(Bài phỏng vấn trên infonet – http://bitly.com/1eDJJM0)
+ Nhìn bức ảnh và những thông tin vừa được xác minh trên báo chí, anh có cảm giác thế nào?
Tôi thấy rất thương em bé gái bị đeo bảng ăn trộm, dán chân tay dang ra và đứng phơi cho mọi người nhìn thấy. Tôi nghĩ đây là một cú sốc rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý và sẽ khiến em bị mặc cảm thời gian dài sau này nữa.
+ Là người nghiên cứu truyền thông, anh có thể lý giải vì sao dân mạng phẫn uất trước bức ảnh như vậy?
Chẳng cần phải nghiên cứu về bất cứ cái gì cũng thấy rằng việc cư dân mạng phẫn uất là chuyện đương nhiên. Hoàn toàn không có yếu tố truyền thông nào cần phân tích trong câu chuyện làm nhục người khác thế này. Đây đơn thuần là tình cảm giữa con người và con người trong xã hội.
Trước đây, có rất nhiều trường hợp bị “bạo hành” tương tự như Hào Anh ở Cà Mau, các em bé bị bảo mẫu nhúng đầu vào phi nước… đều được “cộng đồng mạng” chia sẻ clip, hình ảnh và bày tỏ sự phẫn uất một cách… nhiệt tình!
+ Xin hỏi thật, là anh anh có bức xúc như vậy không?
Hồi nhỏ tôi cũng vào nhà sách, ăn trộm sách và… bị bắt. Cảm giác khi đó giống như đất trời sụp xuống đầu mình vậy. Tôi vẫn nhớ như in mình đã khóc lóc van xin nhiều thế nào. Tôi bảo là cháu xin cô đừng mách với cô giáo và bố mẹ cháu biết. Tại vì với trẻ con, chưa biết sợ đi tù, chưa sợ bị người khác đánh. Nỗi sợ lớn nhất là gia đình biết và bạn bè thầy cô biết. May mắn làm sao đây là hiệu sách gần nhà, trong đó có một cô nhân viên ở chung xóm đã tới nhận và bảo lãnh cho tôi. Cô còn mua tặng tôi cuốn sách đó nữa.
Cô bé trong câu chuyện này thì không may mắn như tôi, em phải chịu người ta làm nhục, gia đình biết và nhà trường biết. Tôi không hiểu nổi làm cách nào để một đứa bé như vậy có thể vượt qua “đòn tra tấn” tinh thần khủng khiếp thế này?
+ Phải chăng ý thức bảo vệ trẻ em của cộng đồng đã tốt hơn lên?
Tôi không nghĩ thế. Nói chính xác hơn thì một sự việc đơn lẻ này không nói lên điều gì và không đại diện cho sự thay đổi nào về mặt ý thức của cả “cộng đồng” được.
Năm 2008, học giả Ethan Zuckerman đưa ra thuyết “Mèo Xinh”. Theo đó, các hình ảnh mèo chó (vật nuôi dễ thương), em bé và hình tự sướng là những loại “content” thường được lan truyền trên mạng đôi khi là phi mục đích, đôi khi lồng ghép thông điệp nào đó. Nhưng tóm lại, cứ đúng content dạng này thì sẽ được lan truyền chứ không phụ thuộc vào “ý thức”.
Có nhiều hình ảnh khác liên quan đến trẻ em cũng được lan truyền trên mạng thí dụ như bị bạo hành, lạm dụng… nhưng không được “cộng đồng” nào ca-rô hay làm mờ khuôn mặt. Tức là lợi bất cập hại, vừa lên án cái sai nhưng vừa làm nạn nhân trong đó chịu thêm áp lực khi hình ảnh và thông tin cá nhân bị công khai.
+ Nhân viên siêu thị đã không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, đồng thời đã “tự giết mình” trong con mắt giới truyền thông và công chúng. Ý kiến của anh thế nào?
Đúng là họ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, truyền thông và công luận đang lên án họ nhưng tôi không kỳ vọng lắm vào việc siêu thị đó phải trả giá đắt. Vì ý thức tẩy chay của người Việt chưa cao. Nhất là ở một huyện vùng sâu vùng xa như vậy. Tôi mong họ bị xử lý nặng trên cơ sở luật pháp nhiều hơn.
+ Về khía cạnh truyền thông, anh thấy có bài học nào cho những người kinh doanh khác trước khi có những hành động với trẻ em?
Ngày trước, doanh nghiệp coi những vấn đề liên quan đến văn hoá, chính trị, tôn giáo, vùng miền… là những vấn đề nhạy cảm và có thể gây ra khủng hoảng.
Theo thời gian, và phụ thuộc ngành nghề, doanh nghiệp lại nối dài thêm một số hạng mục cần cẩn trọng như vệ sinh an toàn thực phẩm, bản quyền, sức khoẻ.
Trong thời buổi toàn cầu hoá bây giờ, những vấn đề “thời thượng” như môi trường, quyền trẻ em và quyền của người đồng tính, song tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) sẽ là những chủ đề rất nhạy cảm, có khả năng gây khủng hoảng với hậu quả khôn lường.
Hồng Chuyên (thực hiện)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – April 15, 2014 at 07:37PM)