lạ lùng và đáng khinh thường như vậy?
Lúc nào họ cũng muốn một ai đó xuất hiện và giải quyết dùm vấn đề của chính bản thân mình.
Vì vậy, tôi thường nói thẳng sau mỗi bữa ăn. Chúng mày thấy bà già gần chín chục tuổi đầu, mà cứ ăn xong lại tự động mang chén đũa bỏ vào chậu rửa có thấy xấu hổ và nhục nhã hay không?
Tất nhiên, sự việc cũng không vì vậy mà chấm dứt. Có lẽ, các bạn trẻ đã quá ỷ lại và thiếu chủ động thành một thói quen.
Nhưng ít nhất, trong một vài lần sau đó, khi ai đó hô lên rằng “hình như nhà mình quên chưa bật quạt”, tôi chỉ cần nhắc lại câu “cứ hô lên thôi…” thì nhân vật chính sẽ tự động đứng dậy đi giải quyết vấn đề.
Bạn Nicky Dy Hoang có viết “Ăn xong bà đi rửa bát vì sợ bản thân mình trở nên vô dụng, nên bà muốn làm việc gì đó dù nhỏ, để cảm thấy mình còn có thể làm việc được”. Nhưng thực ra, bà chưa bao giờ “làm việc nhỏ”.
Sáng sáng bà vẫn đi bộ 1km ra chợ mua đồ, rồi về nhà ngồi nhặt rau, thái thịt. Bà rất sung sướng khi được mang quần áo của cháu đi phơi và gấp lại gọn gàng. Như buổi chiều hôm qua bà ngồi giã đầu tôm để nấu canh và khoe “bà đếm đúng 1000 cái thì dừng”.
Tất nhiên, không phải việc nào bà “đòi làm” cũng tốt. Thí dụ như dù rất cố gắng và tỉ mỉ, nhưng bà vẫn cắt cái đề-can Dr Yến Vụn lam nham không khác gì chuột gặm.
Nhưng nói một cách thật lòng, tôi thà làm việc với một bà cụ lưng còng, răng móm, chân chậm, mắt mờ ngồi tỉ mẩn sửa lại cái decal méo mó, còn hơn hợp tác với những bạn trẻ sức dài vai rộng nhưng chỉ giỏi hô lên chết rồi, phải làm sao bây giờ nhỉ?
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/1BhdF1
>>> ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT KHÁC VỀ “BÀ NỘI” TRÊN BLOG CỦA MÌNH:
+ Thời gian không trở lại http://goo.gl/6Ap4vI
+ Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? http://goo.gl/gNG0NQ
+ Hãy cám ơn những tháng ngày rét buốt http://goo.gl/Y386eT