Ngày 21/9/2011 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL bổ nhiệm bà Trần Thị Thanh Nhàn làm đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam. Thanh Nhàn chính là người đẹp có nghệ danh quen gọi Lý Nhã Kỳ.
Sau khi quyết định được ban hành, người đẹp phải đối mặt với biết bao sóng gió. Có tờ báo thậm chí còn nói Lý Nhã Kỳ tốt nghiệp trường… dành cho chó! Tuy vậy, Nhã Kỳ không phản ứng, cô chọn cách im lặng và thực hiện các phần việc của mình. Người đẹp cũng từ chối không trả lời phỏng vấn bất cứ tờ báo nào.
Dưới đây là một phần trong bài phỏng vấn 1700 chữ của Lý Nhã Kỳ sẽ đăng trên Thể Thao Ngày Nay vào đúng 20/10/2011 nhân ngày Phụ nữ Việt Nam.
***
Khi chức danh đại sứ của tôi vừa được công bố thì ngay lập tức công chúng và dư luận đã gây áp lực cho tôi. Có những người đặt câu hỏi băn khoăn về khả năng của tôi, có người chỉ trích, bới móc đời tư của tôi, nhưng cũng có những người vì tin tưởng và yêu thương tôi nên rất lo lắng cho tôi.
“Tôi khẳng định tất cả hồ sơ và lý lịch của tôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra và xác minh, quá trình ứng cử và bổ nhiệm cũng đã đã được thực hiện theo đúng Quy chế Bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Đại sứ Du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành”
Nếu tôi thất bại, tôi không sợ những người cười chê tôi, mà tôi sợ nhất là phụ lòng những người đã tin tưởng và gửi gắm trọng trách cho tôi. Từ đáy lòng, tôi thật sự cám ơn tất cả những ý kiến dù tốt, dù xấu dành cho tôi trong thời gian qua, bởi hơn hết, nó trở thành động lực để tôi phải làm một cái gì đó trong nhiệm kỳ của mình, mà trước hết là một chiến thắng cho Vịnh Hạ Long. Tôi hiểu rằng, nếu tôi không làm tốt vai trò của mình thì không những tôi thất bại, mà Vịnh Hạ Long cũng có thể thất bại trong cuộc đua nước rút tới danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Vấn đề bằng cấp của tôi, rõ ràng hay không thì Bộ VHTT&DL đã kiểm tra và Bộ đã có những công bố chính thức cho báo chí, mặc dù việc đòi hỏi phải có bằng này bằng nọ là không cần thiết vì Quy chế của Bộ hoàn toàn không đặt ra. Tất cả những gì về bằng cấp tôi đã trả lời rất rõ ràng trong thời gian qua. Còn những việc riêng tư khác, tôi nghĩ trong cuộc đời này, không ai lại đi đòi người khác phải kể tông tốc tất cả mọi chuyện đã xảy của họ. Không ai muốn mình như cái bao tải bị lộn lần trong ra lần ngoài. Mọi người đều có những khoảng trời riêng cần được tôn trọng.
Bị xúc phạm nặng nề trên báo chí, sao tôi không bày tỏ thái độ quyết liệt hơn ư? Tôi nghĩ rằng những gì vừa qua chính là câu trả lời rõ nhất cho điều này. Và giờ đây tôi hiểu rằng, trải qua sóng gió, bị xúc phạm mà vẫn bình tĩnh, làm việc được thì mới là điều quan trọng.
… không phải ngẫu nhiên mà tôi được chọn làm Đại sứ du lịch, bởi chắc chắn Bộ VH,TT&DL đã tính đến sự ảnh hưởng của tôi với tư cách là diễn viên, là nhân vật trong giới showbiz tới công chúng. Nhưng tất cả những sự ảnh hưởng đó chỉ là tiền đề. Cụ thể, qua các vai diễn, công chúng chỉ có thể cảm nhận phần nào khả năng diễn xuất của tôi, còn qua các hoạt động showbiz, công chúng biết thêm những thông tin, hình ảnh về tôi… Song có lẽ phải đến vai trò Đại sứ Du lịch thì tôi mới có cơ hội được bộc lộ những thế mạnh của mình: khả năng giao tiếp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, và quan trọng nhất là khả năng thu hút, lôi cuốn công chúng cùng chia sẻ những thông điệp về du lịch, mà trước hết là bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.
***
Thực ra, mình cũng chẳng biết bài phỏng vấn này do Lý Nhã Kỳ tự trả lời, bên Cục hợp tác của Bộ trả lời hay do Lý Nhã Kỳ trả lời và chịu sự “thẩm định” của Cục trước khi công bố. Chỉ biết rằng, “họ” đã cân nhắc từng câu chữ rất kỹ và có đề nghị không được biên tập lại. Theo mình, đó là sự cẩn trọng cần thiết trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Nhưng câu chuyện của Lý Nhã Kỳ khiến mình không-thể-không liên hệ đến câu chuyện của hoa hậu Thuỳ Dung dạo trước.
Thuỳ Dung đăng quang sau đó bị dư luận “soi” vào vấn đề bằng cấp. Lý Nhã Kỳ thì bị soi sau khi “nhậm chức” Đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Thuỳ Dung một mực chối việc chưa tốt nghiệp cấp III, và có ông Dương Xuân Nam – TBT báo Tiền Phong đứng ra bênh vực. Lý Nhã Kỳ cũng thế, nhưng “cao cấp” hơn ở chỗ cô ý đã tốt nghiệp THPT, chuyện lùm xùm lần này chỉ là tấm bằng đại học. Và người đứng ra bảo vệ Lý Nhã Kỳ là ông Nguyễn Văn Tình – Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch.
Các bên liên quan trong vụ Thuỳ Dung cũng một một hai hai từ chối công bố bằng cấp ra cho báo giới xem và thẩm định. Kịch bản này lặp lại nguyên mẫu trong vụ của Lý Nhã Kỳ.
“Trường Quốc tế” mà Thuỳ Dung nói rằng đang chuẩn bị qua du học – sau khi bị dư luận đào bới xới lộn – hoá ra là một cơ sở… chữa răng; còn trường đại học quốc tế mà Lý Nhã Kỳ đề cập thì đang dính vào nghi vấn là trung tâm… nuôi dạy chó!
Sau một thời gian “giấu tiệt” học bạ và bằng tốt nghiệp, Thuỳ Dung quyết định công khai mọi thứ và ngay lập tức người ta phát hiện ra đó là những giấy tờ giả mạo. Thuỳ Dung bị quy kết là câu giờ để đi làm bằng cấp giả. Có người quá khích còn đòi bắt cô ý đi tù nữa!
Sau vụ Thuỳ Dung, ông Dương Xuân Nam cũng vừa đúng lúc thôi chức TBT của báo Tiền Phong (anh Chánh Văn – Đoàn Công Huynh lên thay thế).
Chỉ hy vọng rằng trong “vụ án Lý Nhã Kỳ”, người đẹp có bằng cấp thật, không phải câu giờ để úm-ba-la ra bằng cấp; cũng sẽ không có người liên quan liên đới nào phải về vườn và dù sao chăng nữa, Lý Nhã Kỳ cũng có học thức cao hơn Thuỳ Dung một bậc nên đừng…
… ăn mặc kiểu thế này!
Lý Nhã Kỳ đang lái mọi thứ trong câu trả lời về việc “Bình chọn cho Vịnh Hạ Long” nên sẵn sàng bỏ qua thị phi, dư luận. Nhưng hỡi ôi, mình thấy rằng ngay bản thân cái cuộc bầu chọn này đã vô cùng ba xàm bá láp và nhảm nhí!
vụ Bình chọn Vịnh Hạ Long quá là nhảm nhí, chả ra mô tê gì (¯_¯).
:)
Ah thực ra mà bình được thì cũng tốt, nhưng đừng nâng tầm nó lên một cách quá thể vậy thôi, he he