Sau một khoảng thời gian ba nằm viện, tui quan sát được nhiều điều. Nó rất lộn xộn và vụn vặt, chẳng biết ghép nối thế nào, chỉ đơn giản là ghi chú lại.
Đầu tiên, tui thấy điều ai cũng thấy: sức khoẻ là quan trọng nhất. Tất nhiên. Sau nữa là rất nên khám bệnh định kỳ và chữa triệt để ngay từ khi mới chớm. Nếu có thể, xin đừng rượu bia say xỉn, thuốc lá thuốc lào, tất nhiên đập đá chơi cỏ càng phải tránh cho xa.
Nằm viện rất tốn tiền. Đã nghèo đừng có bệnh. Vì nếu bệnh là tang thương lắm.
Có chị kia đưa mẹ vô nằm chung phòng với ba tui. Chi phí hết chừng 1 triệu/ngày, chị đi vay tiền góp.
Mỗi bữa tới giờ ăn tui mang cơm vô cho ba mẹ, dòm chị khều tô bánh canh “đại dương” là rớt nước mắt rồi.
Chẳng biết chị có nghĩ không (tại tui biết người miền nam vô tư lắm), chứ tui nghĩ thay chị đó hoài. Mà nghĩ hoài vậy chứ cũng hổng có ra đáp án. Rằng mẹ chị ở đây 2 tuần, rồi tiền đứng tiền nằm chị lấy đâu ra trả cho người ta nổi?
Mà vì cả nghĩ nên tui chẳng biết giúp gì, sợ người ta tự ái. Còn má tui hay đi xin cơm xin sữa từ thiện cho mẹ con chị đó. Tính má tui vô tư ít nghĩ lắm nên có gì người ta không chấp, mà có chấp má tui cũng đâu có quan tâm!
Nói nhỏ cho nghe, bữa nào có đoàn phát cơm từ thiện là người nhà bệnh nhân méc nhau lẹ lắm. Họ lũ lượt tới xin vì bớt được một đồng cơm là có thêm viên thuốc.
Bạn nào muốn làm từ thiện cứ theo con đường đó là thực sự từ tâm và hữu dụng.
Lần tới có ngồi lặt rau, chiên đậu hũ… hãy nhớ đó không phải một hộp cơm, mà đó là bạn đang cho gia đình người ta thêm hy vọng sống; bạn đang chìa vai ra gánh một nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Bạn không biết nhưng tui thì biết rõ, một tô canh bạn trao đi sẽ đổi được một tô nước mắt của nhiều người lắm…
Như lần tui đưa ba tui đi chụp x-quang, đứng chờ ngay gần quầy thu viện phí. Có cô đó gọi chắc gần hai chục cuộc điện thoại mà chưa lo nổi 2 triệu tiền tạm ứng. Mà tui thấy cổ cứ gọi hoài.
Đến như tui là người ngoài còn hiểu có gọi một trăm cuộc nữa đời cổ vẫn héo queo mà cổ cứ ấn lên ấn xuống cái danh bạ như thể ấn thêm vài chục cú nữa thì có ông tiên xuất hiện không chừng?
Tui chẳng biết cô đó còn thiếu bao nhiêu nhưng lén lút dúi cho cổ 500 ngàn, và tự nghĩ đó là “tiền nhuận bút” cho việc cô đã cho tui một minh hoạ sống động về hai từ “tuyệt vọng”.
Cô đó còn chưa hiểu chuyện gì tui đã lẩn ngay đi chỗ khác vì xấu hổ. Tất nhiên tui không ngại khi làm việc tốt, mà tui biết xung quanh đó còn nhóc người như vậy. Tui mà đứng đấy, rồi không giúp được người ta là tui ám ảnh.
Mà thú thực tui yếu đuối mấy vụ cảm xúc tang thương vậy lắm. Bởi vậy vô viện dòm đâu tui cũng thấy tim đau nhói.
Tha thẩn ra chỗ “công viên” chơi cũng gặp người nhà bệnh nhân đứng ngồi quỳ lạy cầu xin dưới chân tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch um xùm hết cả.
Tui thì nghĩ nhân vật cần lạy là bác sĩ chứ đâu phải bức tượng này. Mà rồi tự hiểu, chắc họ cũng lạy chán lạy chê bác sĩ và tuyệt vọng lắm rồi mới phải chạy ra đâu, dựa vào một niềm tin mơ hồ như vậy…
Sợ cứ mãi nghĩ quẩn như vầy rồi “đao” cảm xúc, tui lại chui vô phòng bệnh trốn. Ngồi bó gối 7-vạn-năm mới thấy đồng hồ nhích thêm 15 phút! Tui dòm mái tóc bạc quá nửa của mẹ lòng thấy thương vô hạn. Vì tui không hiểu mẹ sẽ làm gì trong căn phòng chật chội bí bức này suốt 24 tiếng đồng hồ nhân với 14 ngày rồi nhân tiếp với 7-vạn-năm?
Không lợn gà cá mú vườn tược cây cối, không rửa bát quét nhà không TV phim ảnh. Nói tóm lại là không gì hết. Mẹ bảo “ở đây nhàn lắm chẳng có gì đâu”, tui thì ứa nước mắt thấy mẹ như phạm nhân bị tù giam lỏng.
Ngồi đếm thời gian và không-gì-hết cũng đáng sợ như một loại cực hình.
Đêm nay tui không ngủ được vì ngày mai ba tui được cho xuất viện, mẹ được “ra tù”. Lòng bồn chồn thấy vui làm sao ấy. Thì vui vậy nhưng nghĩ tới những người bệnh khác lại thấy ngổn ngang.
Bởi vậy nhiều khi để tồn tại được ở cuộc đời này, mình mắt sáng nhưng cứ phải giả vờ đui mù không nghe không thấy. Tui viết ra những thứ chất chứa trong lòng thế này để rồi rũ cho quên sạch. Quên hết chẳng nhớ gì nữa nhé. Tui chưa từng nhìn thấy nghe thấy bất cứ câu chuyện hình ảnh nào như dao cứa vào tim như vậy.
Tui quên hết sạch sẽ rồi. Nếu không tim mình đau lắm…