“Mình ngờ ngợ là mình đã quên cái gì nơi ấy.
Lục lạo lại thì đúng là mình có bỏ lại cây bàn chải đánh răng. Nghĩ lại, cây bàn chải đánh răng thì nhằm nhò gì, mà mình bứt rứt khó chịu như vậy. Mình vẫn còn cảm thấy bỏ lại một cái gì đó, khác hơn và lớn hơn, sâu đậm hơn nhiều.
Vậy thì có phải mình để lại Thị Tường một mùa gió chướng?”
Đó là đoạn mở đầu tạp văn “Xa Đầm Thị Tường” của Nguyễn Ngọc Tư, một trong số những nhà văn hiếm hoi mà tôi nghĩ mình đã “phải lòng”.
Tôi “yêu” Nguyễn Ngọc Tư không chỉ vì giọng văn rất riêng, chất văn rất riêng không lẫn vào đâu được. Mà tôi yêu Tư còn bởi những câu từ mộc mạc mà thấm đẫm tình đất tình người nơi miệt sông nước miền tây của chị.
Tôi “yêu” Nguyễn Ngọc Tư nhiều đến nỗi bất kể khi nào đổi máy hay cài lại iPhone, thì một trong những việc đầu tiên nhất quyết phải làm là mở mail tìm lại cuốn “Nguyễn Ngọc Tư toàn tập” để đưa vào iBook.
Tôi đọc sách, truyện và tản văn của chị mỗi đêm. Đọc từ đầu đến cuối, đọc hết trang cuối cùng lại quành về đầu đọc lại. Đọc đến thuộc làu làu. Đọc đến mức nhiều khi giữa đêm hè nóng như chảo lửa trong lòng Hà Nội vẫn nghe gió chướng trong từng trang sách thổi về toang hác cả một trời thương nhớ miền tây.
Nếu gặp tôi lần đầu, bạn mặc nhiên ghi điểm nếu là người miền tây, không cần biết lý do, không cần phải lý do. Vì trong truyện của Tư, người miền tây là số dzách. Và tôi cứ tin tuyệt đối vào cái “chân lý” tự mình suy diễn ra một cách ngon ơ như vậy!
Cũng vì quá tin Nguyễn Ngọc Tư, mà tôi cũng “thèm buổi sáng ngắm mặt trời mọc từ Đầm, buổi chiều khập khựng úp mặt về mũi mắm cuối Đầm”.
Cũng vì quá yêu Nguyễn Ngọc Tư, mà tôi cũng “thèm nhìn một bầu trời tinh tươm không bóng bầy ác điểu đen xì”.
“Thèm thả xuồng ra Đầm, mang theo một ít ghẹm muối nguyên con, thịt non mềm, một tay cầm củ gừng một tay cầm con mắm cứ cắn gừng một miếng, cắn mắm một miếng mà lai rai dưới trăng”.
Thế nhưng ngày đặt chân đến Thị Tường, thì tôi thấy trời ơi Tư nói xạo.
Chẳng có Thị Tường “ảo ảnh” nào đẹp như tranh vẽ của Tư. Thị Tường ngoài đời thực đón chúng tôi vào một chiều mưa bão (khúc này có hơi nói lố, vì thực ra chỉ mới giông thôi).
Chỉ mới giông thôi mà con tàu đã bị sóng dập muốn tơi bời. Cậu trẻ (cũng là con trai của ông chủ HTX du lịch Đầm Thị Tường) đóng vai thuyền trưởng nhất quyết đưa đoàn khách đặc biệt chúng tôi cưỡi sóng ra khơi.
Mưa không lớn nhưng gió to, mang nước hắt từ bên này tàu qua bên kia như trẻ con hò hét ở chỗ không người. Gió thốc rồi rít lên từng chặp, cây cối ngả nghiêng rạp xuống một bên nhìn muốn quýnh quáng tay chân. Rồi thì sấm sét, chớt giật đùng đùng. Những vệt trắng như dòng điện cao thế gầm gừ nứt toác trên nền trời tối sẫm, chốc chốc lại oánh xuống cái đùng nghe muốn rụng tim.
Tình thế lúc này minh họa rất rõ ràng và chi tiết cho chữ “quéo” mà mấy người bạn miền tây của tôi hay sử dụng.
Tôi nhảy từ mạn tàu bên này qua mạn bên kia ôm chặt cây cột bằng gỗ mỗi khi sóng đánh. Bỗng nghe cái rầm, tàu nghiêng hẳn một bên, nước thản nhiên ụp xuống đầu ướt sũng. Sau vài giây tim ngừng đập, mặt mũi tái xanh, tôi đánh mắt qua người bạn đi cùng rồi liếc vào 2 chiếc phao cứu sinh màu da cam chói lọi.
Lại nghe cái rầm thêm phát nữa, con tàu chồm lên rồi rớt xuống, chòng choành xoay như chong chóng giữa dòng “nước lũ”. Tim gan phèo phổi chúng tôi vừa yên vị lại rụng hết ra ngoài (là tôi đoán những người đi cùng cũng vậy, căn cứ trên vẻ mặt rất “quéo” của họ dù cố gắng tỏ ra ta đây gan dạ).
https://www.youtube.com/watch?v=y877dkHYsOE
Cậu trai vén chiếc nón tai bèo ngược ra sau để “nhìn cho rõ”, rồi vuốt mặt do ướt sũng nước mưa, sau đó nhoẻn miệng cười tỉnh rụi:
“Thôi mình… quay lại nhé mấy anh, nhắm chừng… đi hổng nổi”.
Trời ơi, thiệt luôn đó hả? Nói chuyện tỉnh bơ như vậy hả?
Tôi cứ đồ rằng, gió to chút nữa mà thổi bay chút phần sĩ diện còn sót lại, chắc tôi đã quỳ rạp xuống mà lạy cậu trai 3 lạy (hàm ý nói, này cậu trai kia, nếu quay lại được, làm ơn quay lại luôn và ngay dùm cái, chúng tôi sắp đứt mạch máu não tại chỗ rồi nghen).
Con tàu lại chòng chành, cưỡi sóng hướng về phía bờ kênh “chạy trốn”.
Khi đã yên vị nơi đám lau sậy cao quá đầu người, cậu trai mặc nguyên bộ đồ ướt sũng nhảy cái phóc lên bờ, đội gió, đội mưa, điềm nhiên… đi hái lá (để mặc đám chúng tôi đứng co vì lạnh, và vì “quéo” ở trên tàu).
“Cái đọt này ngon lắm nhé mấy anh, chút tà tà mình quẩy tàu ra lại, tha hồ bỏ vô lẩu ăn chua chua bùi bùi ngon lắm”.
“Trời ơi mưa gió lớn như vầy, hay mình… hủy chuyến?”
“Ăn nhằm gì, chút xíu hà”, cậu trai lại nhảy cái roẹt xuống tàu. Đôi chân to bè đã bệt ra vì ngâm nước.
Tôi chỉ tay ra phía xa, nơi vừa xuất hiện một con tàu khác cũng đang chòng chành vật lộn giữa dòng và lớn “trời ơi nguy hiểm quá”.
“Ờ hén, “con” này chắc vô hổng nổi quá”, cậu trai khoe hàm răng trắng muốt, cười hồn nhiên đáp!
Lần thứ hai bị đứng hình, tôi quay lại nhìn cậu trai trân trối (ý là, ê tôi hổng quen cách nói chuyện tỉnh rụi vậy đâu nghen).
“Ha ha, nó mất tiêu luôn rồi mấy anh ơi”
Cậu trai bỏ mặc chúng tôi đứng chết trân tại đó, ánh mắt dính keo cứng ngắc ra mút tận ngoài đường chân trời đục ngầu xám xịt để cố giải nghĩa thông điệp “nó mất tiêu luôn rồi” là nghĩa làm sao?
Vậy là… chúng tôi vừa được chứng kiến một con tàu bị sóng úp xuống chìm nghỉm giữa đầm Thị Tường có phải không?
“Làm miếng chôm chôm cho mát ruột anh hai”
Tôi trợn mắt, hết dòm cậu trai lại dòm trái chôm chôm. Người run lên vì lạnh, vì sợ, và vì trời vừa giáng xuống thêm một tiếng sấm nổ rền vang…
Rồi mưa ngớt. Gió cũng hiền hòa lại. Chỉ còn tiếng nước nhỏ tong tong từ đầu tóc chúng tôi xuống sàn nghe lạnh tê người. Con tàu “biến mất tiêu” bỗng lù lù xuất hiện, đi ngược vào bờ rạch.
Cậu trai nổ máy, đánh lái 180 độ xoay dọc lại để tàu bạn chạy qua. Nụ cười chân chất kéo theo một câu chào tỉnh rụi:
“Gió dữ quá heng chú ba… Tưởng đâu chú tiêu rồi chứ”.
Trời ơi, thiệt luôn đó hả? Nói chuyện tỉnh bơ như vậy hả?
Tôi trợn mắt nhìn cậu trai thêm lần nữa. Còn cậu đang bận quay với theo tàu của “chú ba” để cười nói gì nữa mà tôi nghe không rõ. Trước khi mở nắp gỗ để giựt cái gì đó dưới khoang máy bung lên giữa đầm một tiếng nổ rền vang, hào sảng.
Ngồi giữa bốn bề sóng nước, phóng tầm mắt ra nhìn căn chòi lợp lá đằng xa bị gió đánh bạt xuống ngả nghiêng như răng ông lão. Ăn miếng khô đằm vị biển, hớp một ngụm canh chua với cái đọt gì chưa kịp nhớ tên do cậu trai hái lúc đưa tàu đi trốn sóng.
Trời đã ngớt mưa, dù mây đen còn giăng khắp đầm một màu tối sẫm. Con tàu chòng chành khi nãy đang ngạo nghễ neo ngay trước mắt, tôi kịp nhìn thấy một dòng chữ kẻ sơn xanh kiêu hãnh “Du thuyền đầm thị tường, số điện thoại 09xxx kính chào khách quý”.
Vậy là, mình vừa được cưỡi du thuyền ra với Thị Tường thật đó sao?
Vậy là, mình vừa được “may mắn” trải nghiệm những gì chất phác nhất, hồn hậu nhất, nồng ấm nhất của người miền tây thật đó sao?
Ngồi trên này có bị hắt mưa đâu, mà nước chảy vòng quanh cánh mũi. Khỏi cần tắm biển cũng nghe vị mặn mòi. Yêu và thương lắm.
Vậy là Tư đâu có xạo mình đâu. Cái hồn cái cốt của Thị Tường và con người Thị Tường muôn đời vẫn vậy. Dù nắng hay mưa, dù trời yên hay giông tố thì cái chất miền tây, của người miền tây đã hòa quyện trong từng hơi thở của Thị Tường.
Rồi cũng như Tư, mình sẽ phải trở lại Thị Tường.
“Đứng bên bờ xáng, nơi có bụi ô rô lá võ vàng. Mình đứng đó trong lồng lộng gió, gió không hương. Mình đứng đó trong vàng dãi nắng, nắng cô hồn. Mình sợ phải nhìn thấy Đầm Thị Tường vốn từng nhớ thương sâu sắc trong lòng đưa tay vẫy cái chào xa mãi”.
Cà Mau, ngày 7/7/2018.