Ngày đầu tiên viết báo, mình gửi bài cộng tác cho eChip, PC World. Gửi cả trăm bài cũng chẳng được đăng. Và mình cũng chưa bao giờ biết là tại sao bài của mình lại không được đăng?
Sau này chuyển qua viết dài hạn cho chuyên san Thế giới @ của Người Lao Động, được làm việc với chị Trang, chị Thiệp, anh Duy, chú Thanh và đặc biệt là chị Nguyên Châu. Chị Châu có thể coi như là người thầy đầu tiên dìu dắt mình viết báo, dù chị không chỉ cho mình nhiều nhưng những gì chị nói mình luôn nhớ kỹ.
Mình được giao nhiệm vụ viết bài Chuyên đề, tức là lúc nào cũng được “giật” ra ngoài trang bìa tạp chí, tóm lại là quan trọng. Chị Châu nói “bài của em quyết định việc người ta có mua báo hay không. Em phải viết làm sao để ai đọc vô cũng thấy bản thân họ có một phần trong đó. Mặc dù chúng ta làm báo về công nghệ nhưng em phải viết mọi thứ sao cho lại phải thật “đời”. Từng câu từng chữ, từng hình minh hoạ phải sinh động như cuộc sống, quen thuộc như hơi thở thì em sẽ thành công”.
Chỉ ngắn gọn vậy thôi nhưng để làm “ra chất” thì không hề đơn giản. Mình đã cố, đã luyện, đã bị chê tơi tả và rồi mình từ từ làm được.
Đó là một nguyên tắc đúng.
Và bên cạnh nguyên tắc “đơn giản và bình dân hoá những vấn đề phức tạp”, thì nguyên tắc “phải khiến mọi thứ gần gũi như hơi thở, quen thuộc như cuộc sống và để ai cũng thấy bản thân mình trong đó” được mình áp dụng vào mọi thứ mình viết ra. Kể cả trên báo hay trên facebook.
Đó là lý do tại sao đọc bài viết của mình các bạn sẽ thấy sẽ gặp nước mía, nước tương, cục kẹo, đôi đũa, cái tăm, hũ muối… Mỗi một câu một chữ mình viết ra là kết quả của cả một quá trình “vắt óc” ra suy nghĩ chứ không phải chỉ viết cho vui.
Mình luôn hình dung một cô bán sâm lạnh cũng có thể đọc và hiểu hết những gì mình viết. Đó là yêu cầu căn bản nhất. Sau đó mình mới “đắp” thêm những “ẩn ý sâu xa” vô đó. Mai mốt ai “bóc” ra được rồi hiểu thì tốt, còn không thì cứ đọc bình thường vẫn thấy được lớp nghĩa bên ngoài.
Đôi lúc đùa vui, đôi lúc tự sự, nhiều khi tửng tửng. Nói chung, ai cũng thấy một phần trong đó.
(Bài này viết tặng em Việt Anh. Hình minh hoạ là ngồi chỉ cho một bé cách chụp hình sao cho “đời” một chút. Mình căn hết 15 phút mới chụp được ra một tấm hình có vẻ tự nhiên)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – Sat, 16 Mar 2013 at 02:46 AM)